Báo chí góp phần “chuyển đổi xanh”

Ánh Mai

Editor
Chuyển đổi xanh trong báo chí là góp phần to lớn trong việc giảm lượng giấy, tức là giảm lượng cây bị hạ đốn, giảm khí thải carbon từ các nhà máy in, ta sẽ yên lòng mà thúc đẩy báo điện tử phát triển mạnh hơn.
1718786659018.png

1-Khoảng năm 59 trước Công nguyên, tờ truyền tin Acta Diurna của người La Mã đã xuất hiện và được xem là tờ báo đầu tiên trên thế giới. Nhưng Italia mới là những người đầu tiên có ý tưởng về báo giấy. Những tờ báo đầu tiên xuất hiện ở Italia không gọi là newspaper như ngày nay mà được gọi là gazette - nghĩa là công báo, tức báo của chính phủ. Nếu Italia là nơi đầu tiên khai sinh ra báo giấy, nhưng chỉ viết bằng tay thì người Anh là người đầu tiên cho ra đời loại báo in. Johann Gutenberg, một nhà phát minh người Anh đã có công lao to lớn khi cho ra đời chiếc máy in vào năm 1447, đặt nền tảng cho kỷ nguyên phát triển báo chí hiện đại. Báo chí đã trở thành phương tiện thông tin cơ bản và hữu ích nhất, mỗi ngày cả thế giới có khoảng hơn 30 triệu tờ báo in mang thông tin tới mọi người.

Với nước ta, hiện cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, là báo Nhân Dân, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo công an nhân dân mà ở đó có số lượng báo in rất lớn, cùng 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, có báo in và bản điện tử.

Báo in cần nguồn giấy rất lớn. Trừ một số loại giấy như giấy in tiền được sản xuất từ cây bông, còn tất cả các loại giấy đều làm từ cây xanh. Vì vậy, ngành công nghiệp giấy vẫn gắn liền với phát triển lâm nghiệp. Một cái cây làm ra được bao nhiêu tờ giấy? Có một phép tính mà các nhà nghiên cứu về giấy từ lâu đã đưa ra: Cứ 126 kg gỗ làm ra được 71,8 kg bột giấy. Một tờ giấy khổ A4 có kích thước 0,297m x 0,21m và lấy số gram định lượng là 75g/m2 thì mỗi tờ giấy sẽ có khối lượng 4,7g. Như vậy 1 cái cây sẽ sản xuất được khoảng 15.277 tờ giấy khổ A4.

“Sách, báo in là cây đã chết”- các nhà nghiên cứu đã nói như vây quả không sai. Việc xuất bản báo in cùng với sách như một cái máy ngốn cây liên tục không thể dừng và có vô vàn câu chuyện về giấy in sách, báo đã “giết” cây như thế nào. 2 con số giúp ta hình dung về số lượng cây đã “chết” để có bộ truyện Harry Potter nổi tiếng của nhà văn J. K. Rowling. Cách đây hơn 20 năm, khoảng 110.000 cái cây đã ngã xuống để in tập 5 bộ truyện mới đó nhằm mang câu chuyện về cậu bé phù thủy đến với người hâm mộ khắp thế giới. Đến năm 2021, có khoảng 65 triệu trang Harry Potter được bán trên toàn cầu, tương đương 5 triệu cây bị hạ đốn! Còn báo in, nếu mỗi ngày có khoảng hơn 30 triêụ tờ báo xuất bản, trung bình mỗi tờ báo 16 trang khổ lớn, thì tương đương với 1 cuốn Harry Potter, vậy cứ 2 ngày là có 5 triệu cái cây bị hạ đốn.

Làm sao để không “giết” cây? Một trong các giải pháp được bàn luận nhiều nhất là in sách, báo từ giấy tái chế. Một nhà máy ở Arizona (Mỹ) tái chế báo cũ 100%, nghe có vẻ ấn tượng, nhưng cường độ phát thải CO2 lại rất cao. Và thực tế cho thấy, giấy cuộn tái chế in báo rất hay bị đứt làm cho tốc độ in chậm và lãng phí lớn. Còn in sách, in nhiều màu trên giấy tái chế đắt hơn so với in một màu. Kể từ khi có máy đọc sách Amazon Kindle đầu tiên năm 2007, người ta bắt đầu nghĩ tới sách điện tử, E-book thay thế sách in, để cứu cây, nhưng hóa ra máy đọc sách lại chẳng thân thiện với môi trường hơn người anh em giấy trắng mực đen là bao. Kindle hay máy đọc sách nào thì cũng là thiết bị điện tử - chúng cũng có tác động môi trường như laptop hay smartphone khi phải khai thác tài nguyên thiên nhiên, rồi thải rác điện tử.

