Những dữ liệu nào từ thiết bị theo dõi thể dục thực sự có ý nghĩa với các bác sĩ?

Dù là một chiếc smartwatch hay một chiếc vòng đeo, nhiều trong số chúng ta hiện nay đều đang đeo những thiết bị theo dõi thể chất. Điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn đều đặn thu thập khá nhiều dữ liệu về tần suất di chuyển và ngủ nghỉ, cũng như sự thay đổi nhịp tim tương ứng với từng mức độ hoạt động khác nhau.
Tất cả những thông tin này có thể là động lực tốt thúc đẩy bạn di chuyển nhiều hơn và thường xuyên hơn, đồng thời giúp bạn tự theo dõi sức khỏe tổng quát của bản thân - nhưng bạn có biết rằng dữ liệu từ thiết bị theo dõi thể chất cũng có thể hữu dụng đối với bác sỹ của bạn?
Không phải lúc nào tất cả những dữ liệu sức khỏe cũng thể hiện rõ ý nghĩa, tức bạn có thể không biết phải đề cập đến thông tin nào, và đề cập đến chúng ra sao, với bác sỹ. Để giúp bạn hiểu rõ hơn những dữ liệu nào từ thiết bị theo dõi thể chất thực sự hữu dụng đối với bác sỹ, hãy cùng theo dõi tiếp bên dưới.
"Các thuật toán được sử dụng có sự khác biệt giữa các công ty khác nhau và các thiết bị khác nhau, do đó dù không nên quá tin vào những dữ liệu thu được, chúng ta vẫn có thể thu được nhiều thông tin từ nó" - theo Temitayo Oyegbile-Chidi, nhà thần kinh học và chuyên gia về giấc ngủ tại Đại học Davis. "Tôi sẽ không thực hiện bất kỳ chẩn đoán nào dựa trên dữ liệu từ thiết bị theo dõi thể chất, nhưng nó giúp suy luận ra nên làm những bài test nào"
Những dữ liệu nào từ thiết bị theo dõi thể dục thực sự có ý nghĩa với các bác sĩ?

Thiết bị theo dõi thể chất có thể đóng vai trò nhật ký giấc ngủ

Oyegbile-Chidi thường đề nghị bệnh nhân của cô viết nhật ký giấc ngủ, bao gồm thời điểm họ lên giường và thức giấc. Đây là điều mà một thiết bị theo dõi thể chất có thể đảm đương tốt, bởi chúng thường tự động ghi lại thông tin này, và dữ liệu của chúng thường đáng tin cậy hơn nhiều so với những gì chúng ta tự mình ghi lại.
Điều quan trọng nhất là biết được giờ đi ngủ và giờ thức dậy. Dữ liệu đó thường khá chính xác và hữu ích.” – Oyegbile-Chidi cho biết. Dữ liệu giấc ngủ từ một thiết bị theo dõi hoạt động còn có thể cho cô biết trạng thái thao thức của một người trong quá trình ngủ nữa. “Điều đó cho biết liệu bạn có bị thức giấc nhiều lần và thường đi lại trong phòng, hay liệu bạn ngủ yên trong phần lớn thời gian. Thông tin đó cũng hữu ích nữa”.
Thông tin về giấc ngủ còn hữu ích cho các chuyên gia tim mạch nữa. “Giấc ngủ kém có thể ảnh hưởng đến huyết áp và làm loạn nhịp tim” – theo John Higgins, bác sỹ tim mạch tại Trường Y khoa McGovern thuộc UTHealth Houston. Do đó dữ liệu về rối loạn giấc ngủ có thể chỉ ra vấn đề về tim mạch cần được xem xét kỹ càng hơn.
Loại dữ liệu không mấy cần thiết mà thiết bị theo dõi thể chất ghi lại là thời điểm đi vào từng giai đoạn của giấc ngủ, cũng như chất lượng giấc ngủ tổng quát, bởi chúng thường không chính xác như tưởng tượng.
Những dữ liệu nào từ thiết bị theo dõi thể dục thực sự có ý nghĩa với các bác sĩ?

Thông tin về nhịp tim nghỉ ngơi có thể là chỉ báo về tình trạng sức khoẻ

Dữ liệu nhịp tim từ thiết bị theo dõi thể chất của bạn, bao gồm nhịp tim nghỉ ngơi, dao động nhịp tim, và nhịp tim lúc tập luyện, cho thấy rất nhiều điều. Giống như dữ liệu giấc ngủ, bạn cần đánh giá thông tin này một cách cẩn thận bởi chúng không chính xác 100%. Nhưng về dài hạn, những dữ liệu này có thể hữu ích đối với bác sỹ của bạn.
"Nhịp tim nghỉ ngơi trung bình là thước đo sức khỏe đối với những bệnh nhân khỏe mạnh" - Higgins nói. Nếu bạn để ý thấy nhịp tim nghỉ ngơi trung bình của mình tăng lên hoặc giảm xuống trong một khoảng thời gian nhất định, đã đến lúc nên thông báo với bác sỹ.
Dữ liệu về nhịp tim nghỉ ngơi cũng hữu ích đối với những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, bởi nó có thể báo hiệu liệu thuốc họ đang sử dụng có hiệu quả hay cần điều chỉnh liều lượng đôi chút.
Những dữ liệu nào từ thiết bị theo dõi thể dục thực sự có ý nghĩa với các bác sĩ?

Biến động nhịp tim có thể cho thấy tình trạng tập luyện quá sức hoặc căng thẳng

Liên quan đến việc nghỉ ngơi và hồi phục, biến động nhịp tim là một tiêu chí hữu ích giúp phát hiện những tác động của căng thẳng, thiếu ngủ, hay tập luyện quá sức. Không như nhịp tim nghỉ ngơi, vốn thường khá ổn định suốt một thời gian dài, biến động nhịp tim thường có mối liên hệ với các tình trạng ngắn hạn.
Đối với một chuyên gia tim mạch, dữ liệu này còn hữu ích khi giám sát bệnh nhân. "Các thiết bị theo dõi thể chất có khả năng giám sát biến động nhịp tim sẽ cung cấp cảnh báo sớm về việc tình trạng tim mạch đang tệ đi" - Higgins nói. Một số thiết bị theo dõi thể chất hiện có thể phát hiện nhịp tim bất thường, như rối loạn tâm nhĩ. Nếu thiết bị của bạn phát hiện ra loại hoạt động này, bạn nên gặp bác sỹ ngay để có thể được hướng dẫn tiến hành các bài kiểm tra sâu hơn.

Nếu lo lắng, hãy liên hệ bác sỹ ngay

Dữ liệu mà một thiết bị theo dõi thể chất thu thập có thể khá khó để phân tích, và dù chúng có thể hữu ích trong việc giúp bác sỹ phát hiện ra những xu hướng dài hạn, hay mang lại cho họ bằng chứng về thứ mà họ cần phải kiểm tra kỹ hơn, những thông tin đó trên thực tế không hoàn toàn chắc chắn. Trước khi bắt đầu lo lắng quá nhiều về những điều chiếc smartwatch trên cổ tay cảnh báo đối với sức khỏe của bạn, hãy liên hệ với bác sỹ. "Dữ liệu đó không nhất thiết phải chính xác tuyệt đối đâu" - Oyegbile-Chidi nói.
Tham khảo: LifeHacker
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top