Bên trong iPhone 13 Pro Max: Cuộc chiến thúc đẩy hiệu năng khiến giá linh kiện tăng vọt

H
Hùng Lê
Phản hồi: 0
Trong khoảng 10 năm qua, tổng chi phí của mọi linh kiện trong 1 chiếc iPhone đã tăng từ khoảng 23% giá bán lên 36% hoặc thậm chí là hơn. Chỉ riêng chi phí camera của iPhone 13 Pro Max đã tăng gấp 10 lần so với thời điểm đó.
Bên trong iPhone 13 Pro Max: Cuộc chiến thúc đẩy hiệu năng khiến giá linh kiện tăng vọt
Để tìm hiểu những linh kiện và mức tăng giá này đến từ đâu, Nikkei Asia và Financial Times đã hợp tác cùng với các chuyên gia đến từ Fomalhaut Techno Solutions nhằm tháo toàn bộ chiếc smartphone cao cấp mới nhất của Apple, đó là iPhone 13 Pro Max. Kết quả cho thấy, Apple dường như đang hi sinh biên lợi nhuận của mình nhằm cải thiện hiệu năng khi phải đối phó với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ.
Tổng giá linh kiện bên trong đã cao hơn 2,5 lần so với 10 năm trước, vượt quá mức tăng 60% đối với mức giá bán lẻ thiết bị. Chi phí camera đã tăng gấp 10 lần, trong khi mức giá bán dẫn lại cao hơn gấp 3. Việc sử dụng vật liệu tái chế của điện thoại cũng tăng lên, thể hiện sự tập trung của Apple trong các vấn đề về môi trường.
Bên trong iPhone 13 Pro Max: Cuộc chiến thúc đẩy hiệu năng khiến giá linh kiện tăng vọt

Màn hình OLED do Samsung sản xuất: 105 USD​

iPhone 13 Pro Max sử dụng màn hình OLED do Samsung Electronics. Mức giá màn hình rơi vào khoảng 105 USD, đắt đỏ hơn nhiều so với bất kỳ thành phần nào khác. Màn hình này được bảo vệ bởi lớp kính cường lực phủ gốm của Corning, tương tự như thế hệ tiền nhiệm. Lớp kính này được Apple và Corning hợp tác phát triển, có khả năng chống va đập và chống vỡ cực kỳ cao.

Cụm camera chính: 77 USD​

iPhone 13 Pro Max sở hữu 3 camera sau, mỗi camera lại có một chức năng riêng, bao gồm tele, góc rộng tiêu chuẩn và siêu rộng. Camera tele được trang bị khả năng zoom quang 3x. Bên cạnh đó, chiếc smartphone này cũng có thêm chức năng chụp ảnh macro, cho phép người dùng chụp ảnh vật thể từ khoảng cách tối thiểu 2cm. Sony vẫn là công ty cung cấp cảm biến cho Apple. Chi phí của cụm camera này ước tính vào khoảng 77 USD. Mức giá và kích thước của mô-đun này đã tăng lên đáng kể.

Hệ thống chống rung hình ảnh quang học và dịch chuyển cảm biến​

Hệ thống chống rung hình ảnh giúp hạn chế tình trạng mờ nhòe bằng cách cho phép ống kính dịch chuyển tương đương với những chuyển động trong quá trình chụp. Mô-đun này cho phép người dùng chụp ảnh ngay cả trong bóng tối.
Bên cạnh đó, Apple cũng áp dụng một hệ thống khác nhằm đảm bảo mức độ chống rung tốt nhất, đó chính là chức năng dịch chuyển cảm biến bên trong camera góc rộng. Camera vẫn có khả năng chống sốc, dù ống kính ngày càng lớn hơn và nặng hơn. Hệ thống này sử dụng 1 nam châm cũng như 1 cuộn dây, và khi dòng điện chạy qua cuộn dây, cảm biến hình ảnh sẽ được dịch chuyển.

Cảm biến LiDAR hỗ trợ các chức năng AR​

Cảm biến LiDAR sẽ xác định khoảng cách của một vật thể cũng như hình dạng của nó bằng cách sử dụng một chùm tia laser vô hình. Dù công nghệ này được sử dụng phổ biến trong các phương tiện tự lái, thế nhưng, nó cũng đã được áp dụng cho smartphone do chi phí linh kiện giảm xuống. Nó cũng có thể hữu dụng cho việc chụp ảnh trong bóng tối cũng như đối với các hệ thống thực tế tăng cường trong smartphone. Lần đầu tiên Apple áp dụng cảm biến LiDAR là trên dòng iPhone 12 Pro ra mắt vào hồi năm ngoái.
Bên trong iPhone 13 Pro Max: Cuộc chiến thúc đẩy hiệu năng khiến giá linh kiện tăng vọt

Bo mạch chủ có thiết kế tối giản​

Bo mạch chủ khá nhỏ, chiếm khoảng 15% tổng diện tích của thiết bị. So với những chiếc smartphone từ các nhà sản xuất khác, iPhone có nhiều thành phần hơn trong 1 bảng mạch nhỏ, phản ánh cách tiếp cận tối giản mà nhà sáng lập Apple Steve Jobs yêu thích. Để tăng mức độ tinh xảo, Apple đã áp dụng các công nghệ tiết kiệm không gian của riêng mình.

