Mới đây, vụ việc Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị bà Đặng Thùy Trang tố quỵt nợ và gửi đơn kiện lên tòa án đã gây xôn xao dư luận.
Tuy nhiên, theo lời giải thích của Thùy Tiên, cô bị bà Đặng Thùy Trang lừa ký và in vân tay vào giấy nợ, chứ thực chất chưa từng nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ phía bà Đặng Thùy Trang.
Clip Thùy Tiên xé giấy nợ
Hiện thực hư vụ việc ra sao và ai đúng ai sai trong tình huống này còn chưa được sáng tỏ. Vậy pháp luật quy định ra sao về việc bị lừa ký giấy nợ? Người dân phải làm gì nếu gặp phải tình huống này?
Trả lời về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho hay, theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.
Người bị lừa ký có thể vô hiệu hóa các văn bản đã ký nhưng phải đưa ra được bằng chứng về việc mình đã bị lừa
Do đó, việc bạn ký vào tờ giấy do bị bạn lừa dối nên sẽ không có giá trị pháp lý. Theo đó, bạn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự này vô hiệu do bị lừa dối nên không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, nếu trong trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến giao dịch này. Tuy nhiên, để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, người bị lừa dối phải cung cấp bằng chứng chứng minh mình bị lừa dối trong quá trình ký kết giao dịch.
Do đó, trong mọi trường hợp, khi ký vào bất kỳ giấy tờ gì, người ký cũng phải đọc kỹ nội dung, tuyệt đối không ký vào giấy trắng. Không chỉ vậy, người ký cũng nên gạch chéo phần trống giữa và cuối nội dung những giấy tờ mà mình ký kết để người khác không thể chèn thêm nội dung khác sau khi hai bên đã ký kết xong.