thumbnail - Vì sao Khá Bảnh, NTN, Trần Đức Bo, Thông Soái ca gây sốt? Nội dung càng nhảm nhí và phản cảm lại càng viral?
Nguyễn Kim Yên
Hà Nội

Vì sao Khá Bảnh, NTN, Trần Đức Bo, Thông Soái ca gây sốt? Nội dung càng nhảm nhí và phản cảm lại càng viral?

Lời thoại sâu sắc, diễn xuất chân thực, hình ảnh tuyệt đẹp, là những điều chúng ta mong chờ trong các bộ phim. Nhưng vài năm gần đây, những bộ phim như Emily ở Paris, 365 Days hay Sharknado lại thi nhau bùng nổ. Những tác phẩm này gây chú ý không phải nhờ nội dung hấp dẫn hay sự đầu tư chỉn chu mặt nghệ thuật, mà chính vì sự “dở không tả được” ở mọi mặt. Nói cách khác, những hiện tượng này đã đánh trúng vào tâm lý ưa thích "hate-watching" và “hate-following” của con người.

"Hate-watching" và “hate-following” là gì?

Theo định nghĩa của từ điển Oxford, "hate-watching" là "hoạt động xem để tìm kiếm niềm vui từ việc chế giễu hoặc chỉ trích”. Đây là một xu hướng đang diễn ra hiện nay.

Chẳng hạn phim truyền hình Emily ở Paris thường bị chế giễu trên mạng xã hội, nhưng lại là một trong những chương trình được xem nhiều nhất của Netflix. Theo thống kê, có tới hơn 58 triệu hộ gia đình đã xem phim này trong 28 ngày đầu ra mắt. Nó nổi tiếng đến mức nhà sản xuất sắp sửa phát hành phần 3.

Hiện tượng dở-nhưng-hot tiếp theo của Netflix là 365 Days. Họ vừa ra mắt phần 2 bất chấp tấn gạch đá của cộng đồng trên mạng. Sau tất cả, chúng vẫn giúp Netflix thu về hàng triệu lượt xem.

Vì sao Khá Bảnh, NTN, Trần Đức Bo, Thông Soái ca gây sốt? Nội dung càng nhảm nhí và phản cảm lại càng viral? 

Phim “Emily ở Paris” sắp sửa phát hành phần ba dù nhận vô số "gạch đá" từ khán giả, là minh chứng cho câu nói "giở đến nỗi hay"

Và với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, điều này cũng xảy ra ở những người mà chúng ta theo dõi trên các nền tảng trực tuyến. Ví dụ, nhiều người không thể ngừng xem các video của Thông Soái ca, mặc dù những video của anh này chẳng mang lại giá trị gì cho họ ngoài sự bực mình. Đó gọi là “hate-following”.

Bạn càng ghét, càng dễ bấm vào play video, nhiều khi chỉ để chửi bới cho bõ tức, hoặc tò mò xem liệu hôm nay nhân vật đáng ghét đó diễn trò gì. Khá Bảnh hay NTN cũng không ngoại lệ, với cùng 1 công thức như Thông Soái ca. 

Tại sao "hate-watching" và "hate-following" lại gây nghiện? 

Có 3 nguyên nhân chính sau đây:

1. Về mặt sinh học, cảm giác căm ghét khiến chúng ta dễ chịu

JR Ilagan, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Manila (Philippines) cho biết:

“Căm ghét, yêu thương và thích thú là những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ. Những phản ứng cảm xúc này khiến não bộ tiết ra những chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine và oxytocin. Đây là những hormone giúp thúc đẩy cảm giác tích cực".

Bên cạnh đó, các nghiên cứu khác cho thấy rằng mọi người hạnh phúc hơn khi họ có thể cảm nhận được cảm xúc, bao gồm cả cảm xúc khó chịu.

Ví dụ: Nhiều người cảm thấy giọng hát của Lệ Rơi thật kinh khủng, nhưng họ cũng cảm thấy sảng khoái hơn khi có thứ để thoải mái chê, thoải mái chỉ trích và chế giễu, nhất là trong một xã hội luôn đòi hỏi mọi người phải biết che giấu những cảm xúc tiêu cực.

Vì sao Khá Bảnh, NTN, Trần Đức Bo, Thông Soái ca gây sốt? Nội dung càng nhảm nhí và phản cảm lại càng viral? 

Dù bị la ó về giọng hát, Lệ Rơi vẫn trở thành hiện tượng mạng đình đám một thời

Đây cũng chính là lý do khiến sự “tích cực độc hại” là độc hại, vì nó khiến bạn kìm nén những cảm xúc cần được giải tỏa. Có khi bạn càng chê bai chửi bới, tinh thần lại càng sảng khoái hơn vì cảm xúc được giải phóng.

2. Về mặt tâm lý, chúng ta thích so sánh mình với người khác

Theo Ilagan, xét về mặt tâm lý, bản chất của con người là tò mò. Chúng ta thích theo dõi cuộc sống của người khác, sau đó so sánh với bản thân mình và phán xét lẫn nhau. “Hate-watching” và “hate-following” giúp thỏa mãn nhu cầu này.

Có hai cách so sánh: so sánh hướng lên và so sánh hướng xuống.

So sánh hướng lên là khi chúng ta so sánh mình với những người có vẻ tốt hơn. Điều này có thể kích động sự ghen tị và căm ghét như một phản ứng bảo vệ. Chẳng hạn như bạn xem được video về một người không những đẹp, giỏi giang mà còn rất giàu có hơn mình, bạn sẽ cảm thấy có chút tủi thân, thậm chí là ghen tị vì mình không được như vậy.