Bộ nhớ flash có xuất xứ từ Nhật Bản​

iPhone 13 Pro Max sử dụng bộ nhớ flash của Kioxia để lưu trữ lưu trữ ảnh, video cùng nhiều dữ liệu khác. Dù các công ty Hàn Quốc như Samsung Electronics rất mạnh về chip nhớ flash, thế nhưng, Apple lại chọn sản phẩm của nhà sản xuất bán dẫn Nhật Bản.

Đầu não A15 Bionic được lắp đằng sau bo mạch chủ: 45 USD​

Con chip A15 Bionic do Apple thiết kế được coi là bộ não của iPhone 13 Pro Max. Con chip này được sản xuất dựa trên tiến trình 5nm của TSMC. Đây là công nghệ sản xuất tiên tiến nhất hiện nay và được sử dụng trong nhiều con chip smartphone cao cấp. Với mức giá 45 USD, A15 Bionic chiếm 10% tổng chi phí của điện thoại. Các con chip A-series được Apple tự thiết kế nhằm tối ưu hóa cho iPhone, cải thiện hiệu năng của chúng hơn nữa.

Sự hiện diện của Qualcomm vẫn rất mạnh mẽ​

Tương tự thế hệ đàn anh, iPhone 13 Pro Max cũng sử dụng chip modem 5G do Qualcomm thiết kế. Dù Apple đã mua lại mảng kinh doanh modem của Intel hồi năm 2019 và đã tích lũy được những công nghệ của mình kể từ đó, thế nhưng, Qualcomm hiện vẫn được đánh giá cao hơn. Các con chip của Qualcomm cũng được sử dụng trong những chiếc smartphone do Xiaomi và Samsung sản xuất.

Pin do công ty Sunwoda đến từ Trung Quốc cung cấp​

Dung lượng pin lithium-ion bên trong iPhone 13 Pro Max hiện cao hơn 20% so với thế hệ năm ngoái. Sunwoda Electronic (Trung Quốc) là công ty sản xuất viên pin này. Sunwoda không chỉ sản xuất pin cho smartphone và tablet mà còn cho cả ô tô. Dù xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu kết thúc, Apple vẫn tiếp tục tận dụng các sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc – nơi có nheièu nhà sản xuất cạnh tranh về chi phí.

Keo dán chặt hơn, khiến việc tháo gỡ thiết bị khó khăn hơn​

Bên trong iPhone 13 Pro Max: Cuộc chiến thúc đẩy hiệu năng khiến giá linh kiện tăng vọt
Phần khó khăn nhất trong quá trình mổ bụng chính là tách màn hình ra khỏi thân điện thoại. Thông thường, để mổ bụng, thiết bị cần được khò nóng nhằm làm mềm keo sau khi tháo ốc màn hình ra khỏi thân máy. Các thành phần sau đó được tách rời ra bằng cách sử dụng công cụ hút. Những chiếc iPhone mới, bao gồm dòng iPhone 12 và iPhone 13, có kết cấu keo chắc chắn hơn so với các chiếc điện thoại cũ, có thể nhằm mục đích tăng cường khả năng chống nước của chúng.

Màn hình chiếm 20% chi phí, camera 17,6%​

Quá trình mổ bụng cho thấy màn hình là thành phần đắt đỏ nhất, với mức giá 105 USD, tiếp theo là mô-đun camera có giá 77 USD và 45 USD đối với chipset chính. Tổng chi phí linh kiện của iPhone 13 Pro Max đạt 438 USD, tương đương 36,5% giá bán lẻ.

