Nhiều hãng hàng không Mỹ phải dừng bay vì thiếu phi công

Y
Trung Nguyen Minh
Phản hồi: 0
Các hãng hàng không Mỹ buộc phải dừng dịch vụ tại một số sân bay do… thiếu phi công.
Trước đây, việc bay đến và đi khỏi Dubuque, Iowa diễn ra thật dễ dàng. Một sân bay nhỏ tại đây đủ sức phục vụ cho 100.000 cư dân của quận với chỗ đậu xe miễn phí.
American Airlines (AAL), hãng hàng không duy nhất cung cấp dịch vụ thường xuyên đến Dubuque, đang tạm dừng các chuyến bay đến đây do tình trạng thiếu phi công. Hãng này cũng đang ngừng cung cấp dịch vụ tại Islip và New York vì lí do tương tự. Họ gọi đây là “một quyết định khó khăn”.
Đối với hầu hết cư dân và doanh nghiệp sử dụng sân bay Dubuque, giải pháp thay thế chính là mất 3 giờ để lái xe đến Sân bay O'Hare ở Chicago. Tại đây có bãi đỗ xe miễn phí và cũng dễ dàng bắt các chuyến bay đến nhiều nơi khác. Quãng đường di chuyển bằng xe này khá khó khăn vì không nằm trên tuyến cao tốc.
Molly Grove, Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Khu vực Dubuque, cho biết: “Đây chắc chắn là một điều đáng thất vọng. Rõ ràng, dịch vụ hàng không rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là một yếu tố thu hút nhân sự có chất lượng đến làm việc tại địa phương. Việc đi lại bằng máy bay diễn ra nhanh chóng, dễ dàng và tiết kiệm được nhiều thời gian vì không phải di chuyển bằng ô tô”.
Dubuque không phải là sân bay duy nhất bị ảnh hưởng bởi tình trạng này. Việc tạm dừng hoạt động các tuyến bay diễn ra ở nhiều thành phố và tình trạng này sẽ tăng trong những năm tới. United (UAL) và Delta (DAL), hai hãng hàng không lớn khác cũng đang cắt giảm dịch vụ tại các sân bay vừa và nhỏ.
Nhiều hãng hàng không Mỹ phải dừng bay vì thiếu phi công
Bất chấp nỗ lực của các hãng hàng không, tình trạng thiếu phi công ngày càng diễn ra nghiêm trọng hơn. Điều này đặc biệt đúng với các hãng hàng không phục vụ các tuyến bay tại các thành phố nhỏ. Những phi công chủ yếu được thuê để lái những chiếc phản lực lớn hơn cho các chuyến bay đường dài, đông hành khách tại các thành phố lớn.
Dịch Covid khiến nhiều phi công nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, tình trạng thiếu phi công đã diễn ra suốt thập kỷ qua tại Mỹ. Số liệu thống kê của RAA cho thấy 20% các sân bay đã đóng cửa một nửa các chuyến bay trong 3 năm qua. Dự kiến vào cuối năm nay, một đợt cắt giảm mới của các hãng hàng không sẽ khiến con số này còn tăng cao hơn nữa. 42 sân bay khác đã mất 1/3 chuyến bay trong cùng khoảng thời gian này.
Theo số liệu từ công ty phân tích hàng không Cirium, khoảng 10% máy bay phản lực cỡ lớn của Boeing và Airbus trong đội bay của các hãng hàng không Mỹ vẫn chưa bay, ngay cả khi nhu cầu đi lại đã tăng sau đại dịch. Và hơn 500 máy bay phản lực cỡ trung và nhỏ do các nhà sản xuất lớn Bombardier và Embraer chế tạo cũng đang trong tình trạng chờ bay.
Faye Malarkey Black, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Hàng không Khu vực cho biết: “Chúng tôi không có phi công để vận hành tất cả máy bay này. Có ít phi công mới được bổ sung so với số người nghỉ việc. Đây là một công việc tuyệt vời, tuy nhiên chỉ những người có tài chính tốt mới có thể tham gia học tập”.
Nhiều chuyên gia tin rằng tình trạng thiếu phi công sẽ khó chấm dứt trong thời gian ngắn. Jim Corridore, quản lý cấp cao của công ty nghiên cứu Similarweb cho biết có nhiều vấn đề đang tồn tại như chi phí nhiên liệu, áp lực tiền lương. Ngành dịch vụ hàng không đang thay đổi, các chuyến bay đến một số địa phương không mang lại lợi nhuận. Đây cũng là nguyên nhân các hãng xem xét cắt giảm các chuyến bay.

Tham khảo: CNN
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top