7 nguyên nhân dễ gây béo bụng

TienCM

Pearl
Béo bụng không chỉ khiến nhiều người tự ti, nó còn phản ánh tình trạng sức khỏe. Nhiều thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày có thể gây béo bụng, tích mỡ nội tạng.
Béo bụng thường liên quan vấn đề dư thừa mỡ nội tạng. Đây cũng là loại chất béo xấu, nằm sâu trong khoang bụng, gần một số cơ quan quan trọng như gan, ruột, hay tích tụ ở động mạch. Mỡ nội tạng khó loại bỏ nhất trong cơ thể. Theo Times of India, dưới đây là 7 nguyên nhân khiến bạn dễ bị béo bụng và tích nhiều chất béo xấu trong nội tạng.
Ăn nhiều chất béo chuyển hóa
Chất béo là nhóm chất quan trọng, tham gia xây dựng cấu trúc của cơ thể. Vai trò lớn nhất của chất béo là dự trữ, cung cấp năng lượng cho cơ bắp và các hoạt động sống. Điều đó không đồng nghĩa chúng ta nên ăn mọi loại chất béo.
Chất béo chuyển hóa là loại không lành mạnh nhất, dẫn tới béo bụng, gây tăng cân. Ngoài ra, nó cũng có thể khiến bạn mắc một số bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, ung thư…
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ mỡ máu, đau tim, đột quỵ. Chất béo chuyển hóa có thể được tìm thấy trong đồ chế biến sẵn, đóng hộp, nướng, chiên, bơ thực vật, thức ăn nhanh, pizza, bánh ngọt, bánh nướng…
7 nguyên nhân dễ gây béo bụng
Béo bụng thường đi kèm nhiều vấn đề về sức khỏe. Ảnh: Freepik.
Trong quá trình chế biến chất béo, chúng ta cần lưu ý đun, nấu ở nhiệt độ không quá 102 độ C, lipit (dầu, mỡ) không có biến đổi đáng kể ngoài hóa lỏng. Khi đun lâu ở nhiệt độ cao, các axit béo không no sẽ bị oxy hóa làm mất tác dụng có ích với cơ thể, đồng thời các liên kết kép trong cấu trúc của chúng nhanh chóng bị bẻ gãy tạo thành các sản phẩm trung gian như là peroxit, aldehyt… có hại đối với cơ thể.
Để giảm mỡ bụng, bạn cần cắt giảm các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo chuyển hóa cao. Chúng ta nên ăn ngũ cốc nguyên hạt, giàu chất xơ, rau củ quả.
WHO khuyến cáo người dân chỉ tiêu thụ chất béo chuyển hóa dưới 1% lượng calo cần thiết mỗi bữa ăn để phòng bệnh tim mạch. Nếu nhu cầu năng lượng của người trưởng thành là 2.000 kcal mỗi ngày, chất béo chuyển hóa nên dưới 20 kcal (khoảng 2 g).
Uống nhiều rượu, bia
Thông thường, đồ uống có cồn thường được gọi là “calo rỗng” vì chỉ cung cấp calo cho cơ thể nhưng không chứa chất dinh dưỡng. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, tiêu thụ nhiều bia, rượu có thể ngăn chặn quá trình đốt cháy chất béo. Bởi gan cần chuyển hóa rượu bia trước, sau đó mới đến chất béo. Chất béo còn lại sẽ tích tụ trong cơ thể và gây tăng cân.
Nếu muốn giảm mỡ bụng, bạn cần dừng uống rượu, bia ngay lập tức. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo phụ nữ chỉ được uống một ly rượu/bia mỗi ngày. Con số này ở nam giới là tối đa 2 ly. Cách tốt nhất là chúng ta nên thay thế rượu, bia bằng nước lọc.
Lối sống ít vận động
Bạn sẽ không thể giảm mỡ bụng nếu không tập thể dục hay ngại vận động. Tập luyện thường xuyên giúp chúng ta giữ vóc dáng, hạn chế tích mỡ quanh eo. Ngay cả khi không tập được đều đặn, bạn hãy chạy hoặc đi bộ ngay khi có thời gian.
Một sự thật bạn cần biết là tập các bài về bụng không giúp vòng eo nhỏ lại. Chúng ta chỉ có thể giảm mỡ bụng với các bài tập toàn thân, đốt cháy nhiều calo.
Ăn, uống đồ có nhiều đường
Thói quen ăn uống phản ánh cơ thể, cân nặng và sức khỏe của mỗi người. Nếu ăn quá nhiều đường, bạn có nguy cơ cao béo bụng, tăng mỡ nội tạng. Bởi thức ăn và đồ uống có đường, carbs tinh chế khó đốt cháy, cuối cùng, nó sẽ tích tụ dưới dạng chất béo trong cơ thể.
Chế độ ăn ít đạm, nhiều chất bột đường cũng có thể ảnh hưởng đến cân nặng. Protein giúp chúng ta no lâu hơn, những người không ăn protein từ thịt nạc có thể ăn nhiều thức ăn hơn.
Cách tốt nhất để giảm cảm giác thèm ăn đường là lựa chọn carbs lành mạnh, uống nhiều nước nhằm tạo cảm giác no.
7 nguyên nhân dễ gây béo bụng
Luyện tập thể dục thường xuyên, duy trì chế độ ăn lành mạnh giúp giảm béo bụng và ngăn ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm. Ảnh: iStock.
Căng thẳng, thiếu ngủ
Các nghiên cứu đã chỉ ra căng thẳng, lo lắng có thể dẫn tới gia tăng hormone cortisol trong cơ thể, làm chậm quá trình trao đổi chất. Khi tốc độ trao đổi chất giảm, việc giảm cân, giảm mỡ cũng dậm chân tại chỗ.
Ngoài ra, ngủ ít có thể khiến cortisol của bạn tăng đột biến, tăng cảm giác thèm ăn các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao, gây tăng cân, đặc biệt là tăng mỡ bụng.
Do đó, mỗi ngày bạn nên ngủ đủ 7-8 tiếng, giữ tinh thần lạc quan, tránh thức quá khuya.
Ăn thực phẩm ít chất xơ
Thực phẩm giàu chất xơ là nhóm chất không thể bỏ qua nếu bạn muốn giảm mỡ bụng, bỏ mỡ nội tạng. Chế độ ăn ít chất xơ có thể khiến chúng ta nhanh đói, thèm các thực phẩm giàu calo. Kết quả là bạn ăn nhiều thức ăn hơn mức cần thiết. Nếu không đủ chất xơ, bạn cũng dễ gặp vấn đề về tiêu hóa.
Mỗi bữa ăn, bạn nên cắt giảm đường, tinh bột xấu và thay bằng ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, yến mạch, rau xanh, đậu lăng, trái cây mọng nước (dâu, việt quất, mâm xôi…). Đây đều là các thực phẩm giúp no lâu, hạn chế cơn thèm ăn.
Gene di truyền
Các gene di truyền có thể quyết định ngoại hình, loại bệnh tật một người nào đó sẽ phát triển trong tương lai. Béo bụng cũng là một trong những vấn đề liên quan gene.
Nghiên cứu cho thấy một số gene nhất định có thể ảnh hưởng khả năng giải phóng, hoạt động của leptin - hormone đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý cân nặng, điều chỉnh sự thèm ăn.
Dù vậy, việc béo bụng phụ thuộc lớn vào chế độ ăn uống, luyện tập. Do đó, bạn nên giữ thói quen ăn uống lành mạnh, thường xuyên vận động để duy trì vóc dáng và ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm.
Theo Thiên Nhan/Zingnews
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top