trangthutd.2404
Pearl
Năm 2021 báo hiệu sẽ là một năm sinh tử đối với việc kinh doanh smartphone của Huawei.
Tại một vị trí đắc địa ở Donlim Emperor Court, trung tâm mua sắm mới nổi tại thành phố Phật Sơn, miền nam Trung Quốc, mọc lên một cửa hàng Huawei với diện tích sàn lên tới 1.700 mét vuông. Logo Huawei chiếm vị trí nổi bật trên tường, khiến địa điểm này trở thành một trong các tài sản quý giá của trung tâm mua sắm. Ban quản lí đã đưa nó vào trong cả tài liệu quảng cáo, mong thu hút thêm nhiều khách hàng tiềm năng.Tuy nhiên, 8 tháng sau khi khai trương, cửa hàng được thông báo đóng cửa vĩnh viễn. Quang cảnh bên trong khá vắng vẻ, với chỉ một cây thông Noel nhỏ cùng vài món đồ nội thất bài trí xơ xác. Xáo trộn đó báo hiệu quãng thời gian khó khăn sắp tới với Huawei. Từng là ngôi sao sáng nhất thị trường smartphone Trung Quốc, chiếm gần nửa thị phần, nay công ty đang bị dồn vào đường cùng khi thiếu hụt cả linh kiện lẫn phần mềm.
Theo triển vọng kinh doanh nội bộ, Huawei ước tính năm nay chỉ có thể xuất xưởng bằng chưa tới một nửa năm ngoái, giảm tới 60% sản lượng smartphone. Mức suy giảm nghiêm trọng này thổi bay chuỗi cửa hàng bán lẻ của Huawei. Một giám đốc cho thuê mặt bằng tại Donlim Emperor Court là Eddie Cen chia sẻ, ông chủ của cửa hàng Huawei đóng cửa ở trên thừa nhận nguồn cung smartphone Huawei đã cạn kiệt.
Các cửa hàng bán điện thoại Huawei từng mọc lên như nấm sau mưa ở Trung Quốc. Vào thời kỳ đỉnh cao, chuỗi phân phối của ông vận hành tới 30 điểm bán, nay thì đã đóng cửa tới 9 cái. Bên ngoài Phật Sơn, nhiều báo cáo chỉ ra hàng hóa ngày càng trở nên khan hiếm, đẩy các nhà phân phối phải quay sang bán sản phẩm tới từ Oppo, Vivo và Realme nhằm duy trì kinh doanh.
Các nhà bán lẻ rất thích bán sản phẩm Huawei bởi tỉ suất lợi nhuận ấn tượng. Theo Tony Zhang, một nhà phân phối điện thoại ở Phật Sơn, một chiếc điện thoại Huawei mới tinh có thể được bán với giá hơn 1.000 tệ (khoảng 154 USD) so với giá gốc. Biên lợi nhuận cao gấp ba lần các hãng Trung Quốc khác. Khi công ty bị Mỹ đàn áp, người dân trong nước đổ xô đi mua điện thoại Huawei nhằm ủng hộ thương hiệu nội địa.
Nhờ nhu cầu tăng vọt đó, năm ngoái Huawei có thể đánh bại Samsung, trở thành hãng smartphone lớn nhất thế giới. Phần lớn nhờ vào thị trường quê nhà bùng nổ chưa từng có giúp bù đắp cho sự suy giảm ở thị trường quốc tế. Tháng Mười năm 2020, Huawei từng cho biết lượng cửa hàng bán lẻ tại Trung Quốc đã chạm ngưỡng 10.000. Công ty lấn át hoàn toàn các thương hiệu đồng hương, dồn ép Samsung về mức thị phần dưới 1%.
