7 thực phẩm bổ sung phổ biến tiềm ẩn có hại cho sức khỏe

Khỏe mạnh hay có hại? Dưới đây là những điều bạn cần biết về những tác hại có thể xảy ra trước khi sử dụng viên vitamin, khoáng chất hoặc thảo dược, gọi chung là thực phẩm bổ sung.
Khi nói đến thực phẩm bổ sung, có rất nhiều quảng cáo, đồn đại thổi phồng về lợi ích tiềm năng của chúng đến mức khó có thể tách biệt thực tế khỏi hư cấu. Mặc dù đúng là vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe, nhưng không đúng khi dùng chúng ở dạng viên nén, viên con nhộng hoặc bột - đặc biệt là ở dạng liều cao megadoses - là cần thiết hoặc không có rủi ro.
7 thực phẩm bổ sung phổ biến tiềm ẩn có hại cho sức khỏe
Với những người khỏe mạnh, không có viên/ nước uống bổ sung nào bằng tăng cường dưỡng chất cho bữa ăn
Có điều bạn cần biết, đó là thực phẩm chức năng đôi khi có thể tương tác với nhau, cũng như với thuốc không kê đơn (OTC) và thuốc kê đơn. Ngoài ra, không giống như các loại thuốc, thực phẩm bổ sung không yêu cầu phải qua cơ quan chức năng chuyên ngành kiểm tra về độ an toàn và hiệu quả trước khi chúng được bán trên thị trường. Các nhà sản xuấtphải đảm bảo rằng sản phẩm của họ không chứa chất gây ô nhiễm hoặc tạp chất, được dán nhãn thích hợp và chứa những gì họ tuyên bố. Nói cách khác, quy định về thực phẩm chức năng ít nghiêm ngặt hơn nhiều so với các loại thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 10/2016 trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, hơn một nửa số người Mỹ dùng thực phẩm chức năng hoặc thảo dược hàng ngày, khiến những sản phẩm này trở thành một ngành công nghiệp bùng nổ với doanh thu đạt 128 tỷ đô la mỗi năm trên toàn thế giới, theo một báo cáo xuất bản năm 2018 của Tạp chí Kinh doanh Dinh dưỡng. Hơn 31 phần trăm trong số đó ở Hoa Kỳ.
Nếu được sử dụng đúng cách, một số chất bổ sung có thể cải thiện sức khỏe, nhưng những loại khác có thể không hiệu quả hoặc thậm chí có hại. Ví dụ, nghiên cứu của Đại học Tufts được công bố ngày 9/4 /2019 trên tạp chí Annals of Internal Medicine đã liên kết liều lượng hàng ngày hơn 1.000 miligam (mg) canxi với nguy cơ tử vong do ung thư cao hơn. Hơn nữa, dữ liệu cho thấy những người bổ sung đủ lượng magiê, kẽm và vitamin A và K có nguy cơ tử vong thấp hơn - nhưng chỉ khi họ nhận được những chất dinh dưỡng đó từ thực phẩm thay vì viên bổ sung.
Các chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng hãy cẩn thận,vì nhiều thực phẩm bổ sung trên thị trường chưa được kiểm tra chặt chẽ trong khi nhiều nhà sản xuất đưa ra những tuyên bố về sức khỏe không có cơ sở.
Vậy tóm lại là như thế nào? Hướng dẫn của
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) có thể cung cấp thông tin chi tiết về lợi ích và rủi ro của từng loại vitamin và khoáng chất, cũng như các chất bổ sung từ thảo dược. Dưới đây là bảy chất bổ sung mà bạn nên dùng cẩn thận, nếu có.

