thumbnail - Tại sao nhân viên Ferrari bị cấm mua xe của hãng?
Minh.T.T
Hà Nội

Tại sao nhân viên Ferrari bị cấm mua xe của hãng?

Ferrari thích làm mọi thứ theo ý mình. Bạn có thể nói rằng với uy tín và vị thế hiện tại, nhà sản xuất xe hơi thể thao đến từ Ý này muốn làm gì chẳng được, và bạn chắc chắn không sai. Nhưng điều đáng nói là Ferrari đưa ra một danh sách cực dài và không chút thỏa hiệp, quy định rõ những điều khách hàng của họ được và không được làm nếu muốn tiếp tục được chào đón tại đại sảnh công ty. Nhiều người còn cho rằng nhân viên của Ferrari sẽ nhận được một số đặc quyền, như chính sách giảm giá nội bộ vốn khá phổ biến trong hầu hết các ngành công nghiệp. Nghe có vẻ hợp lý, nhưng sai rồi. Thực tế tại Ferrari hoàn toàn ngược lại.

Theo một đại lý ủy quyền của Ferrari tại Chicago (Mỹ), từ 2011 - 2015, hãng bán được trung bình 7.393 xe mỗi năm. Năm 2016 và 2017, con số này tăng lên hơn 8.200 xe. Năm 2018, doanh số tăng thêm hơn 1.000, đạt 9.251. Năm 2019, Ferrari bán được hơn 10.131 xe, đánh dấu lần đầu tiên hãng xe nước Ý bán được hơn 10.000 xe trong một năm. Đến năm 2020, số xe bán ra giảm còn 9.119. Để dễ so sánh, Ford Motor bán được khoảng 3,9 triệu xe trên toàn thế giới trong năm ngoái, khiến thống kê của Ferrari chẳng khác gì muối bỏ bể.

Ấy vậy nhưng giá khởi điểm cho một chiếc Ferrari Roma, vốn thuộc phân khúc giá…tốt (với siêu xe), là khoảng 220.000 USD, trong khi mẫu Ford giá tốt nhất là Maverick khởi điểm chỉ 20.995 USD. Giá bán lẻ của Ferrari F8 Spider là khoảng 280.000 USD, trong khi mẫu 812 Superfast khởi điểm từ khoảng 335.000 USD, và 812 GTS là khoảng 404.000 USD. Và nếu bạn dư dả, mẫu SF90 Stradale có giá thấp nhất 625.000 USD.

Tại sao nhân viên Ferrari bị cấm mua xe của hãng? 

Ai mua cũng được, trừ nhân viên công ty

Dựa trên thông tin từ ZipRecruiter, lương trung bình mỗi năm của một nhân viên Ferrari tại Mỹ là khoảng 59.453 USD. Nếu mức lương tại Ý cũng tương tự vậy, thì rõ ràng chẳng con xe Ferrari nào - dù có giảm giá hay không - nằm trong tầm với của đại đa số nhân viên. Và hãng chẳng quan tâm, bởi họ cũng đâu cho phép nhân viên của mình mua xe Ferrari mới đâu!

Đó là tiết lộ của Enrico Galliera, Giám đốc thương mại và marketing của Ferrari. Một ngoại lệ ở đây là tài xế xe Công thức 1 (F1), những người cũng được xem là nhân viên - họ có thể mua xe trực tiếp từ nhà máy bởi công ty xem họ là những siêu sao toàn cầu, là những đại sứ hoàn hảo cho nhãn hiệu của mình. Nghe độc tài phết!

Dẫu vậy, cũng hoàn toàn hợp lý xét việc số lượng khách hàng trên khắp thế giới của Ferrari luôn vượt quá số lượng xe hạn chế mà hãng này xuất xưởng mỗi năm. Tất cả rồi cũng xoay quanh hai từ “cung” và “cầu” mà thôi. Ferrari làm ra những sản phẩm được mọi người ưa chuộng, cho phép hãng gắn lên đó một mức giá siêu cao. Việc bán xe với giá giảm cho nhân viên rõ ràng không tốt cho công việc kinh doanh nói chung, chưa kể có thể khiến khách hàng phật lòng khi phải đợi xe dài cổ trong khi nhân viên công ty lại có xe để vi vu.

Chừng nào Ferrari còn có những vận động viên chuyên nghiệp, ngôi sao điện ảnh, ca sỹ, nhạc sỹ, và những fan cuồng xe hơi với nguồn tài chính dồi dào trên thế giới nằm trong danh sách chờ xe, các nhân viên của hãng tốt nhất đừng nên hi vọng làm gì. Tuy nhiên, quy tắc này không áp dụng với xe Ferrari đã qua sử dụng, do đó có lý do gì ngăn cấm nhân viên công ty lướt trên những con xe siêu sang đã một đời chủ trong ánh chiều tà đâu? Dù sao thì sở hữu một chiếc Ferrari đã qua sử dụng cũng không ảnh hưởng đến uy tín nhiều lắm - trước sau gì chẳng phải là Ferrari, nhỉ?

Tham khảo: SlashGear

>> "Chơi lớn" như cảnh sát Séc: Biến siêu xe Ferrari của tội phạm thành xe tuần tra

Chủ đề liên quan

Chủ đề khác