Bí ẩn đằng sau các trang trại nuôi gián bí mật của Trung Quốc

Hiện nay, có hàng trăm trang trại nuôi gián ở Trung Quốc, với tổng số lượng gián được sản xuất hàng năm vượt quá dân số toàn cầu. Côn trùng được sản xuất trong các trang trại độc đáo này hầu hết được sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm và thuốc hoặc làm thức ăn gia súc.
Bí ẩn đằng sau các trang trại nuôi gián bí mật của Trung Quốc
Nghề nuôi gián hiện đang rất phát triển tại Trung Quốc
Vào năm 2018, công ty dược phẩm Trung Quốc Gooddoctor tuyên bố rằng họ đã kiếm được 684 triệu đô la Mỹ doanh thu thông qua việc bán một loại “thuốc chữa bệnh” làm từ gián được hàng nghìn bệnh viện và hàng triệu bệnh nhân Trung Quốc sử dụng mỗi năm để điều trị các bệnh về hô hấp, dạ dày và các bệnh khác.
Tuy nhiên, việc sử dụng gián ở Trung Quốc không chỉ giới hạn trong ngành dược phẩm và làm đẹp. Các loại côn trùng giàu protein cũng được chế biến và cho gia súc ăn như một bữa ăn hữu cơ, được sử dụng để xử lý chất thải thực phẩm và thường được phục vụ trong các công thức nấu ăn đặc biệt ở một số nhà hàng Trung Quốc.

Tại sao nuôi gián phổ biến ở Trung Quốc?

Bí ẩn đằng sau các trang trại nuôi gián bí mật của Trung Quốc
Gián rất dễ nuôi cũng như có giá trị kinh tế cao
Nuôi gián là một ngành kinh doanh béo bở ở Trung Quốc. Không giống như chăn nuôi truyền thống, chi phí thiết lập một trang trại nuôi gián nhỏ là tương đối thấp và cần ít tài nguyên. Hơn nữa, gián sinh sản rất nhanh (chỉ trong một năm, một con gián Đức và con cái của nó có thể sinh thêm 300.000 con gián khác), chúng hiếm khi bị bệnh và không có bất kỳ yêu cầu đặc biệt nào về chế độ ăn, vì chúng có thể sinh sôi nảy nở dựa vào những rác thải nhà bếp sẵn có.
Trả lời phỏng vấn của tờ LA Times, Wang Fuming, một trong những nhà sản xuất gián lớn ở Trung Quốc cho biết: "Tôi đã nghĩ đến việc nuôi lợn, nhưng với cách nuôi truyền thống, tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Với gián, bạn có thể đầu tư 20 nhân dân tệ (hơn 70 ngàn tiền Việt) và thu về 150 nhân dân tệ (gần 540 nghìn đồng). "
Cơ sở nuôi gián lớn nhất thế giới thuộc sở hữu của Gooddoctor, nằm ở Tây Xương (Trung Quốc). Một báo cáo năm 2018 tiết lộ rằng trang trại gián do AI giám sát của Good Doctor sản xuất sáu tỷ con gián mỗi năm. Côn trùng vốn giàu protein, thường được chế biến và sử dụng để làm thức ăn gia súc và các sản phẩm thuốc khác nhau.
Nhiều người ở Trung Quốc tin rằng các sản phẩm làm từ gián này có hiệu quả chống lại sẹo, hói đầu, rối loạn hô hấp, các vấn đề về dạ dày và thậm chí là các khối u ung thư. Mặc dù có rất ít bằng chứng khoa học đáng tin cậy chứng minh niềm tin này, nhưng các nhà khoa học gần đây đã phát hiện ra rằng loài gián có thể sống trong môi trường bẩn thỉu mà không bị ốm vì chúng tự sản xuất ra chất kháng sinh cực mạnh. Một số nhà nghiên cứu tin rằng họ có thể chứng minh được giá trị của gián trong việc phát triển các loại thuốc để loại bỏ siêu vi khuẩn như MRSA, vốn có khả năng chống lại nhiều phương pháp điều trị hiện có.
Và các loại thuốc làm từ gián từ lâu đã có nhu cầu lớn ở Trung Quốc. Cho đến nay, sản phẩm sức khỏe từ gián phổ biến nhất của Gooddoctor đã được hơn 40 triệu bệnh nhân sử dụng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Insider, Wen Jianguo từ Gooddoctor khẳng định: “Tinh chất của gián rất tốt để chữa bệnh loét miệng, bệnh dạ dày, vết thương ngoài da và thậm chí cả ung thư dạ dày”.
Trên thực tế, gián nghiền, có tên khoa học là Periplaneta Americana có thể được tìm thấy như một thành phần trong các loại dược phẩm và mỹ phẩm y tế của Trung Quốc.
Điều thú vị là ngành kinh doanh gián không chỉ thu hút các công ty lớn mà còn cả những nông dân, những nhà nhân đạo và doanh nhân.
Li Bingcai, một người bán điện thoại di động đã trở thành nông dân nuôi gián từ một ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Tứ Xuyên. Hiện anh Li đang sở hữu một trang trại nuôi hơn ba triệu con gián. Li cho biết anh kiếm được lợi nhuận tốt bằng cách bán gián khô cho các trang trại lợn, thủy sản và các công ty dược phẩm. Vào năm 2018, Li nói với tờ Business Insider rằng: “Mọi người nghĩ rằng thật kỳ lạ khi tôi kinh doanh loại hình này nhưng nó thực chất có giá trị kinh tế rất lớn, mục tiêu của tôi là dẫn dắt những người dân làng khác cùng tham gia và phát triển thịnh vượng”.
Ở quận Chương Khâu, thành phố Tế Nam cũng có một trang trại nuôi gián lớn khác. Nơi đây ban đầu được xây dựng để giải quyết vấn đề rác thải nhà bếp nhưng sau đó cũng trở thành nguồn cung cấp thức ăn hữu cơ cho vật nuôi trong trang trại. Li Yanrong, một doanh nhân xanh và là chủ sở hữu của trang trại này tin rằng gián có thể được sử dụng như một loại thực phẩm thay thế giàu protein và lành mạnh hơn cho cá, chim gia cầm, lợn, v.v.
Theo Yanrong: "Nếu nuôi gián trên quy mô lớn, chúng ta có thể cung cấp protein có lợi cho toàn bộ chu kỳ sinh thái, thay thế thức ăn chăn nuôi chứa đầy kháng sinh bằng thức ăn hữu cơ tốt cho động vật và đất". Yanrong tiết lộ, lũ gián trong trang trại của anh có thể ăn 50.000 kg chất thải nhà bếp hàng ngày. Do đó, loài côn trùng này đang tỏ ra rất hữu ích trong việc xử lý rác thực phẩm, nhờ chúng mà loại rác thải này không bị chôn lấp một cách lãng phí.