1. Vitamin D: Quá nhiều có thể gây hại cho thận

7 thực phẩm bổ sung phổ biến tiềm ẩn có hại cho sức khỏe
Vitamin D thúc đẩy sự hấp thụ canxi trong cơ thể, và nhận đủ canxi là yếu tố trung tâm của sức khỏe và hạnh phúc, bảo vệ xương và ngăn ngừa các bệnh về xương như loãng xương. Vitamin D bổ sung phổ biến vì rất khó (nếu không muốn nói là không thể) có đủ từ thức ăn. Ngoài ra, như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) lưu ý, cơ thể chúng ta tạo ra vitamin D khi để da trần tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nhưng thời gian ở trong nhà nhiều hơn và việc sử dụng kem chống nắng rộng rãi đã làm giảm thiểu lượng vitamin D mà nhiều người nhận được từ phơi nắng.
Nhưng quảng cáo các chất bổ sung vitamin D đang vượt xa bằng chứng thực tế. Hóa ra, khi phụ nữ khỏe mạnh dùng liều thấp vitamin D (400 đơn vị quốc tế, hoặc IU), nó không nhất thiết giúp ngăn ngừa gẫy xương, theo một báo cáo nhóm Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng ngừa Hoa Kỳ được công bố vào tháng 5/2013 trên tạp chí Biên niên sử của Y học Nội khoa.
Còn dùng liều cao vitamin D không phải là một lựa chọn tốt. Ở những người khỏe mạnh, nồng độ vitamin D trong máu cao hơn 100 nanogram trên mililit (ng / mL) có thể kích hoạt hấp thụ thêm canxi - và dẫn đến đau cơ, rối loạn tâm trạng, đau bụng và sỏi thận, theo Cleveland Clinic. Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Nhiều hơn chưa chắc đã tốt hơn khi bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Tác dụng của bổ sung vitamin D là khác nhau với phụ nữ trên 71 tuổi. Đối với họ, Học viện Y khoa Quốc gia báo cáo, bổ sung vitamin D do bác sĩ kê đơn là có lợi. Để đạt được mức khuyến nghị về vitamin D - 600 IU mỗi ngày cho người từ 1 đến 70 tuổi và 800 IU mỗi ngày cho người 71 tuổi trở lên - hãy tăng cường trong chế độ ăn uống hằng ngày thực phẩm toàn phần, chẳng hạn như cá hồi, cá ngừ, sữa, nấm và ngũ cốc. Bạn cũng có thể phơi nắng trong thời gian ngắn mà không cần dùng kem chống nắng - khoảng 10 đến 15 phút mỗi ngày.

2. St. John’s Wort (Ban âu): giảm hiệu quả thuốc khác

St. John’s wort là một loại cây được sử dụng dưới dạng trà hoặc trong viên nang để điều trị trầm cảm nhẹ, lo âu và rối loạn giấc ngủ. Các nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra rằng St. John’s wort có tác dụng điều trị chứng trầm cảm nhẹ. Ví dụ, một đánh giá được công bố vào tháng 3/2017 trên Tạp chí Rối loạn Tâm thần đã xem xét 27 thử nghiệm lâm sàng với tổng số 3.808 bệnh nhân và kết luận rằng phương thuốc thảo dược này có tác dụng cũng như một số loại thuốc chống trầm cảm trong việc giảm các triệu chứng trầm cảm nhẹ đến trung bình.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất với St. John’s wort là tương tác thuốc của nó.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 7/2014 trên Tạp chí Y học Thay thế và Bổ sung cho thấy 28% thời gian St. John's wort được kê đơn từ năm 1993 đến năm 2010, nó được sử dụng kết hợp nguy hiểm với thuốc chống trầm cảm hoặc chống lo âu, statin, thuốc chống đông máu hoặc thuốc tránh thai. Ví dụ, kết hợp St. John’s wort với thuốc chống trầm cảm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm cả sự gia tăng nguy cơ đe dọa tính mạng do hóa chất tế bào thần kinh serotonin, theo Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp.
Dùng St. John’s wort cũng có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc khác - bao gồm thuốc tránh thai, hóa trị liệu, thuốc điều trị HIV hoặc AIDS và thuốc để ngăn chặn đào thải nội tạng sau khi cấy ghép. Điều quan trọng là phải đọc về các tương tác thuốc có thể xảy ra và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng St. John’s wort.

