Ác mộng Covid-19 quay trở lại châu Âu

N
Ngọc Mai
Phản hồi: 0
Châu Âu một lần nữa trở thành tâm điểm của đại dịch khi số ca mắc Covid-19 tăng lên không ngừng những tuần gần đây, khiến hệ thống y tế nhiều nước rơi vào tình trạng báo động.
Dù đã tiêm chủng nhiều vaccine cho người dân nhất trên thế giới, hàng loạt quốc gia châu Âu liên tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 phá kỷ lục trong những ngày gần đây, theo Bloomberg.
Một số nước Đông Âu như Romania và Bulgaria chứng kiến tỷ lệ tử vong cao ở mức báo động, hệ thống chăm sóc y tế quá tải và trên bờ vực sụp đổ.
Diễn biến dịch bệnh ở châu Âu tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh chủng ngừa vaccine Covid-19 cho người dân, không chỉ là tiêm đủ liều, mà giờ là tiêm mũi nhắc lại.
Trong khi chính phủ nhiều quốc gia châu Âu không muốn tái áp đặt lệnh phong tỏa, một số nước như Latvia buộc phải khôi phục các biện pháp hạn chế bởi không có nhiều sự lựa chọn khác.

Dịch bùng phát mạnh ở Tây Âu​

Đức có tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine đạt 67% dân số. Tuy nhiên, nước này đang đối mặt làn sóng dịch bệnh thứ 4 và cũng là làn sóng tồi tệ chưa từng có. Số người mắc mới Covid-19 đạt mức kỷ lục là 37.640 hôm 4/11. Tại một số khu vực điểm nóng, các bệnh viện bắt đầu quá tải.
Chính phủ Đức phải kêu gọi người trưởng thành mọi lứa tuổi khẩn trương tiêm mũi vaccine tăng cường nếu đã qua 6 tháng kể từ khi họ được tiêm mũi thứ 2.
Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết tiêm vaccine có thể sớm trở thành luật chứ không còn là sự lựa chọn của người dân.
Ác mộng Covid-19 quay trở lại châu Âu
Đức đang đối mặt làn sóng dịch bệnh tồi tệ chưa từng có. Ảnh: AP.
Với khoảng 16 triệu người trong độ tuổi tiêm vaccine tới nay vẫn từ chối chủng ngừa, chính phủ Đức không có nhiều lựa chọn khác, ngoài tăng cường bảo vệ cho những người sẵn sàng tiêm chủng.
Nỗ lực kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh càng trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh chuyển giao quyền lực.
Chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel bắt đầu mất dần ảnh hưởng sau khi Liên minh Dân chủ Cơ đốc mất thế đa số trong cuộc bầu cử vừa qua. Lúc này, đảng Dân chủ Xã hội đang tìm cách thành lập một chính phủ liên minh mới.
Tại Anh, dịch bệnh lập đỉnh mới vào tháng 10, theo một nghiên cứu trên quy mô lớn của Trường Imperial College London. Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cảnh báo công chúng phải cẩn trọng khi thời tiết chuyển sang mùa đông.
Tháng trước, Anh khởi động chiến dịch tiêm vaccine ngừa cúm lớn nhất trong lịch sử, nhằm tránh rủi ro số ca Covid-19 và cúm cùng gia tăng trong một khoảng thời gian.
Hiện nay, Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) tại Anh đã khởi động tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân mà không cần đặt lịch hẹn trước. Anh cũng là nước đầu tiên phê duyệt sử dụng viên uống điều trị Covid-19 của hãng dược phẩm Merck.
Đan Mạch - nơi 75% người dân đã tiêm đủ liều vaccine - ghi nhận số ca mắc Covid-19 mỗi ngày tăng gấp đôi chỉ trong 10 ngày qua. Số ca bệnh nặng phải nhập viện cũng tăng nhanh.
Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Soren Brostrom hôm 4/11 kêu gọi chính phủ tái áp đặt một số biện pháp hạn chế phòng dịch, bao gồm việc sử dụng hộ chiếu vaccine tại các sự kiện công cộng.
Italy - tâm dịch đầu tiên của châu Âu khi dịch bệnh mới bùng phát - đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trở lại tại các khu vực phía bắc, bao gồm Veneto và Friuli Venezia Giulia, liên quan tới các cuộc biểu tình phản đối chính sách thẻ xanh y tế.
Làn sóng dịch bệnh gia tăng trở lại khiến giới chức Italy phải tăng cường các nỗ lực thuyết phục người dân tiêm vaccine.
Tại Pháp, các biện pháp hạn chế của chính phủ đã phát huy hiệu quả khi giữ số ca mắc Covid-19 ở mức thấp trong nhiều tháng. Nhưng hiện nay, dịch bệnh một lần nữa quay trở lại.
Giới chức các địa phương trên cả nước tái áp đặt quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại các trường học. Trong khi đó, Tổng thống Emmanuel Macron dự kiến có bài phát biểu về tình hình dịch bệnh trước toàn dân trong ngày 9/11.
Ác mộng Covid-19 quay trở lại châu Âu
Cảnh sát Pháp kiểm tra hộ chiếu vaccine của khách hàng tại một quán cà phê. Ảnh: AFP.
Chính sách hộ chiếu vaccine - yêu cầu người dân có giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 khi đến nhà hàng, rạp phim, địa điểm công cộng khác - đã giúp Pháp nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine, giữ số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 tương đối thấp so với các nước láng giềng.
Hôm 5/11, Quốc hội Pháp thông qua đạo luật kéo dài thời gian hiệu lực của hệ thống hộ chiếu vaccine tới tháng 7/2022. Nhà chức trách kêu gọi người cao tuổi sớm tiêm mũi vaccine tăng cường.
Ireland đang ghi nhận số ca mắc Covid-19 mỗi ngày cao nhất kể từ tháng 1. Trước tình thế đó, chính phủ Ireland hủy bỏ kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch.
Hôm 5/11, Phó thủ tướng Leo Varadkar cho biết không loại trừ khả năng sẽ có thêm các biện pháp hạn chế mới được ban bố nếu hệ thống y tế tiếp tục chịu thêm sức ép do Covid-19 gây ra.

