5 điều Gen Z chắc hẳn không biết về Android Market, “ông tổ” của Play Store

Google Play Store đã tồn tại được hơn một thập kỷ, nhưng không phải lúc nào nó cũng được gọi là Play Store. Ban đầu, khi ra mắt vào năm 2008 cùng với chiếc điện thoại Android T-Mobile G1, Google gọi cửa hàng ứng dụng của mình là Android Market.
Ở thời điểm đó, Android Market rất khác so với Play Store. Và dưới đây là một vài điều bạn chưa biết về cửa hàng ứng dụng này - điều thứ 3 chắc là khá bất ngờ đấy!

1. Ban đầu, cửa hàng này chỉ có ứng dụng miễn phí mà thôi

5 điều Gen Z chắc hẳn không biết về Android Market, “ông tổ” của Play Store
Một trong những điều đáng chú ý nhất về Android Market là nó được ra mắt mà chỉ có toàn ứng dụng miễn phí. Bạn không nghe lầm đâu, các nhà phát triển ban đầu không thể bán ứng dụng hoặc thậm chí là cung cấp các lựa chọn mua bán trong ứng dụng (IAP) khi cửa hàng này mở cửa vào tháng 10/2008. Dẫu vậy, họ vẫn phải trả một khoản phí đăng ký 25 USD mới được đưa ứng dụng của mình lên đó.
Các ứng dụng trả phí đã có mặt trên Android Market vào Quý I/2009, tức vài tháng sau đó. Đến đầu năm 2011, IAP cũng bắt đầu xuất hiện.

2. Số lượng ứng dụng ở thời điểm ra mắt ít hơn nhiều so với kỳ vọng

5 điều Gen Z chắc hẳn không biết về Android Market, “ông tổ” của Play Store
Google ban đầu công bố Android Market sẽ có hơn 50 ứng dụng khi ra mắt. Đó chắc chắn không phải là con số ấn tượng, nhưng hoá ra, số lượng ứng dụng thực sự có sẵn còn thấp hơn vậy nữa.
Theo trang PCWorld vào thời điểm đó, một thay đổi về phần mềm trên Android đã khiến Android Market chỉ có đúng 13 ứng dụng khi ra mắt. Ngày nay, Play Store có đến hàng triệu ứng dụng. Do đó nói “vạn sự khởi đầu nan” cũng chẳng sai chút nào!

3. Google không thu hoa hồng (lúc đầu thôi!)

Khi các ứng dụng trả phí xuất hiện trên Android Market vào năm 2009, các nhà phát triển được phép giữ lại 70% lợi nhuận từ mỗi ứng dụng bán ra. Nghe có vẻ giống ngày nay, nhưng có một khác biệt quan trọng.
Google khẳng định họ không thu phí hoa hồng từ mỗi ứng dụng bán ra. Thay vào đó, gã khổng lồ tìm kiếm cho biết 30% lợi nhuận còn lại đã được sử dụng để thanh toán “phí xử lý hoá đơn” và trả cho các nhà mạng.
Chúng tôi tin rằng mô hình lợi nhuận này mang lại một trải nghiệm công bằng và tích cực cho người dùng, nhà phát triển, và nhà mạng” - công ty nói vào thời điểm đó.

4. Google có lý do khi không sử dụng từ “cửa hàng” (store)

5 điều Gen Z chắc hẳn không biết về Android Market, “ông tổ” của Play Store
Cái tên “Android Market” nghe có vẻ khá kỳ cục khi mà ngày nay, mọi cửa hàng ứng dụng đều được gọi là “Store”, như Play Store, Amazon AppStore, Apple App Store… Nhưng vào năm 2008, Google cho biết họ đã cố tránh sử dụng từ “Store”.
Chúng tôi chọn từ ‘market’ thay cho ‘store’ bởi chúng tôi nhận thấy các nhà phát triển nên có một môi trường mở và không bị cản trở để đưa nội dung của họ đến mọi người” - công ty nói.
Vậy tại sao Google lại quyết định chuyển sang cái tên “Play Store” nhiều năm sau đó? Chẳng ai biết. Dù sao thì, có một sự việc đáng chú ý là Apple đã đâm đơn kiện Amazon vì hãng bán lẻ trực tuyến sử dụng tên “AppStore” cho cửa hàng ứng dụng của chính họ.

5. Ban đầu, Android Market không có ảnh chụp màn hình của ứng dụng

5 điều Gen Z chắc hẳn không biết về Android Market, “ông tổ” của Play Store
Play Store ngày nay có nhiều ảnh chụp màn hình và cả video về ứng dụng để giúp bạn biết thứ mình sắp tải về trông ra sao. Tưởng như đó là điều tiên quyết, khi mà chỉ giải thích bằng từ ngữ là chưa đủ để làm nổi bật những nét thú vị đáng để tải về của một ứng dụng hay game.
Thế nhưng, Android Market lại không hề có ảnh chụp màn hình trong trang hiển thị ứng dụng khi vừa ra mắt. Đây là một quyết định khó hiểu, bởi Apple App Store đã bắt buộc ảnh chụp màn hình cùng thời điểm đó. May thay, Google sớm nhận ra thiếu sót và tiếp bước đối thủ vào tháng 9/2009.
Tham khảo:
AndroidAuthority
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top