Có bao nhiêu công nghệ của riêng Apple bên trong thiết bị?​

Apple bắt đầu trang bị những con chip tùy biến của riêng mình cho iPhone từ năm 2010 với chiếc iPhone 4. iPhone 13 Pro được trang bị bộ xử lý A15 Bionic mới nhất.
Apple đã bắt đầu thiết kế chip quản lý năng lượng (PMIC) của riêng mình từ năm 2017, và đến năm 2018, nhà Táo mua lại bộ phận kinh doanh chip quản lý năng lượng của nhà cung cấp chính Dialog. iPhone 13 Pro được trang bị các PMIC từ Qualcomm và STMicroelectronics, nhưng 3 PMIC bên trong thiết bị do Apple (Apple/Dialog) sản xuất. Hồi năm 2019, Apple đã chi 1 tỉ USD nhằm mua lại bộ phận kinh doanh modem của Intel với mục tiêu thay thế công nghệ di động 5G của Qualcomm trong tương lai.

iPhone 13 Pro Max có dễ để sửa chữa không?​

Bất chấp những cam kết mang tính bền vững, Apple ngày càng làm khó quá trình sửa chữa iPhone hơn.
Kể từ iPhone 12, người dùng không thể hoán đổi các thành phần chính từ iPhone này sang iPhone khác bởi mỗi linh kiện giờ đây đã có một số sê-ri riêng để điện thoại có thể nhận biết các bộ phận đã bị thay đổi hay chưa. Khi Hugh Jeffreys, một người ủng hộ “quyền sửa chữa”, hoán đổi bo mạch logic trên 2 chiếc iPhone 13 Pro cho nhau, camera đã trở nên không ổn định, hệ thống nhận dạng khuôn mặt Face ID ngừng hoạt động và không còn khả năng thích ứng màu True Tone.
Việc mở iPhone 13 chỉ cần đến một vài công cụ bẩy, hút cũng như khò nhiệt. Các chuyên gia lưu ý rằng Apple hiện sử dụng ngày các nhiều các linh kiện tùy biến, chẳng hạn như những con vít không theo tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, Apple dán chặt vĩnh viễn phần kính sau vào điện thoại và nếu mặt kính đó của điện thoại bị vỡ, Apple sẽ thu phí sửa chữ lên đến 599 USD đối với iPhone 13 Pro Max.
Bên trong iPhone 13 Pro Max: Cuộc chiến thúc đẩy hiệu năng khiến giá linh kiện tăng vọt
Apple ngày càng sử dụng các linh kiện tùy biến phức tạp, chẳng hạn như nhiều loại ốc vít không theo tiêu chuẩn

iPhone 13 Pro có thực sự thân thiện với môi trường?​

Apple cho biết, iPhone 13 Pro là sản phẩm đầu tiên của Apple sử dụng 100% vàng tái chế để mạ bảng mạch logic chính. iPhone 12 là chiếc điện thoại đầu tiên được làm bằng tungsten (Wolfram) tái chế. iPhone 11 là chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng các nguyên tố đất hiếm tái chế đối với phần nam châm của nó. iPhone XS đã sử dụng 35% nhựa tái chế trong phần vỏ loa và 32% nhựa sinh học trong khung kính bảo vệ bên ngoài.

Biên lợi nhuận cao nhờ sức mạnh thương hiệu của Apple​

Bên trong iPhone 13 Pro Max: Cuộc chiến thúc đẩy hiệu năng khiến giá linh kiện tăng vọt
Bảng so sánh với những chiếc smartphone khác
Tổng chi phí linh kiện bên trong smartphone đã tăng lên khi các thiết bị ngày càng trở nên tinh vi hơn. Tỉ lệ chi phí 36,5% của iPhone 13 Pro Max là tương đối thấp so với mức 39,4% của Samsung, 51% đối với Huawei và 44,9% đối với Google. Điều đó cho thấy Apple phụ thuộc rất nhiều vào sức mạnh thương hiệu để đạt được lợi nhuận của mình.

Sự thay đổi tỉ lệ chi phí linh kiện/giá bán lẻ so với các thế hệ trước đó​

Bên trong iPhone 13 Pro Max: Cuộc chiến thúc đẩy hiệu năng khiến giá linh kiện tăng vọt
Tỉ lệ chi phí linh kiện/giá bán lẻ qua từng thế hệ iPhone
Tổng mức giá linh kiện iPhone đã tăng mạnh trong 10 năm qua. Khi những chiếc iPhone 4 ra mắt cách đây 1 thập kỉ, tổng chi phí linh kiện của chúng rơi vào khoảng 23% so với mức giá bán lẻ 749 USD. Để dễ hình dung, mẫu flagship mới nhất của Apple có giá lên đến 1.199 USD và tỉ lệ chi phí linh kiện đã tăng lên 36% - 40%. Điều đó đã phản ánh chiến lược của Apple trong việc sử dụng các linh kiện mới nhất, tiên tiến nhất cho những thiết bị cap cấp của mình. Nói đi đâu xa, tổng chi phí linh kiện camera cho iPhone 13 Pro Max đã cao hơn gấp 10 lần so với trong những chiếc iPhone 4 ra mắt cách đây 1 thập kỉ.
Nguồn: Nikkei Asia
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top