Vì sao Intel từ hãng chip lớn nhất thế giới trở thành mục tiêu bị thâu tóm nhanh như vậy?

myle.vnreview
Mỹ Lệ
Phản hồi: 0
Ba năm trước, Intel có giá trị gấp đôi giá trị hiện tại và Tổng giám đốc điều hành Pat Gelsinger đang săn lùng các vụ mua lại.

Giờ đây, chính Intel đã trở thành mục tiêu thâu tóm, một dấu hiệu cho thấy những bước đi sai lầm về mặt chiến lược và sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm suy yếu công ty bán dẫn có lịch sử lâu đời nhất của Mỹ.

1727020659609.png

Theo tờ The Wall Street Journal (WSJ) đưa tin vào ngày 20/9, Qualcomm đang tiếp cận để mua lại Intel, điều chưa từng có trong lịch sử 56 năm của hãng bán dẫn này. Các vấn đề bắt đầu từ những thất bại trong sản xuất trước khi Pal Gelsinger nắm quyền. Và chúng trở nên tồi tệ hơn khi vị CEO theo đuổi một chiến lược xoay chuyển tốn kém mà không lường trước được sự bùng nổ về sự quan tâm đến AI sẽ chuyển hướng nhu cầu về một loại chip do đối thủ Nvidia sản xuất như thế nào.

“Trong hai đến ba năm qua, sự chuyển dịch sang AI thực sự là đòn giáng mạnh vào Intel”, Angelo Zino, một nhà phân tích kỳ cựu trong ngành tại CFRA Research cho biết. “Họ chỉ không có đủ năng lực phù hợp”.

Ngay cả khi Intel tỏ ra quan tâm đến ý định mua lại của Qualcomm, thì một thỏa thuận vẫn chưa chắc xẩy ra vì lý do pháp lý và các lý do khác. Nhưng ý tưởng về việc gã khổng lồ sản xuất chip điện thoại thông minh mua lại Intel gần như là điều không thể tưởng tượng được cách đây không lâu.

Intel đã thống trị trong nhiều thập kỷ với tư cách là công ty bán dẫn có giá trị nhất thế giới, chip của họ gần như có mặt ở khắp mọi nơi trong máy tính cá nhân và máy chủ. Trong một ngành mà sự chuyên môn hóa ngày càng trở thành chuẩn mực, thì đây là một công ty hiếm hoi thiết kế và sản xuất chip của riêng mình và họ là công ty dẫn đầu thế giới về cả hai mặt.

Vào thời điểm Pal Gelsinger trở thành CEO vào đầu năm 2021, Intel đã mất đi một phần sức hút của mình, tụt hậu so với các đối thủ ở Châu Á trong cuộc đua sản xuất chip hiệu suất nhanh nhất với bóng bán dẫn nhỏ nhất.

Pal Gelsinger, người trước đây đã làm việc tại Intel trong nhiều thập kỷ và là giám đốc công nghệ đầu tiên của công ty, đã có kế hoạch khôi phục lại sự tự tin mà Intel từng có dưới thời các giám đốc như Andy Grove và Paul Otellini.

Để làm được như vậy, Intel sẽ phải bắt kịp các đối thủ châu Á gồm TSMC và Samsung Electronics. Ông cũng có kế hoạch chi mạnh tay để xây dựng hoạt động sản xuất của Intel và bán năng lực sản xuất đó cho các công ty chip chỉ thiết kế như Qualcomm, phá vỡ sự thống trị lĩnh vực đúc chip của TSMC và Samsung.

Đây là một canh bạc tốn kém và đầy tham vọng, nhưng dường như đã có đủ các yếu tố để thành công: một hoạt động kinh doanh cốt lõi mạnh mẽ là sản xuất chip cho máy tính cá nhân và máy chủ cùng với một loạt các hoạt động kinh doanh phụ có thể giúp tài trợ cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của Intel.

Pal Gelsinger nhanh chóng tìm cách sử dụng các nguồn lực tài chính của Intel để xây dựng hoạt động kinh doanh sản xuất chip theo hợp đồng, tham gia vào các cuộc đàm phán để mua GlobalFoundries với giá khoảng 30 tỷ USD vào mùa hè sau khi ông tiếp quản. Thỏa thuận đó đã không thành công, nhưng trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 8 năm 2021, vị giám đốc điều hành cho biết Intel vẫn tiếp tục mua lại. “Sẽ có sự hợp nhất trong ngành”, ông nói với tờ WSJ. “Xu hướng đó sẽ tiếp tục và tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ là người hợp nhất”.

Cuối cùng, ông đã quyết định mua lại Tower Semiconductor, một nhà sản xuất chip theo hợp đồng khác, với giá hơn 5 tỷ USD mặc dù thỏa thuận đó đã bị hủy bỏ vào năm ngoái sau khi các cơ quan quản lý Trung Quốc không chấp thuận.

Hoạt động sản xuất theo hợp đồng của Intel đã có khởi đầu chậm chạp hướng tới mục tiêu của Pal Gelsinger là trở thành công ty lớn thứ hai thế giới vào năm 2030. Công ty đã trải qua một số nhà lãnh đạo và nhiều khách hàng tiềm năng đã từ bỏ hợp tác sau khi mảng đúc chip của Intel gặp phải những sai lầm về mặt kỹ thuật.