Hệ thống y tế nhiều nước quá tải​

ỞHy Lạp, số ca mắc Covid-19 mỗi ngày đã 5 lần phá kỷ lục chỉ trong 6 ngày vừa qua. Chính phủ Hy Lạp vừa công bố hàng loạt hạn chế chống dịch mới. Những người chưa tiêm chủng giờ phải có giấy xác nhận xét nghiệm Covid-19 âm tính khi đến một số cửa hàng, tiệm làm đẹp, quán ăn.
Tuy vậy, biện pháp hạn chế mới không áp dụng với siêu thị và nhà thờ, khiến nhiều chuyên gia chỉ trích cách phản ứng với làn sóng dịch bệnh hiện nay của nhà chức trách Hy Lạp.
Tại Hungary, chiến dịch tiêm chủng chậm chạp, cũng như thiếu các biện pháp phòng ngừa Covid-19 hiệu quả, khiến nước này ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Quốc gia 9 triệu dân ghi nhận trung bình 4.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày trong tuần qua.
Thủ tướng Viktor Orban đang tìm cách siết chặt một số biện pháp hạn chế phòng dịch, như bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng.
Các doanh nghiệp được phép yêu cầu người lao động chứng minh đã tiêm vaccine, hoặc có thể cho họ nghỉ việc không lương nếu từ chối.
Ác mộng Covid-19 quay trở lại châu Âu
Các bệnh viện tại Romania quá tải. Ảnh: Reuters.
Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia hôm 5/11, Thủ tướng Orban nói các biện pháp hạn chế khác có thể được ban bố trong thời gian tới.
Cộng hòa Czech vừa trải qua tuần dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ tháng 3. Các bệnh viện ghi nhận số ca nhập viện vì Covid-19 cao nhất trong vòng 6 tháng, trong khi số trường hợp tử vong cũng đang tăng lên.
Để gây sức ép lên nhóm chưa tiêm vaccine, nhà chức trách siết chặt kiểm soát tại các nhà hàng, bảo tàng, rạp phim, phòng tập thể thao. Tuy vậy, chính phủ Czech không sẵn sàng áp đặt những biện pháp giãn cách xã hội khắc nghiệt hơn hoặc đóng cửa một phần nền kinh tế.
Tuần qua, Romania ghi nhận tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới. Việc các bệnh viện hết chỗ khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 phải nằm lại trên xe cứu thương hoặc được điều trị tại các hành lang. Một số bệnh nhân phải thở dưỡng khí ngay trong ôtô cá nhân.
Bulgaria, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất khối EU, trải qua tuần lễ chết chóc chưa từng có vì dịch bệnh với hơn 1.000 ca tử vong.
Chính phủ Bulgaria đang tìm cách siết chặt các biện pháp kiểm soát phòng dịch nhưng tránh phong tỏa, bởi nước này chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 14/11.
Trong khi đó, chính phủ Croatia tái áp đặt hàng loạt biện pháp hạn chế sau khi ghi nhận 6.932 ca mắc Covid-19 hôm 5/11, mức cao kỷ lục. Các sự kiện tập trung trên 50 người bị cấm. Công chức Croatia bắt buộc phải tiêm vaccine Covid-19, hạn chót là 15/11.
Nguồn: Zingnews
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top