Vì sao Grab lao vào tận thu, tự biến hình ảnh trở nên xấu xí?

Quyết định thu loại phí mới được gọi là phụ phí “thời tiết nắng nóng gay gắt” đối với các dịch vụ xe ôm công nghệ của Grab dường như đã khiến giọt nước tràn ly, và hình ảnh của hãng gọi xe qua ứng dụng này đã trở nên xấu xí trong mắt người tiêu dùng.

Grab: “Vua” của phí và phụ phí

Xét trên toàn thị trường hiện nay, và trên bình diện từ hành chính công cho tới các dịch vụ được cung cấp từ doanh nghiệp tư nhân, Grab có lẽ đang là doanh nghiệp “vua” sinh ra các loại phí và phụ phí. Ngoài phí dịch vụ chính là cước vận chuyển, Grab còn đặt ra phí đối với hành khách đến trễ quá 5 phút, phí sử dụng ứng dụng đánh lên mỗi cuốc xe của hành khách, cao điểm trong ngày thì Grab tăng cước lên theo, đêm muộn thì Grab thu thêm phí đêm khuya, mưa ngập thì Grab đã có phí ngập nước, ngày thường đã bao nhiêu loại phí thì đến Tết Grab cũng không từ cả phụ phí thu vào những ngày Tết… Trên thực tế, lĩnh vực dịch vụ gọi xe qua ứng dụng trong khoảng 8 năm trở lại đây tính từ khi Grab vào thị trường Việt Nam chính là một thị trường đốt tiền dữ dội nhất. Cho tới nay, Grab, Uber (đã bán lại mảng dịch vụ cho Grab ở khu vực Đông Nam Á) cho tới Go-Viet (nay đổi tên thành GoJek), Be… chỉ có “đốt tiền” chứ chưa thể có lời. Những ứng dụng Việt tham gia thị trường này như VATO hay FastGo cũng từng tuyên bố “xanh rờn” song cuối cùng đều đi đến một kết cục là dừng cuộc chơi hoặc có tồn tại cũng như không, vì không thể tiếp tục cuộc đua “đốt tiền” với các ứng dụng đến từ nước ngoài lắm tiền nhiều bạc như Grab, GoJek. Theo thông tin công bố mới nhất từ hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, trong năm 2021, Grab tiếp tục chiếm giữ thị phần thống lĩnh trên thị trường dịch vụ di chuyển với 71%, còn dịch vụ giao đồ ăn chiếm 51% thị phần. Tuy nhiên, cả 4 quý của năm 2021 Grab đều lỗ và quý sau lỗ nặng hơn quý trước. Tổng cộng năm 2021, Grab lỗ khoảng 3,5 tỉ USD (tăng so với năm 2020 khoảng 30%) trong đó có khoản lỗ hơn 1 tỉ USD chi cho hoạt động khuyến mãi, ưu đãi.

