thumbnail - Nỗi lo lộ lọt thông tin căn cước công dân
Fun Fun
Hà Nội

Nỗi lo lộ lọt thông tin căn cước công dân

Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) vừa ra cảnh báo về việc tội phạm dùng thông tin cá nhân, hình ảnh CMND/căn cước công dân (CCCD) của người dân để làm chuyện phạm pháp.

Bạn đọc bày tỏ bức xúc trước hiện trạng này, đề nghị có giải pháp bảo vệ thông tin công dân.

Như Thanh Niên đã đưa tin, Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) vừa cảnh báo về việc người lạ trả tiền (từ 100.000 - 300.000 đồng) cho người dân để chụp 2 mặt CMND/CCCD. Công an TP.Thủ Đức khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp CCCD/CMND, không được cầm cố CCCD/CMND cho các cơ sở cầm đồ hoặc các đối tượng cho vay tín dụng đen; không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD/CMND lên mạng xã hội.

Ngoài ra, không cung cấp thông tin CCCD/CMND cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo Công an TP.Thủ Đức, nhiều khả năng sau khi có thông tin cá nhân, hình ảnh CCCD/CMND của người dân, các nhóm tội phạm sẽ mua bán với nhau để sử dụng vào mục đích phạm tội như: làm giấy tờ giả để mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính; chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc; giả mạo, giả danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát, hải quan, thuế... gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra; làm quen qua mạng xã hội hứa hẹn gửi quà, tiền rồi yêu cầu chuyển tiền phí, lệ phí và tiền “bôi trơn” vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để chiếm đoạt.

Dùng CCCD sao cho an toàn?

Nỗi lo lộ lọt thông tin căn cước công dân 

Bạn đọc (BĐ) dẫn chứng những câu chuyện cụ thể cho thấy việc thông tin, hình ảnh cá nhân dễ dàng bị lộ lọt vào tay kẻ xấu. BĐ Duong3399 cho biết: “Tôi đi làm, vào các tòa nhà để thi công công trình đều bị giữ lại CCCD, ra về mới lấy được. Vậy trong lúc này nếu người xấu chụp rồi lưu lại, bán thông tin cho người khác thì làm sao kiểm soát? Hôm trước tôi bị công ty tài chính gọi bảo thanh toán nợ, họ nói có hồ sơ tên tuổi tôi rõ ràng, bảo tôi đừng trốn. Tình cờ tôi biết trụ sở tài chính đó ngay tòa nhà tôi hay ra vào, tôi hay gửi CCCD chỗ bảo vệ mới vào thi công được. Phải chăng thông tin lộ lọt từ đây?”.

“Chuyện sử dụng CCCD hằng ngày sao thấy lo quá, như giờ đi du lịch phải đưa CCCD cho tiếp tân khách sạn rồi họ chụp để đó, lỡ sau này họ bán thông tin hoặc làm chuyện bậy nào đó thì sao?”, BĐ Ngothang.300567 hoang mang.

Tương tự, BĐ Vinh6656 cho rằng việc sử dụng giấy tờ tùy thân trong công việc, giao dịch hằng ngày là rất thường xuyên, thậm chí bắt buộc, nên người dân khó tự bảo vệ thông tin cá nhân. “Giờ đi làm các loại công việc, dịch vụ công hay không phải dịch vụ công thì các nơi đều yêu cầu cho họ chụp CCCD. Vậy thì người dân phải làm sao đây?”, BĐ này đặt câu hỏi.

BĐ Lân Kì nhìn nhận: “Trong cuộc sống hằng ngày, phải sử dụng CCCD thường xuyên. Vừa rồi gia đình tôi đi du lịch, vào khách sạn họ cũng thu CCCD. Nên không thể nói không cho ai chụp được. Đề nghị cần có biện pháp quản lý hữu hiệu, chứ giấy tờ tùy thân phải sử dụng hằng ngày mà bảo không cho ai chụp thì bất hợp lý quá”.

Bịt lỗ hổng để bảo vệ thông tin cá nhân

Người dân được khuyến cáo, khi bị kẻ xấu lừa đảo, lấy cắp thông tin CCCD/CMND, cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng; nhanh chóng liên hệ ngân hàng, nhà mạng để khóa tài khoản, thuê bao. Tuy vậy, nhiều BĐ đề nghị cần có giải pháp căn cơ hơn chứ không thể chỉ giải quyết sự đã rồi.

“Giờ ra đường, vào công ty, cơ quan... chỗ nào cũng đòi chụp 2 mặt CCCD/CMND. Nhà nước phải có luật, có biện pháp chứ như thế này thì căng quá. Ví dụ đăng ký cho vay thì phải lưu lại video trao đổi giao dịch cho vay. Còn hiện tại, thông tin cá nhân dường như ai cũng lấy được. Việc giám sát, thực thi luật pháp còn lỏng lẻo...”, BĐ Hungnxptvn nêu ý kiến.

Nhiều BĐ chỉ ra những bất cập trong việc sử dụng thông tin cá nhân vào các loại hình dịch vụ, như BĐ Trung Nguyen thắc mắc: “CCCD không có bản chính hay bản công chứng cũng làm được hồ sơ, vay tiền, chuyển tiền được sao? Cần có quy định chặt chẽ trong việc này”.

Bên cạnh đó, BĐ đề cập về lỗ hổng trong việc quản lý, bảo vệ thông tin, hình ảnh công dân. “Nếu chỉ có hình chụp CCCD mà mở được tài khoản ngân hàng thì phải xem lại lỗ hổng nằm ở đâu”, BĐ Nguyễn Thành Phước đặt vấn đề.

“Sao không quy định khớp dấu vân tay, người làm giấy tờ phải có mặt ngay tại đó thì mới được làm? Trong trường hợp không có, thì tất cả những khoản vay, chuyển tiền, mở tài khoản ngân hàng hay thanh toán là không hợp pháp và không được thực hiện. Giả giấy tờ chứ vân tay sao giả được?”, BĐ Phatnew2013 đề xuất giải pháp.

>> Dãy số đằng sau thẻ căn cước công dân gắn chip là MRZ. Bạn có biết MRZ để làm gì không?

Theo Thanh niên

Chủ đề liên quan

Chủ đề khác