Bí ẩn gần 50 năm không có lời giải về cái chết của người đầu tiên bay vào vũ trụ Yuri Gagarin

Lan Thanh

Moderator
Vào năm 1968, chỉ 7 năm sau chuyến bay lịch sử đưa con người đầu tiên vào vũ trụ, nhà du hành Yuri Gagarin của Liên Xô đã bất ngờ qua đời trong một vụ tai nạn máy bay huấn luyện thường lệ.

1721116975689.png

Phi hành gia Yuri Gagarin, người đầu tiên bay vào vũ trụ

Ngày 12/4/1961, phi công Yuri Gagarin của Không quân Liên Xô đã ghi tên mình vào lịch sử khi trở thành người đầu tiên bay vòng quanh Trái Đất trên tàu vũ trụ Vostok 1. Chuyến bay của Gagarin là một "cái tát" mạnh mẽ vào tham vọng của Hoa Kỳ, quốc gia lúc bấy giờ đang cạnh tranh quyết liệt với Liên Xô để trở thành quốc gia đầu tiên đưa con người vào không gian. Kể từ đó, Gagarin trở thành biểu tượng cho thành tựu của ngành vũ trụ Liên Xô; hình ảnh nụ cười chiến thắng của ông được lan truyền khắp thế giới.

Tuy nhiên, sự nổi tiếng đã khiến Gagarin sa vào nghiện ngập rượu bia. Mãi đến cuối những năm 1960, ông mới trở lại tập luyện. Gagarin được chọn làm phi công dự bị cho sứ mệnh tàu Soyuz 1 đầy bất hạnh và đã chứng kiến cái chết thương tâm của người bạn Vladimir Komarov khi dù của Komarov không thể bung ra trong quá trình trở về Trái đất vào tháng 4/1967. Chưa đầy một năm sau, chính Gagarin cũng thiệt mạng trong một chuyến bay huấn luyện trên chiếc MiG-15 cùng với phi công Vladimir Seryogin. Máy bay của họ đã rơi xuống một khu vực gần Moscow và sự việc nhanh chóng bị bao phủ bởi những bí ẩn.

Bạn của Gagarin, Alexei Leonov, người đầu tiên thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian, sau này đã tiết lộ với kênh truyền hình Russia Today những gì thực sự đã xảy ra với người anh hùng vũ trụ của Liên Xô.

Vào ngày 27/3/1968, Gagarin đang điều khiển một chiếc MiG-15 cùng với huấn luyện viên Seryogin trong một chuyến bay huấn luyện. Cùng lúc đó, một chiếc Su-15 cũng đang bay thử nghiệm, mặc dù nó được lên kế hoạch bay ở độ cao cao hơn nhiều so với chiếc MiG của Gagarin. Trong khi đó, Leonov đang thực hiện bài tập nhảy dù. Trời mưa, mây thấp khiến tầm nhìn bị hạn chế.

1721117007929.png

Một chiếc máy bay Su-15 Flagon cùng loại với chiếc liên quan tới vụ tai nạn của Gagarin

Trong lúc chờ đợi lệnh hủy bỏ chính thức buổi tập nhảy dù của mình, Leonov nghe thấy hai tiếng nổ lớn. Đầu tiên là tiếng nổ siêu thanh (khi máy bay vượt qua tốc độ âm thanh là 1.236 km/h), sau đó là một tiếng nổ lớn khác báo hiệu một vụ tai nạn. Chúng chỉ cách nhau vài giây, rồi là sự im lặng đáng sợ. Leonov biết có điều gì đó không ổn.

Khi đội cứu hộ đến hiện trường vụ tai nạn, họ tìm thấy thi thể của Seryogin nhưng không thấy Gagarin. Thi thể của người phi hành gia nổi tiếng đã được tìm thấy vào ngày hôm sau.