"Con gà tức nhau tiếng gáy" - khi thấy người ta nổi trên mạng, bạn cũng có tí xíu tâm lý muốn mình không thua kém. Nhất là với các bạn trẻ, lứa tuổi teen rất dễ sinh ra tâm lý so sánh, rồi a dua bắt chước, hòng trở nên nổi như người ta, không hề kém cạnh.

Vì sao Khá Bảnh, NTN, Trần Đức Bo, Thông Soái ca gây sốt? Nội dung càng nhảm nhí và phản cảm lại càng viral? 

Con người luôn thích so sánh mình với người khác

Mặt khác, so sánh hướng xuống là khi chúng ta so sánh bản thân mình với những người có vẻ tệ hơn. Nó giống như việc bạn xem một vụ tai nạn tàu hỏa, thoạt đầu sẽ thấy đau buồn nhưng cũng khiến bạn cảm thấy tốt hơn, kiểu: "May quá, người gặp tai nạn không phải là mình!". Đây là tâm lý bình thường của con người.

3. Về mặt xã hội, cùng nhau ghét một thứ khiến chúng ta dễ thân nhau hơn

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao mọi người có thể tụ tập xem The Room, bộ phim được nhận xét là “dở không tả được”? Nguyên nhân là bởi việc cùng nhau chỉ trích và chế giễu một điều gì đó làm mọi người trở nên gắn bó với nhau hơn. Khi bạn ghét 1 thứ gì đó, việc tìm thấy 1 số đối tượng có cùng tần số sẽ khiến bạn thỏa mãn. Bạn bấm "Like" những bình luận ném đá Khá Bảnh, viết bình luận ném đá Chipu,... Đó là dễ hiểu. 

Ilagan giải thích, cùng nhau nói chuyện phiếm cũng là một trải nghiệm gắn kết, một điều cần thiết cho sự phát triển của cộng đồng. Các nhà nhân chủng học và sử học đã phát hiện ra rằng những câu chuyện phiếm là “một phần chất keo kết dính xã hội”. Một số người rất coi trọng vấn đề này, thậm chí còn phát điện thoại lên màn hình TV để bạn bè có thể xem chung story của một người mà họ cùng ghét.

Nói chung, bạn muốn tìm những người khác có cùng chiến tuyến với mình. Và chính vì hành động Like, Share hay viết bình luận đó, bạn càng khiến những nội dung bị cho là nhảm nhí, phản cảm kia viral hơn.

Vì sao Khá Bảnh, NTN, Trần Đức Bo, Thông Soái ca gây sốt? Nội dung càng nhảm nhí và phản cảm lại càng viral? 

Việc tụ tập nói xấu hoặc chế giễu cùng một đối tượng khiến mọi người dễ thân nhau hơn

Hate-watching và hate-following có khiến tôi trở thành người xấu?

Ilagan cho biết, điều này phụ thuộc vào từng cá nhân.

Những người thích hate-watching và hate-following chia làm 2 loại : người tình cờ gặp nội dung thực sự xấu và ghét nội dung đó và những người luôn thấy có gì đó để ghét bất kể nội dung đó là gì.

Nếu bạn là kiểu người đầu tiên thì đừng lo lắng, việc căm ghét như vậy là có giá trị. Trong một xã hội coi trọng sự xuất sắc và thành tích, việc chỉ trích những điều không hay là điều bình thường. Trên mạng xã hội cũng vậy.

Ilagan cho biết: “Lý do khiến mọi người cảm thấy khó chịu là do những chuyện một số người làm trên mạng thực sự lố bịch và nhảm nhí.”

Điều quan trọng là hành động của mỗi người sau khi cảm thấy khó chịu. Có người sẽ chỉ xem cho vui hoặc góp ý nhẹ nhàng, nhưng cũng có người sẽ để lại những bình luận ác ý, thậm chí tìm cách trù dập những người khiến họ khó chịu.

Vì sao Khá Bảnh, NTN, Trần Đức Bo, Thông Soái ca gây sốt? Nội dung càng nhảm nhí và phản cảm lại càng viral? 

Hate-watching và hate-following không hề xấu, tốt hay xấu nằm ở cách chúng ta ứng xử 

Do đó, bản thân cảm giác căm ghét không hề có lỗi, nó chỉ trở nên độc hại khi cảm giác đó khiến bạn trở thành một kẻ đáng ghét. Chẳng hạn, bạn luôn tìm cách soi mói và chỉ trích khuyết điểm của người khác, dù khuyết điểm đó chẳng đáng nhắc đến. Nếu đúng như vậy, có lẽ tạm dừng lên mạng xã hội là một ý tưởng không tồi

Như vậy, việc ưa thích hate-following hoặc hate-following chung quy là điều hoàn toàn bình thường. Cuộc sống đã có quá nhiều điều tiêu cực và việc giải tỏa những tiêu cực đó là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần có đủ lý trí và sự tỉnh táo để không tự biến mình thành người xấu, đồng thời có cách cư xử văn minh khi tham gia vào mạng xã hội.


>>> Xem phim Hàn trên Netflix quá 180 phút, tôi bay đến Hàn Quốc mong tìm được bạn trai. 


Tham khảo Vice

Chủ đề liên quan

Chủ đề khác