Thế hệ iPhone 14 đã ghi một kỷ lục về số lượng khách đặt hàng và đặt cọc tại Việt Nam. Theo một ước tính sơ bộ, trong khoảng một tuần mở ra cho đặt hàng, các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam đã nhận được khoảng trên dưới 300.000 lượt đặt.
“Mật ngọt”…
Có thể nói, cũng tương tự như mùa iPhone 13 năm 2021, iPhone 14 tính từ thời điểm ra mắt tại Mỹ cho tới thời điểm kết thúc nhận đặt hàng (7-13/10/2022) cũng chính là giai đoạn đỉnh cao của “mật ngọt”. Một so sánh ước tính, nếu mùa iPhone 13 lượng đặt hàng đạt trên dưới 200.000 máy thì lượng đặt hàng iPhone 14 tăng hơn 50%. Đây là một mức tăng trưởng mà các nhà nhập khẩu và phân phối, bán lẻ chỉ cần ngồi mà gặt hái thành quả qua doanh số và lợi nhuận dự báo tăng vọt. Cho tới những ngày đầu của đợt mở bán iPhone 14 (từ 14/10/2022), thị trường vẫn trong không khí hồ hởi khi lượng hàng về không quá dồi dào nhưng cũng không quá nhỏ giọt. Đặc biệt, sức mua iPhone thế hệ mới tại Việt Nam vẫn mạnh mẽ và hứa hẹn lại thêm một mùa bội thu cho các nhà bán lẻ. Tại thời điểm đó, những nhà phân phối và bán lẻ đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán như Thế Giới Di Động (mã cổ phiếu MWG), FPT Retail (FRT), PetroSetco (PET), Digiworl (DGW) được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh khả quan về cả doanh thu và lợi nhuận một phần nhờ sự thúc đẩy của thế hệ iPhone mới. Cụ thể, những mã cổ phiếu như DGW, FRT thường xuyên xuất hiện trong các khuyến nghị nắm giữ, mua vào và đầu tư của các công ty chứng khoán. Ngoài hai chuỗi bán lẻ lớn là Thế Giới Di Động và FPT Retail, Digiworld luôn là lựa chọn hàng đầu trong lĩnh vực phân phối điện thoại nói riêng và các thiết bị công nghệ nói chung. Doanh nghiệp này thường đạt mức tăng trưởng khả quan trong kinh doanh với những khoản lợi nhuận cao ngay cả trong thời kỳ cao điểm dịch COBID-19 trong hai năm 2020-2021. … đến đối mặt
Nhưng tình hình đang xoay chuyển rất nhanh trên thị trường iPhone 14. Trước hết là nguồn cung, đặc biệt là 2 phiên bản iPhone 14 Pro và Pro Max vốn nhận được lượng đặt hàng lớn (bình quân tại các chuỗi ít nhất chiếm từ 80% trở lên) đã rơi vào tình trạng cung không đủ/không kịp cầu. Đó là trong thời điểm chưa phát sinh vấn đề mới. Còn từ cuối tháng 10 trở lại đây, vấn đề nguồn cung iPhone 14 từ Trung Quốc đang rơi vào khó khăn vì nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu phải dừng hoạt động do ảnh hưởng dịch COVID-19. Trung Quốc đang cung ứng trên 80% lượng iPhone cho toàn thế giới vì vậy khi nguồn cung từ Trung Quốc gặp khó khăn thì một thị trường không được ưu tiên như Việt Nam khó có thể được cung ứng iPhone 14 một cách kịp thời. Khó khăn về sản xuất và nguồn cung dường như chưa đủ mà thị trường còn đang được bồi thêm cái khó về tiêu thụ khi giá USD liên tục tăng trong khoảng thời gian 2 tháng qua. Đặc biệt từ tuần cuối tháng 10/2022, tỉ giá USD so với các tiền tệ khác trên thế giới tăng mạnh. Tại Việt Nam, cách đây 2 tháng tỉ giá USD - VNĐ dao động trong khoảng 1 USD ăn 23.150-23.300 đồng thì trong 3 tuần qua giá USD ngân hàng có lúc lên mức gần 25.000 đồng, còn tỉ giá ở thị trường tự do thì đã vượt ngưỡng 25.000 đồng. Như vậy chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, tỉ giá USD – VNĐ đã tăng trên dưới 7%. Tỉ giá USD tăng vọt ngay lập tức khiến cho các nhà phân phối như Digiworld và Petrosetco cũng như Thế Giới Di Động, FPT Retail gặp các dự báo, phân tích bất lợi trên thị trường chứng khoán. Đặt biệt là Digiworld, theo một phân tích, khả năng lợi nhuận bị bào mòn khi giá USD tăng vì các nhà phân phối thường phải sử dụng nhiều USD để thanh toán cho các lô hàng nhập khẩu trong đó có iPhone 14 chủ lực. Với các nhà bán lẻ, các phân tích và dự báo ít cho thấy bị ảnh hưởng hơn song đó cũng chỉ là thời gian đầu chưa đủ dữ kiện để đánh giá. Sắp tới, khi tỉ giá USD tiếp tục neo ở mức cao buộc các nhà bán lẻ phải điều chỉnh tăng giá bán iPhone 14, sự tác động đến sức tiêu thụ và doanh số bán hàng là tất yếu. Hiện một số nhà bán lẻ đã rục rịch điều chỉnh tăng giá bán iPhone 14 theo tỉ giá USD - VNĐ. Còn sớm để có những nhận định rằng việc tỉ giá neo cao và tăng giá bán iPhone 14 sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các nhà phân phối và bán lẻ. Trên thực tế, thị trường điện thoại nói chung và iPhone nói riêng đã nhiều lần phải đối mặt với khó khăn khi tỉ giá USD – VNĐ tăng mạnh. Trong những lần đó, giá bán lẻ iPhone đều được điều chỉnh tăng nhưng không tương ứng với mức tăng tỉ giá, thay vào đó nhà phân phối và bán lẻ sẽ chia sẻ một phần để tránh gây ra phản ứng làm giảm sức mua đột ngột từ người tiêu dùng. Tuy nhiên nếu chọn nhìn từ mặt tích cực, có thể nói rằng, mức tăng tỉ giá nếu ảnh hưởng tới sức mua iPhone 14 cũng sẽ không nhiều như đối với các mặt hàng hay lĩnh vực khác. Có nhiều lý giải cho điều này. Thứ nhất, iFans mỗi năm hoặc 2-3 năm lên đời một lần và thường có độ sẵn sàng về ngân sách ở mức cao, chính vì thế nếu giá iPhone 14 điều chỉnh tăng trên dưới 5% dù có gây ảnh hưởng cũng không quá nặng nề. Thứ hai, các nhà bán lẻ sẽ tìm ra những cách thức bán hàng sáng tạo qua các chương trình hợp tác, khuyến mãi để kích cầu, chấp nhận hi sinh một phần lợi nhuận để giữ doanh số từ đó hưởng khoản tiền thưởng không nhỏ từ nhà phân phối hoặc từ hãng. Hơn nữa, các nhà phân phối, bán lẻ nếu cung ứng đủ sản phẩm cho lượng đặt hàng trước thì cũng đã có một mùa iPhone mới thành công cho dù sẽ phải không nhiều thì ít bị bào mòn phần nào lợi nhuận. Dạ Thảo