5 lí do nên bỏ tục lì xì ngay và luôn

Lì xì là mang đến điều may mắn, tốt đẹp cho người nhận nhân dịp đầu xuân năm mới. Nhưng theo thời gian, khi điều kiện kinh tế của từng gia đình được cải thiện, cuộc sống khấm khá no đủ hơn, thì cũng là lúc mà câu chuyện lì xì ngày Tết trở thành gánh nặng cho nhiều người. Thậm chí trở nên biến tướng, gây mất thiện cảm trong những ngày đầu năm mới. Cá nhân tôi cho rằng, đã đến lúc phải bỏ tục lì xì vì những lí do sau:

1. Áp lực cho những người có thu nhập thấp

Tết đến xuân về, không phải ai cũng có thu nhập dư giả nhưng vẫn phải trích ra một khoản tiền, nhờ người đổi tiền mới để mừng tuổi cho con cháu. Cận kề ngày Tết, mọi người “nhốn nháo” tìm đến dịch vụ đổi tiền mới dù phí cao ngất. Rồi đến chuyện trước khi đi chúc Tết phải nhìn xem trong ví có bao nhiêu tiền, lì xì ít thì thấy ái ngại nhưng lì xì nhiều lại “lo” không xuể.
VNReview.vn

Lì xì ngày Tết trở thành nỗi ám ảnh của những người có thu nhập thấp
Có lẽ ngày nay không còn mấy ai đủ can đảm lì xì cho các em nhỏ 10-20 nghìn đồng nữa. Chuyện lì xì vì vậy mà trở thành áp lực của nhiều người, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Thậm chí có nhiều người ngày Tết không dám đi thăm bà con vì không kham nổi cái khâu lì xì.

2. Tết mất vui vì những bao lì xì

Không thiếu những tình huống như thế này, nhiều trẻ nhỏ bị ảnh hưởng bởi người lớn, chẳng hề để ý đến ý nghĩa hay những câu chúc khi được lì xì, mà chỉ chăm chú mở xem “ruột” được bao nhiêu tiền. Hành động bóc lì xì trước mặt khách rồi bĩu môi chê của không ít đứa trẻ ấy đã trở thành ấn tượng xấu ngày Tết.
VNReview.vn

Nhiều trẻ nhỏ và cả người lớn có thái độ chưa đúng mực khi cho và nhận lì xì
Còn có rất nhiều người lớn không hiểu được rằng “của cho không bằng cách cho”, từ đó có thái độ không đúng mực khi lì xì cho trẻ. Tôi từng chứng kiến một người lớn nói như thế này khi lì xì cho 2 đứa trẻ, có lẽ là vì “tưởng thế là vui”: “Bác lì xì cho con chị thôi nhé, còn con em học dốt bác không lì xì”. Nghe xong câu đó, đứa trẻ lập tức òa khóc, có dỗ thế nào cũng không nín. Ai mà chẳng biết việc khóc trong ngày Tết là một điều hết sức kiêng kỵ.
Cứ thế, Tết mất vui vì những phong bao lì xì.

3. Tục lì xì đầu độc tâm hồn trẻ thơ

Trẻ em thời nào mà chẳng háo hức mong đến tết để được lì xì. Ngày xưa cuộc sống khó khăn, những món lì xì có khi chỉ là viên kẹo, nếu có tiền thì cũng chỉ là những đồng xu, đồng hào mệnh giá rất nhỏ, nhưng đứa trẻ nào cũng vô cùng trân trọng.
VNReview.vn

Một tình huống phổ biến khi lì xì cho trẻ em ngày nay được báo Dân Trí đăng tải
Càng nhớ về những đồng xu lì xì ngày xưa bao nhiêu thì càng buồn cho những bao thư dày cộp ngày nay bấy nhiêu.
Trong những ngày tết, cảnh thường thấy là khi đến nhà ai chúc tết, một đám trẻ đang chơi ở nhà sau thấy có khách vào là chúng túa lên phòng khách như để vòi tiền. Đến khi nào khách chịu móc ví ra thì chúng mới xuống dưới. Thái độ nhận tiền lì xì của những đứa trẻ cũng thật phản cảm. Khách vừa chìa bao lì xì ra nó đã nhanh tay giật lấy. Thậm chí chúng còn bóc bao ra xem ngay trước mặt khách.