Sự trỗi dậy của Nvidia

Khi chi phí tăng cao tại Intel, AI tạo sinh bắt đầu cất cánh. Sự bùng nổ của AI tạo sinh đã chuyển nhu cầu từ bộ xử lý trung tâm của Intel sang "bộ xử lý đồ họa" từ Nvidia, công ty có thiết kế khác biệt phù hợp hơn với việc tạo và triển khai các hệ thống AI tinh vi nhất. Khi các công ty công nghệ xép hàng mua chip AI khan hiếm của Nvidia, nhiều bộ xử lý của Intel vẫn ế chổng vó.

Pal Gelsinger buộc phải cắt giảm chi phí để bảo toàn nỗ lực xoay chuyển tình thế của mình. Intel đã sa thải hàng nghìn người bắt đầu từ năm 2022 và cắt giảm cổ tức vào năm ngoái. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Tháng trước, Pal Gelsinger cho biết họ sẽ sa thải 15.000 người, cắt giảm chi phí 10 tỷ USD vào năm tới và hủy bỏ cổ tức.

"Sự gia tăng AI nghiêm trọng hơn nhiều so với tôi mong đợi", Pal Gelsinger nói vào thời điểm đó, gọi việc cắt giảm là "điều khó khăn nhất mà tôi từng làm trong sự nghiệp của mình".

Tuần trước, Intel đã công bố những động thái mới, bao gồm kiểm soát chi tiêu chặt chẽ hơn và tách biệt hơn nữa hoạt động thiết kế và sản xuất của mình mặc dù Gelsinger đã dừng bán hoặc tách mảng kinh doanh sản xuất như một số nhà đầu tư đã hối thúc.

"Chúng ta cần phải đấu tranh cho từng inch và thực hiện tốt hơn bao giờ hết", Gelsinger nói với các nhân viên. "Bởi vì đó là cách duy nhất để làm dịu những lời chỉ trích và mang lại kết quả mà chúng ta biết mình có khả năng đạt được".

Các nhà phân tích cho biết triển vọng về một bước ngoặt tích cực trong vận may của Intel đang thu hẹp nhưng vẫn có thể xảy ra. Việc cắt giảm chi phí có thể giúp công ty vượt qua khó khăn, mặc dù giá cổ phiếu giảm khiến công ty dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc thâu tóm và hoạt động của nhà đầu tư.

Tính đến thời điểm đóng cửa vào ngày 18/9, cổ phiếu của Intel đã giảm gần 70% so với mức vào đầu năm 2020. Cổ phiếu của Nvidia đã tăng hơn 18 lần trong giai đoạn đó.

Cổ phiếu của Intel đã tăng 3,3% trong phiên giao dịch ngày 21/9 sau báo cáo của tờ WSJ về sự quan tâm của Qualcomm.

“Có thể đã quá muộn”

Stacy Rasgon, một nhà phân tích tại Bernstein Research, cho biết tương lai của Intel phụ thuộc vào sự thành công hay thất bại của công nghệ sản xuất chip thế hệ tiếp theo dự kiến sẽ đi vào sản xuất vào năm tới và Intel hy vọng sẽ vượt qua các đối thủ, ít nhất là về mặt công nghệ. Quay trở lại vị thế dẫn đầu về công nghệ có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận và tạo dựng lòng tin nơi khách hàng.

Tuy nhiên, Intel vẫn có một vấn đề cơ bản không thể giải quyết: Hoạt động kinh doanh chip cốt lõi của công ty không được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng trong bối cảnh chi tiêu mạnh mẽ liên tục cho chip AI.

“Chúng ta có thể tranh luận về việc chiến lược này đúng hay sai, nhưng vấn đề là hoạt động kinh doanh cốt lõi không hỗ trợ cho con đường này”, Rasgon cho biết. Tuy nhiên, tại thời điểm này, “có thể đã quá muộn để họ dừng lại”.

1727020701731.png

Đối với Qualcomm, việc mua lại Intel có thể giúp công ty này tiến vào các phân khúc mới của ngành công nghiệp chip. Qualcomm chuyên về chip điện thoại di động, là nhà cung cấp cho iPhone của Apple cùng nhiều thiết bị khác và đã xây dựng danh mục chip ô tô và internet vạn vật trong những năm gần đây. Intel sẽ bổ sung danh mục sản phẩm về chip cho máy tính cá nhân và máy chủ.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Qualcomm có giữ lại hoạt động sản xuất của Intel trong bất kỳ thỏa thuận nào hay không. Những hoạt động đó khiến hoạt động kinh doanh của Intel rất khác so với Qualcomm, công ty thuê ngoài hoạt động sản xuất của mình. Hoạt động sản xuất cực kỳ phức tạp và tốn kém. Intel đã rót 25,8 tỷ USD vào chi tiêu vốn vào năm ngoái, tương đương khoảng 48% doanh thu của công ty. Tổng chi tiêu vốn của Qualcomm trong năm tài chính gần nhất là 1,5 tỷ USD, chỉ chiếm hơn 4% doanh số bán hàng của công ty.

>> The Wall Street Journal: Qualcomm muốn thôn tính toàn bộ Intel

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top