Bên trong thế giới của đội ngũ “chó săn tử thần” trên Wikipedia

Wikipedia là một nơi tuyệt vời, bạn có công nhận như vậy không? Hãy tưởng tượng thế giới trước khi bạn có thể “wiki” mọi thứ - cuộc sống chắc bất tiện lắm, thậm chí còn khó chịu nữa.
Những cuộc tranh luận bên cốc cà phê, đôi lần tò mò, hay những tình huống phải chứng minh được luận điểm trước lũ bạn hay cãi…tất cả đều khó mà giải quyết được. Thư viện thì hữu ích thật, nhưng lại ở đâu xa tít, chứ không nằm gọn trong lòng bàn tay được. Chưa kể nội dung trong sách vở cũng không thể cập nhật theo thời gian thực.
Ví dụ, lúc 5:30 chiều (giờ Anh) ngày 8/9/2022, số lượt “xung đột chỉnh sửa” (edit conflicts) trên trang Wiki của Nữ hoàng Anh bất ngờ tăng vọt. “Xung đột chỉnh sửa” là thuật ngữ ám chỉ một tình huống mà hai hoặc nhiều người cùng chỉnh sửa một trang Wiki ở cùng một thời điểm. Trên thực tế, lúc đó có đến hàng trăm lượt xung đột chỉnh sửa. Kênh BBC công bố Nữ hoàng băng hà lúc 6:30 tối. Có nghĩa là các “chó săn tử thần” (từ gốc: deaditor) đã nháo nhào tìm cách cập nhật trang Wiki của Nữ hoàng từ một tiếng trước khi tin chính thức xuất hiện. Quá nhanh!
Bên trong thế giới của đội ngũ “chó săn tử thần” trên Wikipedia
“Chó săn tử thần”, hay “deaditor”, là gì? Được tạo ra bởi nhà phát triển web kiêm biên tập viên Wikipedia Hay Kranen, thuật ngữ này là sự kết hợp của từ “dead” (chết) và “editor” (biên tập viên) - chỉ những người khiến bạn phải thốt lên “nhanh dữ!” khi xem trang Wiki của ai đó ngay khi nghe tin họ vừa qua đời. Mọi từ “là” (is) được chuyển thành “từng là” (was), và ảnh của người đã khuất cũng được thay đổi (theo truyền thống của Wiki, vì một vài lý do nào đó chưa rõ). Sự kiện Nữ hoàng Elizabeth II băng hà là một ví dụ gần đây nhất của việc này, nhưng đội ngũ deaditor mẫn cán này từ lâu đã luôn tận tụy ghi lại lịch sử ngay thời điểm mọi thứ diễn ra.
Bạn hẳn đã biết các trang Wikipedia được duy trì và cập nhật liên tục bởi các tình nguyện viên, và hoạt động của cả trang chủ yếu được tài trợ thông qua các khoản quyên góp gửi đến Wikimedia Foundation Inc., công ty mẹ của Wikipedia. Những tình nguyện viên của Wikipedia được gọi là Wikipedian, nhưng vẫn có một vài nhóm con thuộc cộng đồng này mà ít ai biết được.
