3 nền tảng khoa học để chế tạo ra vắc-xin SARS-CoV-2

Có 3 nền tảng khoa học được nghiên cứu và vận dụng để chế tạo ra vaccine bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2, trong đó, 2 loại vaccine mới là vaccine mRNA (Tozinameran của ComirnatyTM, BioNtech/Pfizer và mRNA-1273 của Moderna/NIAID) và vaccine vector virus không có khả năng sao chép (ChAdOx1 nCoV-19 của Oxford University/AstraZeneca) đã chính thức được phê duyệt ở Châu Âu (EMA) và ở Mỹ (FDA) và hiện đang được nhiều nước chính thức sử dụng.

Nền tảng 1: Vaccine mRNA​

Vaccine mRNA có thể ví như một mã phần mềm hướng dẫn tế bào của cơ thể con người (“hệ điều hành”) sản xuất ra vaccine chống lại SARS-CoV-2. Sau khi được đưa vào trong tế bào, phân tử mRNA được đọc bởi một ribosome và được dịch mã để tạo thành các “spike protein” của virus SARS-CoV-2. Các spike protein được tạo ra sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra các kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
3 nền tảng khoa học để chế tạo ra vắc-xin SARS-CoV-2
Ribosome tập hợp các phân tử protein mà trình tự của chúng được kiểm soát bởi trình tự của các phân tử mRNA, chuỗi peptit đang phát triển (trên cùng bên trái) sẽ tạo thành các “spike protein” của virus SARS-CoV-2.
Các loại vaccine mRNA vừa được FDA và EMA phê duyệt gần đây (Tozinameran của ComirnatyTM, BioNtech/Pfizer và mRNA-1273 của Moderna/NIAID) sử dụng công nghệ nano để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối in vivo, ngăn chặn enzym phân hủy mRNA. Hệ thống chất mang này được ổn định hơn nữa bởi liên hợp lipid polyetylen glycol (PEG 2000). PEG 2000 kéo dài thời gian bán thải của vaccine bằng cách cung cấp một lớp ưa nước cho hạt nano lipid. Một loại vaccine mRNA khác hiện đang ở giai đoạn III là Cvn- CoV của CureVac (NCT04652102).
3 nền tảng khoa học để chế tạo ra vắc-xin SARS-CoV-2
Vaccine mRNA

Nền tảng 2: Vaccine vector virus không có khả năng sao chép​

Một cách tiếp cận khác để tạo ra vaccine chống lại virus SARS-CoV-2 là sử dụng các vector virus tái tổ hợp trong đó kháng nguyên của virus gây bệnh được biểu hiện. Những loại vaccine như vậy thường dựa trên một loại virus khác đã được thiết kế để biểu hiện các “spike protein” và đã bị vô hiệu hóa khả năng sao chép in vivo. Phần lớn các loại vaccine này dựa trên vector adenovirus (AdV). Các vector thường cho thấy sự kích thích tốt các phản ứng của tế bào B và tế bào T; tuy nhiên, khả năng miễn dịch kháng AdV tồn tại từ trước có thể làm trung hòa một phần khả năng sinh miễn dịch của vaccine ứng cử viên. Trước năm 2020, vắc xin Ebola là vắc xin duy nhất được phê duyệt dựa trên nền tảng này.
Vaccine vector virus không có khả năng sao chép đang được phân phối bởi Oxford University/AstraZeneca có tên là ChAdOx1 nCoV-19. Ngoài ra, còn đang được phát triển bởi Janssen có tên là Ad26.COV2.S, bởi CanSino có tên là AdV5 – Convidecia; Gamaleya Research Institute có tên là Ad5/Ad26 – Sputnik V.
3 nền tảng khoa học để chế tạo ra vắc-xin SARS-CoV-2
Vaccine vector virus không có khả năng sao chép

Nền tảng 3: Vaccine virus giảm độc lực​

Cách truyền thống nhất để sản xuất vaccine là sử dụng toàn bộ virus đã bị giảm độc lực hoặc bất hoạt. Vaccine phòng bệnh sởi và sốt vàng da là những vaccine điển hình của loại nền tảng vaccine này.
Đã có hai loại vaccine bất hoạt đã bảo vệ khỉ rhesus khỏi bị nhiễm SARS-CoV-2. Các vaccine bất hoạt (đang trong giai đoạn III thử nghiệm) đang được phát triển bởi Sinopharm và Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh: BBIBP-CorV; Viện Công nghệ sinh học Sinovac: CoronaVac; Viện Công nghệ sinh học Bharat: Covaxin.
3 nền tảng khoa học để chế tạo ra vắc-xin SARS-CoV-2
Vaccine virus giảm độc lực
(Tài liệu tham khảo: “COVID reference eng | 2021.6”, www.covidreference.com)
Nguồn: SỞ Y TẾ TP.HCM
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top