VNR Content
Pearl
Vụ việc ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu vẫn tiếp tục là tâm điểm trên thị trường chứng khoán trong vài ngày qua cho dù thương vụ này đã bị Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) ra quyết định hủy. 1. Bán “chui” cổ phiếu là một vấn nạn không nhỏ và kéo dài dai dẳng tại Việt Nam từ trước đến nay. Đặc biệt, các vụ bán chui càng lớn lại thuộc về những người có vị trí tại các doanh nghiệp niêm yết và có sự ảnh hưởng đối với thị trường chứng khoán. Những vụ bán chui với khối lượng cổ phiếu lên đến hàng chục triệu, nhưng xưa nay, mức phạt thường chỉ vài chục triệu đồng, chẳng thấm tháp vào đâu so với món lợi thu về được từ hành vi bán chui. Nhưng vụ ông Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC vừa qua đã đánh dấu sự thay đổi trong việc chế tài và xử lý. HoSE ra quyết định hủy bỏ thương vụ của ông Quyết, cùng với đó Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra lệnh phong tỏa các tài khoản giao dịch của ông Quyết, là động thái xử lý mạnh mẽ nhất chưa từng có tiền lệ từ trước tới nay trong khuôn khổ những chế tài được pháp luật hiện hành quy định. Một phần, vụ bán chui quá lộ liễu. Tranh thủ lúc cổ phiếu FLC được đẩy giá lên tới vài chục phần trăm chỉ trong 4 phiên tăng liền trước ngày 10.1.2022, ông Quyết liền xả hàng “phủ” lên nhà đầu tư, khiến cho giá cổ phiếu FLC ngay lập tức đảo chiều trên Sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX), từ mức tăng trần chuyển sang mức giảm sát sàn khi kết phiên giao dịch cùng ngày. Thế nhưng trong giải trình sau khi vụ việc vỡ lở, phía FLC lại đổ lỗi việc không công bố thông tin và không thông báo cho các cơ quan quản lý là do bộ phận thư ký “quên”. Tất nhiên chẳng ai lại đi tin vào lập luận như trò đùa rằng bán ra tới 74,8 triệu cổ phiếu trị giá hơn 1.000 tỉ đồng lại “quên” thủ tục báo cáo. Chẳng qua, ông Quyết chỉ chờ chực chớp thời cơ lén xả một khối lượng lớn cổ phiếu khiến nhà đầu tư (đặc biệt là những người đang ôm mã FLC) không kịp trở tay. Ông Quyết chỉ nhăm nhăm gom tiền về cho mình mà bất chấp nhiều nhà đầu tư đang mong muốn “mang tiền về cho mẹ”. Dư luận càng bức xúc, nhà đầu tư phẫn nộ cực độ, cơ quan chức năng càng có lý do để xử lý nghiêm. Thông tin mới nhất tới thời điểm kết phiên giao dịch ngày 13.1, chỉ số “Q-Index” với các mã thuộc về và liên quan FLC đang giảm giá thảm hại.
Ông Trịnh Văn Quyết - tâm điểm của vụ bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC. 2. Không chỉ cần phải xử lý nghiêm trường hợp bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết. Từ việc xử lý trường hợp này, cần thiết lập một thông lệ xử lý trên cơ sở các quy định chế tài hiện hành của pháp luật và quy chế hoạt động của các sở giao dịch chứng khoán. Đó là, bất kể khối lượng giao dịch như thế nào, cứ hễ bán chui là cần phải hủy giao dịch, đồng thời với việc xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền. Với những vụ việc nghiêm trọng hơn, như trường hợp bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết mới đây, cũng cần xem xét thiệt hại của các nhà đầu tư liên quan và buộc người gây ra thiệt hại đó phải đền bù. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng nên xem xét các dấu hiệu hình sự của vụ việc vì sự tác động lan tỏa của nó ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Nhìn chung, các mức chế tài liên quan tới giao dịch chứng khoán tại Việt Nam từ trước tới nay chưa đủ mạnh và nghiêm, vì thế chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt đối với những vụ việc mà cá nhân chủ thể vi phạm là các nhà đầu tư lớn lắm tiền nhiều bạc, việc phạt hành chính bằng tiền vài chục triệu đồng hay mức tối đa 1,5 tỉ đồng cũng chẳng thấm tháp đối với họ. Chưa biết các nhà đầu tư đang ôm hàng FLC sẽ còn héo hắt vì thiệt hại tới đâu trong mạch lao dốc của mã cổ phiếu này trước tình trạng đang mất thanh khoản. Kết thúc 3 phiên giao dịch từ ngày 11-13/1/2022, hàng chục triệu cổ phiếu FLC dư bán ở mức giá sàn và trắng bên mua. Với 4 phiên giảm mạnh và giảm sàn liên tục như vậy, những nhà đầu tư đu đỉnh theo cổ phiếu FLC và đã bị tác động tiêu cực từ vụ bán “chui” của ông Trịnh Văn Quyết đang chịu tỉ lệ thua lỗ lên tới 2 con số. Ngoại trừ những nhà đầu tư mua cổ phiếu từ tài khoản ông Quyết bán ra mới được hủy và hoàn lại tiền, các nhà đầu tư còn lại giao dịch cổ phiếu FLC trước thời điểm ngày 11/1 chẳng được bù đắp gì cho dù ông Trịnh Văn Quyết đã bị hủy giao dịch và phong tỏa tài khoản chứng khoán. Vụ việc này thêm một lần nữa cho thấy, bài học đắt giá về tình trạng bầy đàn lao theo các cổ phiếu đầu cơ đang tăng giá nóng trên thị trường bất chấp các số liệu về kết quả kinh doanh có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Nếu không lao theo bầy đàn vào các cổ phiếu đầu cơ đang tăng giá nóng, nhà đầu tư chắc chắn sẽ không bị thiệt hại như những gì đang xảy ra trên thực tế với trường hợp mã cổ phiếu FLC trong vòng xoáy vụ bán “chui” của ông Trịnh Văn Quyết. Dạ Thảo