Annie Rauwerda là một nhà nghiên cứu thần kinh tốt nghiệp từ Đại học Michigan, người điều hành các tài khoản mạng xã hội “Depths of Wiki”. Rauwerda cho biết cô thường “biên tập hoặc tạo các trang về những thứ phi truyền thống vốn ít được chú ý đến. Những chủ đề nhàm chán, luôn mới mẻ, chứ không phải những vấn đề đang được bàn luận xôn xao”. Nhóm các Wikipedian như cô chưa có một cái tên cụ thể - có lẽ chúng ta có thể gọi là là “Nichepedian” (kết hợp giữa “niche”, nghĩa là “ngách”, và Wikipedian; tạm dịch là “các wikipedian chuyên viết chủ đề ngách”). Nhưng những nhóm Wikipedian khác thì có tên rõ ràng, rất nhiều là khác: WikiOrcs, WikiKittens, WikiNinjas…
Đối với các deaditor, cũng có một cái tên dành riêng cho những người cập nhật trang Wiki của người đã khuất nhanh nhất: WikiJackal - “jackal” có nghĩa là “chó săn”, và đó là lý do vì sao chúng ta gọi họ bằng cái tên “chó săn thần chết” như trên tiêu đề. Trong trường hợp của Nữ hoàng, người nhanh nhất là một biên tập viên tên Sydwhunte, người mà nội dung biên tập đã được phê duyệt lúc 5:32 chiều (phê duyệt ở đây chỉ việc sắp xếp nội dung trên hệ thống; người ta thường không kiểm tra tính xác thực trước khi một thay đổi được thực hiện trên Wikipedia, có nghĩa là những hành động phá hoại nội dung có thể liên tục xảy ra). Xét tầm quan trọng của sự kiện, nội dung Sydwhunte thay đổi đã nhận được sự tán dương từ cộng đồng Wiki hơn hẳn đa số những nội dung khác - nhiều biên tập viên lẫn người dùng đã gởi cả những tin nhắn chúc mừng cho deaditor này.
Tại sao các tình nguyện viên lại chấp nhận bỏ ra nhiều thời gian như vậy để cập nhật các trang chẳng liên quan đến họ? Đơn giản thôi. “Nếu bạn thực hiện những thay đổi nhỏ nhưng chính xác, có khả năng là nếu bạn đang chỉnh sửa một bài có lượng truy cập cao, thành quả của bạn sẽ được đọc bởi cả núi người dùng” - Rauwerda nói. Thêm nữa, chúng ta ai chẳng có tham vọng được “về nhất” một lần trong đời, đúng chứ?
Bên trong thế giới của đội ngũ “chó săn tử thần” trên Wikipedia
Nhưng trên Wikipedia, bạn thường vô danh, khiến việc chạy đua biên tập các trang Wiki giống như một thú vui quý tộc vậy. “Bạn không được vinh danh. Bạn không được người ta biết đến ngoài một cộng đồng nhỏ các biên tập viên” - Rauwerda nói. “Bạn chắc chắn không được nhận tiền đâu. Nhưng có rất nhiều người cực thông minh, không ích kỷ, dành nhiều thời gian để viết lịch sử trong thời gian thực.”
Một trong số đó là Steven Pruitt, biên tập viên Wikipedia (tiếng Anh) “mắn đẻ” nhất thế giới. Pruitt có username là “Ser Amantio di Nicolao”, lấy từ một nhân vật phụ trong vở opera Gianni Schicchi của Giacomo Puccini. Anh đã thực hiện hơn 5 triệu lượt biên tập cho Wikipedia, và đã tạo ra hơn 30.000 bài viết, do đó bạn chắc chắn đã có lúc đọc sản phẩm của anh ấy rồi! Xét khả năng “lên bài” ấn tượng, anh còn lấn sân sang “lãnh địa” của một vài nhóm biên tập viên khác trong gần 20 năm tình nguyện. Pruitt từng nói, “Wikipedia là một cộng đồng miễn phí - sẽ không đúng lắm nếu bạn đòi trả tiền cho việc biên tập. Nó như một thú vui. Một thú vui khiến cuộc sống của tôi hơi bận rộn một chút, nhưng vẫn là thú vui”
Và đúng, bất kỳ ai cũng có thể biên tập Wikipedia - đó là lý do tại sao bạn đừng nên dựa dẫm quá nhiều vào nó để phục vụ các bài tập được giao. Nhưng những người biên tập Wikipedia thường rất siêng năng và tỉ mẩn, họ cập nhật và tạo ra các trang Wiki bằng cả trái tim mình. Nếu không có họ, bạn có lẽ vẫn đang tức sôi máu vì không thể chứng minh bản thân đã đúng trong bất kỳ chủ đề gì nổ ra với bạn bè. Wikipedia thực sự là một thế giới tuyệt vời.
Tham khảo: TheFace
>>> Phốt lớn: Teen Mỹ viết 27.000 bài trên Wikipedia bằng ngôn ngữ bản thân không hề nói được
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top