2- Giờ đây, kinh tế không chỉ cần tăng trưởng cao mà còn phải phát triển nhân văn. Xu hướng “chuyển đổi số” và “chuyển đổi xanh” là điều tất yếu, không thể dừng lại. Chuyển đổi xanh không chỉ là chuyện của những cam kết chính trị như cam kết của Việt Nam ở Cop26, cam kết giữa các quốc gia như trong các hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, EVFTA… mà nó đang trở thành đòi hỏi của thị trường, được dẫn dắt bởi thị trường. Thị trường không chỉ thuần túy đòi hỏi sản phẩm có chất lượng, an toàn thực phẩm mà còn những đòi hỏi mới như giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Theo điều tra mới đây, tại các thành phố lớn của việt Nam, thế hệ tiêu dùng xanh nhiều nhất là gen Y và gen Z, họ đang tiêu dùng rất xanh, rất văn minh. Và người tiêu dùng Việt Nam sẽ suy nghĩ như người dân một số nước công nghiệp phát triển, về chi phí môi trường của những gì họ mua. Rằng, có bao nhiêu carbon được lưu trữ trong một cuốn sách, một tờ báo, nhất là báo in nhiều mầu là điều họ cân nhắc và là thứ ảnh hưởng đến những gì họ chọn đọc.

Những năm cuối thế kỷ XX, báo in ở nước ta đang “được mùa” mà nhiều chuyên gia truyền thông đã dự báo vào khoảng năm 2050, báo in chuyên về tin tức sẽ không còn tồn tại, mà chuyển thành các tạp chí. Chưa có thông kê kê đầy đủ về số lượng báo in dừng xuất bản, nhưng tất cả các cơ quan báo chí đều đã chuyển sang đa loại hình, trong đó nổi bật là kênh xuất bản điện tử, số lượng báo in giảm rất nhiều. Nhìn vào số giấy in thấy, nếu năm 2010, cả nước tiêu thụ hơn 45.000 tấn giấy in báo thì năm 2023, giấy in báo chưa tới 1.000 tấn. Nghĩa là báo chí đã hạn chế “giết cây”và giảm lượng phát thải carbon từ các nhà máy in. Một số tờ báo in xót xa khi số lượng giảm sút mạnh, vì mất đi nguồn thu chính theo lối truyền thống, trong khi bản điện tử còn ít người đọc, không thu được tiền quảng cáo để bù lại, nên việc “nuôi” đội ngũ làm báo rất chật vật.

Thu phí đọc báo điện tử là một xu hướng của thế giới trong thời chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Trên thế giới tờ Washington Post, Lemonde và nhiều báo in ở châu Âu và Bắc Mỹ … sản lượng báo in còn rất ít. Hầu hết các tờ báo lớn đều đã thu phí bản điện tử với giá khoảng 0,25 UDS/tuần và 20 USD/năm.

Ở nước ta, báo điện tử “VietnamPlus” của Thông tấn xã Việt Nam, năm 2012 đã thử nghiệm thu phí và chính thức thu từ tháng 11-2018, trở thành người tiên phong thu phí đọc nội dung trên nền tảng số. Các bài viết thu phí của VietnamPlus có nội dung phân tích chuyên sâu, phỏng vấn độc quyền… do tòa soạn tự sản xuất hoặc dịch lại theo nhượng quyền của các đơn vị báo chí lớn trên thế giới. Tiếp đó, “Ngày Nay”- cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam, là tạp chí điện tử đầu tiên ở Việt Nam thu phí người đọc. Để có thể đọc và lưu trữ những bài báo trong chuyên mục “Special Today”, bạn đọc trả phí với các gói thấp nhất là 10.000 đồng/tuần hay 25.000 đồng/tháng.

Cuộc chuyển đổi nào mà chẳng phải qua nỗi vất vả, cực nhọc. Nhưng nghĩ tới chuyển đổi xanh trong báo chí là góp phần to lớn trong việc giảm lượng giấy, tức là giảm lượng cây bị hạ đốn, giảm khí thải carbon do in ấn ta sẽ yên lòng mà thúc đẩy báo điển tử phát triển mạnh hơn để có thể thu phí bạn đọc, khi báo giấy sẽ còn rất ít.

ĐĂNG NGỌC
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top