3. Canxi: Quá liều dẫn đến dư thừa lắng đọng trong động mạch

Canxi cần thiết cho xương chắc khỏe và một trái tim khỏe mạnh, nhưng quá nhiều cũng không phải là điều tốt. Trên thực tế, dư thừa canxi, được mô tả là hơn 2.500 mg mỗi ngày đối với người lớn từ 19 đến 50 tuổi và hơn 2.000 mg mỗi ngày đối với người từ 51 tuổi trở lên, có thể dẫn đến các vấn đề.
Các nhà nghiên cứu tin rằng nếu không có đủ vitamin D để giúp hấp thụ, lượng canxi bổ sung sẽ lắng đọng trong các động mạch thay vì xương. Ngoài ra, một phân tích trong 10 năm kiểm tra y tế trên hơn 2.700 người trong một nghiên cứu về bệnh tim do liên bang Hoa Kỳ tài trợ, được công bố ngày 10/10/2016 trên Tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, cho thấy việc bổ sung canxi có thể làm tăng tích tụ mảng bám trong động mạch chủ và các động mạch khác. Ngược lại, một chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa và rau xanh, có vẻ có tác dụng bảo vệ.
Lời khuyên của chuyên gia: Hãy bổ sung canxi từ chế độ ăn uống nếu bạn có thể.
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ khuyến nghị 1.000 mg canxi mỗi ngày cho phụ nữ từ 19 đến 50 tuổi và 1.200 mg một ngày cho phụ nữ 51 tuổi trở lên. Khuyến nghị cho nam giới từ 19 đến 70 tuổi là 1.000 mg một ngày và 1.200 mg một ngày cho nam giới 71 tuổi trở lên. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 6 ounce sữa chua ít béo đơn giản chứa khoảng 311 mg canxi, khoảng 1/3 so với khuyến nghị hàng ngày. Các nguồn canxi tốt khác bao gồm đậu phụ, sữa không béo, pho mát, ngũ cốc tăng cường và nước trái cây.
Thiếu canxi, hoặc hạ canxi máu, có thể được phát hiện bằng xét nghiệm máu định kỳ. Nếu bạn có nồng độ canxi trong máu thấp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc bổ sung canxi.

4. Vitamin tổng hợp và khoáng chất: Không thay thế cho chế độ ăn uống lành mạnh

Bạn có nghĩ rằng một lối sống lành mạnh không chỉ cần ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe, tập thể dục và ngủ đủ giấc mà còn phải bổ sung vitamin tổng hợp hàng ngày? Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng các chuyên gia vẫn chưa xác định được liệu những chất bổ sung đó có thực sự hữu ích hay không.
Một nghiên cứu đáng ngạc nhiên được công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine, đã kiểm tra dữ liệu từ gần 40.000 phụ nữ trong 19 năm, cho thấy rằng trung bình những phụ nữ dùng chất bổ sung có nguy cơ tử vong cao hơn so với những phụ nữ không dùng chất bổ sung. Vitamin tổng hợp cũng không hoặc ít có tác dụng bảo vệ chống lại các bệnh ung thư phổ biến, bệnh tim mạch hoặc tử vong.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra lợi ích của việc uống vitamin tổng hợp. Ví dụ, một nghiên cứu được công bố ngày 9/8/2017 trên tạp chí Nutrients đã kết luận rằng việc sử dụng thường xuyên các chất bổ sung đa sinh tố và khoáng chất giúp ngăn ngừa sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe.
Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, bổ sung vitamin trước khi sinh có axit folic được khuyến cáo bởi Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ để giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh. Vitamin tổng hợp cũng có thể được bác sĩ kê đơn nếu bạn mắc hội chứng kém hấp thu, một tình trạng mà cơ thể không hấp thụ đúng cách các vitamin và khoáng chất.
Nhưng đối với những người khỏe mạnh, thực phẩm bổ sung không bao giờ có thể thay thế cho một chế độ ăn uống lành mạnh.

