"Bí kíp" chọn mua MacBook cũ để không bị "hớ", mất tiền oan

MacBook là dòng máy có giá trị cao, nên không phải ai cũng có điều kiện để đập hộp. Tuy nhiên, với những kỹ năng nhất định, bạn vẫn có thể chọn được những chiếc máy qua sử dụng để tiết kiệm chi phí.

Kiểm tra kỹ lưỡng hình thức bên ngoài​

"Của bền tại người", việc chủ cũ có chăm chút chiếc MacBook của mình hay không có thể đánh giá được ngay qua ngoại hình của chiếc máy. Hiển nhiên rồi, chúng ta nên tránh xa những chiếc MacBook cũ đã nứt vỡ màn hình, nhiều vết cấn móp, trầy xước nhìn thấy rõ.
Bí kíp chọn mua MacBook cũ để không bị hớ, mất tiền oan
Một số điểm khác cần lưu ý trên chiếc MacBook cũ gồm bản lề màn hình - có lỏng lẻo hay cứng một cách bất thường hay không, gây ra tiếng động lạ khi đóng mở màn hình hay không; Các chân cao su ở phía dưới đã bị ăn mòn hay chưa; Các ốc vít có bị tróc hay không, vì đây là dấu hiệu cho thấy có thể máy đã qua sửa chữa, không còn những linh kiện nguyên bản.
Màn hình của máy, ngoại trừ trường hợp nứt vỡ dễ thấy, chúng ta cũng cần phải kiểm tra xem có điểm chết nào không, cách tốt nhất là mở các trang màu đen, trắng, đỏ, xanh, vàng,... toàn màn hình. Trên Youtube có rất nhiều video phục vụ mục đích này. Ngoài ra, với các dòng MacBook có màn hình Retina thì cần đảm bảo rằng lớp chống chói của màn chưa bị tróc.

Các tính năng còn hoạt động đúng cách không?​

Sau khi đánh giá ngoại hình, chúng ta bắt đầu tiến tới linh kiện và tính năng bên trong. Hãy dành thời gian để kiểm tra xem webcam, mic, cảm biến, đèn phím và loa còn hoạt động hay không.
Với webcam và mic, bạn có thể dùng chức năng Photo Booth có sẵn trên MacBook để chụp 1-2 tấm ảnh hoặc quay phim 1-2 phút xem có gì bất thường không. Bật tắt đèn phím xem thế nào, kiểm tra các cảm biến còn hoạt động hay không.
Bí kíp chọn mua MacBook cũ để không bị hớ, mất tiền oan
Với loa, hãy bật một số bản nhạc theo nhiều thể loại khác nhau để xem loa có bị rè hay bất thường ở dải âm nào không. Trong khi đó, với bàn phím, bạn có thể vào google và gõ từ khóa "keyboard test online" để kiểm tra phản hồi của từng phím. Nếu máy có Touch ID và Touch Bar, hãy kiểm tra chúng luôn nhé.
Máy đã qua sử dụng thì dung lượng pin chắc chắn cũng đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Bạn có thể kiểm tra dung lượng pin còn lại của MacBook bằng cách vào About This Mac > System Report > Power. Thông thường, MacBook có tuổi thọ pin từ 300 - 1.000 chu kỳ sạc/xả, nếu phát hiện con số cao hơn, hãy đề nghị bên bán thay pin mới.
Một số MacBook đời cũ cũng mắc những lỗi thiết kế liên quan đến chất lượng sản xuất. Chẳng hạn, các mẫu MacBook Pro 2016-2017 thường bị lỗi bàn phím do thiết kế cánh bướm. Tuy không phải máy nào cũng bị lỗi, nhưng tốt hơn hết bạn nên nắm được những khiếm khuyết hiện có của đời máy mà bạn muốn mua.

MacBook này còn bảo hành không?​

Hãy làm rõ với bên người bán: Bảo hành của chiếc MacBook này là của Apple hay của người bán? Nếu là bảo hành của Apple, bạn nên xem thời hạn bảo hành của nó còn đến ngày nào. Còn nếu của người bán, hãy xem các chính sách liên quan đến bảo hành phần cứng, có được 1 đổi 1 không nếu lỗi của nhà sản xuất, 1 đổi 1 trong bao lâu? Nếu hết bảo hành được hỗ trợ sửa máy nữa hay không? Có thể gia hạn bảo hành hay không?
Bí kíp chọn mua MacBook cũ để không bị hớ, mất tiền oan
Cũng cần xác định rõ MacBook cũ bạn định mua thuộc thị trường nào. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều dòng máy cũ khác nhau, chúng ta có thể xác định bằng mã máy: SA/A là mã chung tại một số nước Đông Nam Á (gồm Việt Nam), LL/A (Mỹ), J/A (Nhật), ZP/A (Hồng Kông),...
Trên đây là những "bí kíp" để bạn chọn mua một chiếc MacBook cũ không bị "hớ". Hãy cùng chia sẻ kinh nghiệm trong phần bình luận dưới đây nhé!

>> Mua MacBook cũ uy tín, giá tốt nhất tại đây

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top