Leonov và Gherman Titov, một đồng nghiệp khác của Gagarin, người đã thực hiện chuyến bay vũ trụ thứ hai trong lịch sử, đều tham gia ủy ban điều tra vụ tai nạn. Leonov đã nói chuyện với các nhân chứng, những người nhìn thấy chiếc Su-15 lao ra khỏi đám mây với phần đuôi bốc cháy, cho thấy thùng nhiên liệu phụ của nó đang hoạt động. Các nhân chứng cho biết chiếc Su-15 bay quá thấp, thấp hơn nhiều so với độ cao dự kiến là gần 33.000 feet, và gần với độ cao 2.000 feet nơi máy bay của Gagarin đang bay.

Tuy nhiên, báo cáo chính thức lại không hề đề cập đến chiếc Su-15. Thay vào đó, báo cáo đổ lỗi cho lỗi của phi công. Gagarin và Seryogin có thể đã cố gắng tránh một con chim, khiến máy bay của họ rơi vào tình trạng mất độ cao nhanh chóng và không thể cứu vãn. Đó là một lời giải thích có thể làm hài lòng công chúng, nhưng các chuyên gia hàng không biết rằng điều đó khó có thể xảy ra.

Trong những năm tiếp theo, nhiều tin đồn vẫn tiếp tục xoay quanh cái chết của Gagarin. Liệu Gagarin có say rượu? Liệu ông có bị phân tâm khi đang chụp ảnh chim từ trên không trong khi đáng lẽ ra phải tập trung điều khiển máy bay? Liệu các phi công có bị thiếu oxy do van điều áp cabin bị lỗi? Hay chiếc máy bay đã bị phá hoại? Gagarin là biểu tượng cho thành công của Liên Xô dưới thời nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev, nhưng phi hành gia này lại không được lòng nhà lãnh đạo mới Leonid Brezhnev. Vì vậy, thậm chí còn có giả thuyết cho rằng cái chết của Gagarin là một vụ ám sát chính trị.

Chính phủ Liên Xô đã điều tra một số giả thuyết. Các giả thuyết về việc Gagarin say xỉn, rằng ông và Seryogin bị phân tâm khi chụp ảnh từ buồng lái, và giả thuyết phá hoại đã bị loại trừ. KGB không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy phi hành đoàn mặt đất đã cung cấp dữ liệu thời tiết sai cho các phi công. Việc loại bỏ các giả thuyết này đã khiến cái chết của Gagarin trở thành một bí ẩn trong suốt 46 năm.

1721117025023.png

Lễ tang Yuri Gagarin được chính quyền Liên Xô tổ chức trọng thể

Mãi đến năm 2013, một tài liệu được công bố mới hé lộ sự thật. Báo cáo giải mật xác nhận rằng một chiếc Su-15 đã bay trên lộ trình không được phép, quá gần chiếc MiG-15 của Gagarin. Một chiếc máy bay lớn hơn như Su-15 có thể tạo ra lực hút đủ mạnh để kéo theo một chiếc máy bay nhỏ hơn như MiG-15 nếu chúng bay quá gần nhau. Ký ức của Leonov về hai tiếng nổ cách nhau hai giây cho thấy chúng cách nhau khoảng 30 feet (khoảng 10 mét). Khoảng cách đó đủ gần để chiếc Su-15 tạo ra nhiễu loạn khí động học, khiến chiếc MiG bị lật. Theo báo cáo, chiếc MiG của Gagarin đã lao xuống đất với tốc độ gần 470 dặm một giờ, và chỉ có 55 giây giữa liên lạc cuối cùng của phi công với cú va chạm.

Dữ liệu này đã được sử dụng để tạo ra các mô phỏng máy tính về vụ tai nạn. Hóa ra, chỉ có một lời giải thích khả thi cho vụ tai nạn là chiếc Su-15 đã bay quá gần chiếc MiG. Lực hút từ chiếc máy bay lớn hơn đã khiến chiếc máy bay nhỏ hơn bị lật, khiến chiếc MiG rơi vào vòng xoáy tử thần.

Mảnh ghép cuối cùng còn thiếu trong câu chuyện là tên của phi công Su-15, và đó là chi tiết mà chúng ta sẽ không bao giờ biết được. Leonov không được phép tiết lộ. Cựu phi hành gia chỉ nói rằng ông ta là một phi công thử nghiệm giỏi và việc công bố danh tính của ông ta sẽ chẳng thay đổi được gì.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top