5. Bổ sung dầu cá: Chọn cá hoặc hạt lanh để thay thế

7 thực phẩm bổ sung phổ biến tiềm ẩn có hại cho sức khỏe
Giàu axit béo omega-3, dầu cá được coi giúp giảm nguy cơ bệnh tim. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chất bổ sung dầu cá có lợi cho tim mạch còn chưa chắc chắn. Một nghiên cứu được công bố ngày 3/1/2019 trên Tạp chí Y học New England (NEJM) cho thấy rằng các chất bổ sung axit béo omega-3 không làm gì để giảm các cơn đau tim, đột quỵ hoặc tử vong do bệnh tim ở nam giới và phụ nữ trung niên trở lên. Một nghiên cứu trước đó, được công bố vào tháng 5/2013 trên NEJM, đã xem xét những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và cũng báo cáo dầu cá bổ sung không có lợi ích.
Theo NIH, tình trạng thiếu hụt omega-3 là “rất hiếm ở Hoa Kỳ.” Tuy nhiên, nhiều người không tiêu thụ đủ omega-3 hàng ngày để có sức khỏe tối ưu. Cách tốt nhất để có đủ lượng omega-3 là ăn nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, bao gồm:
Cá và các loại hải sản khác, đặc biệt là cá béo nước lạnh, chẳng hạn như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích và cá mòi
Các loại hạt, chẳng hạn như hạt lanh, hạt chia và quả ******
Dầu thực vật, chẳng hạn như dầu hạt lanh, dầu đậu nành và dầu hạt cải
Thực phẩm tăng cường, chẳng hạn như một số nhãn hiệu trứng, sữa chua, nước trái cây, sữa và đồ uống từ đậu nành

6. Kava: Sử dụng quá mức có thể gây hại cho gan của bạn

Kava là một loại thảo mộc ở dạng cô đặc đã được sử dụng để điều trị chứng rối loạn lo âu nói chung. Một nghiên cứu của Úc được công bố trực tuyến vào năm 2015 trên tạp chí Trials cho thấy loại cây ở Nam Thái Bình Dương này có thể là một phương pháp điều trị thay thế hiệu quả cho thuốc kê đơn cho những người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu tổng quát (GAD). Một nghiên cứu trước đó, quy mô nhỏ hơn, được công bố vào tháng 10/2013 trên Tạp chí Clinical Psychopharmacology, cũng cho thấy rằng dùng kava làm giảm lo lắng đáng kể so với giả dược ở những người bị GAD.
Tuy nhiên, dùng quá nhiều kava hoặc dùng quá lâu có thể dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng, bao gồm viêm gan, xơ gan và suy gan. Do đó, FDA đã cảnh báo mọi người, đặc biệt là những người bị bệnh gan hoặc các vấn đề về gan, hoặc những người đang dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến gan, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng kava. Ngoài ra, Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp báo cáo rằng sử dụng nhiều kava có liên quan đến các vấn đề về tim và kích ứng mắt.

7. Bổ sung từ đậu nành: Cẩn thận với Estrogen

Đậu phụ, tempeh và sữa đậu nành đều là những nguồn cung cấp protein, chất xơ và một số khoáng chất. Một số phụ nữ cũng dùng đậu nành ở dạng bổ sung vì loại thực vật này có chứa các hợp chất giống như estrogen được gọi là isoflavone có thể giúp làm giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, người ta đã lo ngại rằng isoflavone trong các chất bổ sung từ đậu nành có thể góp phần làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Theo Viện Ung thư Dana Farber ở Boston, tin tốt là các nghiên cứu quy mô lớn không cho thấy nguy cơ ung thư vú tăng lên khi ăn các thực phẩm từ đậu nành nguyên hạt, chẳng hạn như đậu phụ và đậu edamame.
Trên thực tế, ít nhất một nghiên cứu, được công bố ngày 6/3/2017, trên tạp chí Cancer, xem xét 6.235 người sống sót sau bệnh ung thư vú, liên hệ việc ăn tương đương một khẩu phần đậu nành mỗi tuần với nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn 21% trong thời gian thời gian theo dõi gần 10 năm.
Nhưng vẫn chưa có đủ nghiên cứu về sản phẩm phân lập protein đậu nành (SPI) - loại bột được hình thành bằng cách loại bỏ protein khỏi phần còn lại của cây - để biết tác dụng của nó đối với nguy cơ ung thư vú. (Ngoài các chất bổ sung, SPI thường được tìm thấy trong thanh tăng lực, bánh mì kẹp thịt chay và một số món súp, nước sốt, sinh tố và ngũ cốc ăn sáng.)
Điểm mấu chốt: “Nếu bạn lo lắng về ung thư vú, hãy tránh xa các chất bổ sung đậu nành và protein làm từ đậu nành”, chuyên gia y tế khuyên. “Trong khi đó, lượng đậu nành từ thực phẩm không chứng minh được là đáng lo ngại”.

>> Thực phẩm bổ sung là gì, có lợi, hại như thế nào?

Nguồn: Everyday Health
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top