Quảng cảnh tiêu điều tại một cửa hàng điện thoại Huawei sau khi đóng cửa (ảnh: SCMP)
Mọi chuyện chỉ thực sự trở nên nghiêm trọng khi chính quyền ông Trump cắt đứt liên hệ của công ty với chuỗi cung ứng toàn cầu. Lệnh cấm ngăn không cho Huawei tiếp cận với hàng hóa bán dẫn có dính dáng tới công nghệ Mỹ, dù là chip nhớ hay bộ xử lí, cảm biến hình ảnh,... Sau một thời gian nỗ lực tích trữ chip và linh kiện, cuối cùng Huawei cũng không thể làm gì hơn.
Hãng nghiên cứu thị trường IDC cảnh báo, doanh số điện thoại năm nay của công ty có thể chỉ đạt 70-80 triệu đơn vị. Còn nhà phân tích Ethan Qi tới từ Conterpoint Research thì bi quan hơn, số bán có thể thu hẹp chỉ bằng 1/5 so với hồi 2020. "Hầu như các cửa hàng bán lẻ đều đã không còn điện thoại Huawei để bán" - Qi nói. Theo ông, ngay cả các cửa hàng nhỏ cũng không còn đủ hàng tồn kho.
Tại Thâm Quyến, trung tâm điện tử miền nam Trung Quốc, phóng viên SCMP đã ghé thăm 5 cửa hàng để hỏi về chiếc Huawei Mate X2. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được cái lắc đầu. Một nhà bán lẻ giấu tên cho biết, giá bán của mẫu điện thoại màn hình gập vừa được trình làng đang bị đẩy lên, do nguồn cung quá khan hiếm. Bản thân giá công bố đã là hơn 64 triệu đồng vì sản xuất khó khăn, nay lại còn tăng lên hơn 85 triệu đồng.
Các điện thoại đời cũ của Huawei cũng rơi vào tình trạng hết hàng. "Với mẫu Mate 40 Pro bản màu vàng, cửa hàng tôi giờ chỉ còn lại vài chiếc mà thôi" - nhà bán lẻ này thừa nhận. Rất nhiều chủ cửa hàng khác đã không thể trụ nổi khi hàng hóa cạn kiệt. Một chủ cửa hàng tự xưng Anh Hai đã phải đóng một cửa hàng điện thoại Huawei ở tỉnh Tứ Xuyên, chỉ sau 9 tháng mở cửa.
Trong video đăng tải lên nền tảng Xigua Video, Anh Hai tâm sự "đã đặt cả tâm huyết" vào cửa hàng này, nhưng cuối cùng vẫn không thể cứu nó khỏi phá sản. Sự tuyệt vọng bây giờ trái ngược hoàn toàn so với khi mới khai trương. Anh đã từng tràn trề niềm tin vào sự đổi đời, công việc làm ăn thăng hoa ở những video đầu tiên.
Người này cho biết nguồn cung bắt đầu gặp trục trặc vào tháng Chín năm ngoái. Có những quãng thời gian tới hơn 10 ngày mà không có đợt hàng mới nào. Anh dần tỏ ra hoang mang khi chính quản lí Huawei cũng không thể minh bạch về khả năng cung ứng. Giờ, anh bị thiệt hại tới 100.000 nhân dân tệ (hơn 350 triệu đồng) khi phải dừng kinh doanh.
Theo một báo cáo gần đây từ Tencent News, Huawei vẫn còn lại một chút ít chip Kirin 9000, đủ để sản xuất một lượng nhỏ P50 và Mate 50 sắp tới. Việc sản xuất đối với sản phầm tầm trung và giá rẻ đã bị dừng lại. Cách đây vài tháng, hãng đã chấp nhận bán thương hiệu con Honor với giá 15 tỷ USD, nhằm giảm gánh nặng cũng như mở ra con đường sống cho Honor.
Nhiều nhà phân tích tin rằng, Huawei sẽ sớm bị đánh bật bởi các thương hiệu đồng hương khác. Oppo và Vivo sẽ nhanh chóng tiếp quản khách hàng của công ty, trong khi Realme cũng nhận được sức bật lớn nhờ khoảng trống để lại. Thương hiệu Trung Quốc từng là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời smartphone nước này, nay chỉ còn le lói chút ánh tàn.