10.000 bước mỗi ngày? Khoa học nói rằng đây mới là số bước tối ưu mỗi ngày để đẩy lùi bệnh tật

Bạn có thể đã từng nghe rằng người trưởng thành nên đặt mục tiêu 10.000 bước chân mỗi ngày. Cách tiếp cận "một-cỡ-cho-tất-cả" này đưa ra một thông điệp rõ ràng, mặc dù không tính đến sự đa dạng trong lối sống và cơ thể của con người.
Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã phát hiện ra rằng ngay cả những người ít vận động nhất cũng có thể ngăn chặn tác hại của việc ngồi nhiều bằng cách tăng thêm số bước đi trong ngày.
Lối sống thụ động ngày càng phổ biến và chúng ta biết rằng chúng liên quan đến nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch (CVD) cao hơn, nguy cơ mắc bệnh ung thư và tiểu đường cao hơn, đồng thời tuổi thọ ngắn hơn. Những rủi ro này thấp hơn đối với những người đi bộ nhiều hơn và với tốc độ nhanh hơn.
10.000 bước mỗi ngày? Khoa học nói rằng đây mới là số bước tối ưu mỗi ngày để đẩy lùi bệnh tật
Đi bộ có thể là cách để đẩy lùi những tác hại về sức khỏe của ngồi nhiều
Nhưng cho đến nay, vẫn chưa rõ liệu những người cực kỳ ít vận động có thể bù đắp được những nguy cơ sức khỏe đáng báo động đó bằng các bước hàng ngày hay không.
Nghiên cứu mới cho thấy, số bước đi càng nhiều, bất kể bình thường họ ít vận động như thế nào, thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch và thậm chí tử vong sớm của họ càng thấp. Vì vậy, những nhân viên văn phòng bàn giấy vẫn có hy vọng, mặc dù các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng điều quan trọng vẫn là cố gắng giảm tổng thời gian ngồi yên một chỗ.
Matthew Ahmadi, nhà khoa học sức khỏe cộng đồng tại Đại học Sydney ở Úc, cho biết: "Đây hoàn toàn không phải là cách miễn trừ cho những người ngồi nhiều trong thời gian dài."
"Tuy nhiên, nó chứa đựng một thông điệp sức khỏe cộng đồng quan trọng rằng mọi chuyển động đều có ý nghĩa và mọi người có thể và nên cố gắng bù đắp các hậu quả sức khỏe của việc ngồi nhiều không thể tránh khỏi, bằng cách tăng số bước hàng ngày của họ."
Ahmadi và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu từ 72.174 tình nguyện viên được thu thập trong Ngân hàng dữ liệu sinh học UK (UK Biobank) - một tập hợp dữ liệu dài hạn, quy mô lớn được thiết lập vào năm 2006 và sẽ tiếp tục theo dõi các chỉ số sức khỏe của người tham gia trong ít nhất 30 năm.
Trong nghiên cứu này bao gồm trung bình 6,9 năm dữ liệu sức khỏe tổng quan của mỗi người tham gia. Những người tham gia đã đeo máy đo gia tốc ở cổ tay trong bảy ngày để ước tính mức độ hoạt động thể chất của họ, chẳng hạn như số bước họ thường đi và thời gian họ thường ngồi.
Thời gian trung bình ngồi yên một chỗ là 10,6 giờ mỗi ngày. Những người dành nhiều thời gian hơn mức đó được coi là có "thời gian ngồi nhiều", trong khi những người có ít giờ hơn được coi là có "thời gian ngồi ít".
Những người tham gia có số liệu thống kê trong hai năm đầu tiên có thể bị ảnh hưởng bởi sức khỏe kém đã không được đưa vào nghiên cứu này. Vì vậy, những phát hiện này chỉ áp dụng cho những người nói chung, ít nhất là trong hai năm đầu tiên, có sức khỏe tốt. Hiện vẫn chưa rõ liệu dữ liệu có bao gồm những người tham gia bị khuyết tật ảnh hưởng đến việc đếm bước chân hay không.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng từ 9.000 đến 10.000 bước mỗi ngày là tối ưu để chống lại lối sống ít vận động mạnh, giúp giảm 21% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và 39% nguy cơ tử vong.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, bất kể thời gian ngồi nhiều của người tham gia, 50% lợi ích đạt được ở khoảng 4.000 đến 4.500 bước mỗi ngày.
Ahmadi và các đồng nghiệp kết luận: "Bất kỳ số bước nào hàng ngày trên mức tham chiếu 2.200 bước mỗi ngày đều có liên quan đến việc giảm tỷ lệ tử vong và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, phù hợp cho cả thời gian ngồi ít và nhiều."
"Tích lũy từ 9.000 đến 10.000 bước mỗi ngày giúp giảm tối ưu nguy cơ tử vong và mắc bệnh tim mạch ở những người tham gia ít vận động."
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top