Báo động ô nhiễm nhựa: Nhựa đã có ở trên độ cao hơn 3000 mét

Các hạt nhựa li ti có mặt khắp nơi trên hành tinh: ở đáy đại dương, trong các công viên quốc gia và theo một báo cáo nghiên cứu gần đây, những hạt nhựa này còn được tìm thấy ở các vùng cao chót vót của dãy Alps ở Châu Âu.
Báo động ô nhiễm nhựa: Nhựa đã có ở trên độ cao hơn 3000 mét
Một trạm thông gió tại Đài quan sát Pic du Midi trên dãy núi Pyrenees của Pháp
Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào nhựa lại có mặt ở một nơi cao như thế? Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications, các hạt nhựa này đã được đưa đến đó từ những nơi xa xôi, gây ô nhiễm nhẹ cho cả những nơi không có người ở.
Steve Allen, nhà khoa học môi trường tại Đại học Strathclyde ở Glasgow và là tác giả chính của báo cáo cho biết trong một email: “Vô số những hạt vi nhựa đã được phát hiện trong khoảng không phía trên những đám mây, hay còn gọi là “tầng đối lưu tự do” (free troposphere). Chúng tôi nhận thấy những hạt vi nhựa này đang di chuyển xuyên lục địa và xuyên Đại Tây Dương.”
Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy vi nhựa tại Đài quan sát Pic du Midi, nằm ở độ cao gần 10.000 feet (3.050m) trên dãy núi Alps của Pháp. Trong suốt 4 tháng, các nhà nghiên cứu đã hút không khí từ tầng đối lưu của Trái đất và lọc lấy bất kỳ thứ gì không phải là không khí. Họ tính toán rằng, có khoảng 1 hạt vi nhựa cho mỗi 141 feet khối (4 mét khối) không khí. Sau đó, họ sử dụng kính hiển vi laser để tìm ra loại nhựa nào đã đọng lại trên đỉnh của dãy Alps. Hầu hết các hạt nhựa mà họ xác định đều là loại polyme polystyrene hoặc polyethylene từ bao bì.
Báo động ô nhiễm nhựa: Nhựa đã có ở trên độ cao hơn 3000 mét
Một phần của máy hút hạt mịn tại Đài quan sát Pic du Midi
Đề cập đến các hạt nhỏ như tro núi lửa, muối biển và các hạt ô nhiễm bị cuốn vào bầu khí quyển, Allen cho biết: “Những hạt này lan tỏa trong không khí như cách hơi nước bay ra từ bình xịt. theo nghiên cứu của chúng tôi, vi nhựa theo hơi nước rời khỏi biển và bay trong không khí ở độ cao hàng nghìn mét, chúng có thể đáp đất sau khoảng thời gian tối đa 1 tuần nhưng rất hiếm khi tìm được ‘nơi an nghỉ cuối cùng’. Dù hạ cánh ở đâu, chúng có thể lại tiếp tục bay lên, đi xa tới hàng nghìn km, và cứ lặp lại như thế”.
Nhóm nghiên cứu tiết lộ, các khu vực là nơi bắt nguồn của vi nhựa gồm có: Châu Âu, Bắc Phi, Biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Một số hạt thậm chí có thể đến từ những nơi xa như Hoa Kỳ và Canada. Mặc dù mức độ vi nhựa mà nhóm nghiên cứu phát hiện được không nguy hiểm, nhưng đây là bằng chứng cho thấy mức độ ô nhiễm gây ra bởi con người.
Nếu chúng ta tính đến tốc độ phân hủy chậm chạp của nhựa, có thể tưởng tượng ra bức tranh khá ảm đạm về tương lai của Trái đất. Thậm chí rất lâu sau khi loài người biến mất khỏi Trái đất, có lẽ chúng ta sẽ để lại dấu ấn của mình trong lớp màng vi nhựa mỏng bao phủ hành tinh.
Theo Gizmodo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top