VNReview.vn

Do ảnh hưởng từ người lớn, nhiều trẻ nhỏ có thái độ gây phản cảm khi nhận tiền lì xì
Thậm tệ hơn, nhiều bậc cha mẹ còn chủ động xúi con mình qua nhà bác Hai, cô Ba “cắm chốt” để ké tiền lì xì vì bác Hai, cô Ba làm lớn, có nhiều khách sộp. Nhiều khi khách đi chúc tết méo mặt vì gặp nhà tụ tập đông trẻ con.
Những đứa trẻ sẽ nghĩ gì khi tự nhiên có người cho nó một cục tiền, rồi lại ngạc nhiên vì sau đó bị cha mẹ chúng tịch thu lại? Những tâm hồn trẻ thơ liệu có trong sáng nổi khi chúng bị người lớn bày cho quá nhiều trò trục lợi? Chính người lớn là thủ phạm đầu độc thế hệ con cháu của mình.

4. Phát sinh những kẻ trục lợi bất chính từ tục lì xì

Có thể nhận ra tập tục lì xì ngày càng biến tướng ngay trên cái bao lì xì. Nếu lúc xưa bao lì xì chỉ là một bao giấy hồng điều làm bằng tay, đựng vài ba đồng bạc lẻ thì ngày nay có cả một ngành công nghiệp sản xuất bao lì xì với đủ kích cỡ, mẫu mã rất phong phú đa dạng.
VNReview.vn

Tết Kỷ Hợi Xuất hiện loại bao lì xì có in hình những tờ giấy bạc có mệnh giá lớn từ 100.000 đồng - 500.000 đồng
Mấy năm gần đây, tục lì xì lại có thêm dấu ấn của văn hóa Mỹ. Người Mỹ cho rằng tờ 2 USD là tờ giấy bạc may mắn. Họ thường để một tờ 2 USD dằn trong ví tiền. Nhiều người Việt Nam cũng muốn có 2 USD để dằn túi và để lì xì nhau trong dịp Tết. Thế là gần Tết rộ ra các dịch vụ đổi tiền Việt ra tiền 2 USD để kiếm lời.
VNReview.vn

Phong bao lì xì mạ vàng với giá khá "chát" là "mốt" của những năm gần đây
Mới nhất, Tết năm nay là những loại bao lì xì có in hình những tờ giấy bạc có mệnh giá lớn từ 100.000d tới 500.000đ. Đặc biệt có những loại bao lì xì bằng vàng hoặc bằng bạc; giá mỗi cái bao đã gần 500.000 đồng. Chẳng biết phải bỏ thứ gì trong những cái bao ấy mới xứng!

5. Lì xì là phụ, hối lộ là chính

Ngày nay người ta lợi dụng tục lì xì để trục lợi nhan nhản. Nếu có việc cần cậy nhờ mà khó đưa hối lộ, cứ biến nó thành bao lì xì đưa cho con của sếp là xong ngay. Có lẽ đây là cách đưa hối lộ “hợp pháp” nhất, người đưa cũng chẳng lo bị gài bẫy mà người nhận cũng chẳng mảy may ngại ngần.
VNReview.vn

Một vụ hối lộ núp bóng lì xì bị báo chí phanh phui
Lâu nay hàng loạt quan tham đã bị truy tố vì tội tham nhũng, hối lộ. Chắc chắn trong những khoản tiền hàng trăm, nghìn tỉ mà họ đã thủ đắc, có không ít tài khoản được mệnh danh là tiền lì xì. Rõ ràng là phong tục mừng tuổi rất dễ thương sau khi biến tướng thành lì xì thì đang tiếp tục diễn biến ngày càng xấu hơn.
Trên đây là quan điểm cá nhân của người viết về những lý do nên bỏ tục lì xì. Còn bạn, ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào?


>>> Hơn 800 triệu người gửi lì xì qua ứng dụng nhắn tin WeChat trong dịp Tết Nguyên đán

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top