Rủi ro liên quan đến việc nuôi gián

Hãy tưởng tượng có một trang trại với hàng triệu con gián bị bỏ ngỏ và lũ gián bên trong tràn ra ngoài, bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Bí ẩn đằng sau các trang trại nuôi gián bí mật của Trung Quốc
Tuy lợi nhuận cao, nghề nuôi gián lại không được coi trọng vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Vào năm 2013, một vụ việc tương tự đã thực sự xảy ra khi một vườn ươm nhà kính ở quận Đại Phong, Trung Quốc bị hư hại bởi một thủ phạm không xác định. Hơn một triệu con gián đã trốn thoát và tràn vào các cánh đồng ngô, nhà ở và các tòa nhà gần đó. Sự cố này đã khiến người dân địa phương vô cùng hoảng sợ khi lần đầu chứng kiến một số lượng gián lớn đến vậy. Để kiểm soát tình hình, Ủy ban Y tế tỉnh Giang Tô đã phải tiến hành một đợt khử trùng quy mô lớn trong khu vực.
Để đề phòng trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra, trang trại do Gooddoctor điều hành đã được trang bị một con hào chứa đầy cá ăn gián.
Trên thực tế, nghề nuôi gián không hề được coi trọng tại Trung Quốc bởi đa số người dân xem gián là loài gây hại truyền bệnh. Nếu ai đó tìm thấy một trang trại nuôi gián gần nơi ở của mình, họ có thể gửi đơn khiếu nại vì luôn có nguy cơ xảy ra thảm họa gián (như trường hợp đã xảy ra vào năm 2013).
Đây là lý do khiến nhiều trang trại nuôi gián ở Trung Quốc hoạt động một cách bí mật. Rất khó để tìm thấy một cơ sở có ghi “trang trại nuôi gián” hoặc “nhà máy sản xuất gián” trong tên hoặc trên bảng hiệu cũng như một loại thuốc hoặc mỹ phẩm đề cập đến việc gián được sử dụng như một thành phần.
Nuôi gián không phải là một hoạt động kinh doanh bất hợp pháp ở Trung Quốc nhưng nếu hoạt động này thu hút được quá nhiều sự chú ý của công chúng hoặc bị phát hiện là nằm trong khu dân cư đông đúc, có khả năng chủ trang trại phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau trong việc điều hành hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro và lo ngại này, nuôi gián vẫn được nhiều công ty và doanh nhân ở Trung Quốc coi là một hoạt động mạo hiểm có lãi. Trong khi đó, các sản phẩm làm từ gián khác như sữa gián (sản xuất từ gián cánh cứng Thái Bình Dương và được một số người gọi là "siêu thực phẩm") đang trở nên phổ biến ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm ra nhiều cách để chế biến gián như vậy để khiến loài côn trùng này trở nên hữu dụng hơn.
Theo Interesting Engineering
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top