Chi hàng tỉ USD ưu đãi nhưng cũng tìm đủ cách “bào” lại tài xế và khách hàng

Quý I/2022, Grab đã giảm lỗ xuống mức thấp hơn mức lỗ cùng kỳ năm 2021 (là quý lỗ thấp nhất trong năm 2021). Tuy nhiên trên thực tế, ứng dụng gọi xe này vẫn còn lỗ nặng. Từ hoạt động kinh doanh chưa có gì sáng sủa đó, giá cổ phiếu của Grab trên sàn giao dịch chứng khoán (Mỹ) đã liên tục suy giảm và có mức giảm mạnh. Tại thời điểm ngày 15/7/2022, giá của mã cổ phiếu GRAB chỉ còn 2,49USD, tổng giá trị vốn hóa của doanh nghiệp này giảm xuống mức 9,56 tỉ USD từ mức 40 tỉ USD vào thời điểm mới lên sàn. Kinh doanh lỗ lã và giá cổ phiếu đã mất khoảng hơn 75% giá trị khiến Grab không còn con đường nào khác là kiếm đủ cách để tận thu và hầu như là tập trung “bào” tiền từ khách hàng và đối tác tài xế. Đơn cử loại phụ phí “thời tiết nắng nóng gay gắt” được Grab triển khai thu tại hơn 10 tỉnh và thành phố, danh chính ngôn thuận được Grab công bố cho rằng nhằm có thêm nguồn thu để hỗ trợ cho tài xế. Thế nhưng trên thực tế qua khảo sát hàng chục tài xế GrabBike, GrabFood và GrabExpress, các bác tài cho biết nhận được tin nhắn thông báo thu thêm loại phụ phí mới nhưng lại không hề nhận được tin nhắn cho rằng sẽ được chia sẻ khoản tiền thu được từ loại phí này. Một minh chứng khác về việc Grab đang “bào” tài xế một cách đầy bất công là chiêu trò ghép đơn GrabFood của ứng dụng này. Trước đây, tài xế GrabFood giao 1 đơn hàng khoảng cách từ 3km trở xuống được hưởng 11.636 đồng/cuốc. Tuy nhiên vài tháng trở lại đây, Grab ghép lên 2, 3 đơn trên cùng tuyến đường, mỗi đơn Grab đều thu đủ phí từ khách hàng (trong đó có khoản phí sử dụng ứng dụng 2.000 đồng/cuốc được cho là nhằm hỗ trợ tài xế), nhưng tài xế giao 3 đơn hàng thì cũng chỉ được hưởng tiền công của 1 đơn hàng dù mất nhiều thời gian chờ đợi hơn, thêm cước cuộc gọi cho khách xuống lấy đồ ăn… Một số tài xế cho biết, nếu có được Grab cộng thêm thì cũng gồm 11.636 đồng cộng thêm từ 3-4 ngàn đồng là cùng. Điều đáng nói nữa là, khoản phí sử dụng ứng dụng 2.000 đồng/cuốc xe hoàn thành lâu nay Grab cho rằng nhằm hỗ trợ tài xế, song trong các đơn ghép GrabFood ứng dụng này không cho thấy chi hỗ trợ cho tài xế từ nguồn thu loại phí này. Chính vì thế, chiêu trò này của Grab từng bị các tài xế cho là “bóc lột”, “ăn bớt”… và có thời điểm, tài xế phản ứng bằng cách đình công. Bởi khi giá xăng tăng cao, thu nhập tài xế bị giảm, lại gặp thêm tình trạng bị Grab “bào” bằng nhiều cách, nên không ít tài xế chán chường tắt app nghỉ chạy. Với khách hàng, Grab vẫn chi “khủng” để khuyến mãi, ưu đãi nhằm thu hút người dùng, tuy nhiên một mặt ứng dụng này cũng đẻ ra hàng chục loại phí để “bào” lại khách hàng, mà trong đó loại phụ phí quái đản “thời tiết nắng nóng gay gắt” là điển hình mới nhất. Grab chẳng thể nào in ra tiền hay phù phép ra doanh thu. Tất cả đều đến từ nguồn thu khách hàng. Và đây chính là nguyên tắc: Để chi hàng tỉ USD cho khuyến mãi và ưu đãi cho tài xế và khách hàng, Grab cũng tìm đủ chiêu trò để “bào” lại tài xế và khách hàng chừng đó và hơn thế nữa. Từ một ứng dụng gọi xe với tiện ích công nghệ hỗ trợ luôn được Grab quảng cáo rằng giá cước thấp hơn taxi và xe ôm truyền thống, và trong giai đoạn đầu đúng là như vậy, nhưng sau khi thâu tóm được thị trường thì Grab dần tung các chiêu bóp nghẹt khách hàng bằng các loại phí, phụ phí, cùng với đó là lợi dụng công sức, mồ hôi của đối tác tài xế để tận thu. Sau hơn 5 năm vào thị trường Việt Nam, hình ảnh Grab đang dần trở nên xấu xí và mất đi thiện cảm từ người tiêu dùng. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
1 điều cơ bản đó là grab vốn là nền tảng chia sẻ xe nghĩa là nó chỉ là sân chơi để tài xế và người có nhu cầu đi lại kết nối với nhau chứ không hoạt động vận tải, grab thu tiền phí là hợp lý chứ không thì lấy gì ra để hoạt động, duy trì
 
Trừ khi là làm từ thiện, không thì mô hình kinh doanh nào rồi cũng đến giai đoạn sinh lợi nhuận, đó là yêu cầu sống còn của nhà đầu tư. Còn về khách hàng thì thuận mua vừa bán, họ có quyền lựa chọn bỏ đi khi thấy không còn phù hợp, không ai ép họ phải ở lại cả. Be hay app khác rồi cũng đến giai đoạn này
 
Thành viên mới đăng
Top