Bị rao bán clip nhạy cảm từ camera nhà mình

myle.vnreview
Mỹ Lệ
Phản hồi: 0

Ngày càng nhiều người lắp camera an ninh, có khi gắn đến gần chục chiếc camera ở khắp mọi nơi trong nhà. Nhưng rất nhiều cảnh quay sinh hoạt riêng tư của gia đình từ chính camera đó đã bị tung lên mạng, thậm chí rao bán.​


1753667426065.png

Những video trích xuất từ các camera bị hack được chia sẻ tràn lan trên nhiều hội, nhóm có nội dung người lớn. Người dùng muốn xem nhiều video VIP hơn phải trả tiền - Ảnh chụp màn hình.

Ngày càng nhiều người lắp camera an ninh, có khi gắn đến gần chục chiếc camera ở khắp mọi nơi trong nhà. Nhưng rất nhiều cảnh quay sinh hoạt riêng tư của gia đình từ chính camera đó đã bị tung lên mạng, thậm chí rao bán.

Nhiều kẻ đang rao bán cả quyền truy cập hệ thống camera của nhiều gia đình, cửa hàng, tiệm spa cho những người có nhu cầu bệnh hoạn... Vì đâu clip lộ lọt, cách nào ngăn chặn?

Trục lợi từ hack camera, bán video riêng tư​

Sau khi bất ngờ nhận video từ một người bạn, anh Hoàn (TP.HCM) vô cùng sốc vì khung cảnh là ở... trong phòng bếp nhà mình. Hỏi lại, người bạn cho hay video đã được chia sẻ từ lâu trong một hội nhóm trên một ứng dụng nhắn tin.

Sau khi đăng nhập vào hội nhóm nêu trên, anh Hoàn còn phát hiện nhiều video khác quay lại những cảnh sinh hoạt rất riêng tư của gia đình anh trong phòng bếp đã bị ai đó đưa lên mạng. Đau đớn hơn, nhiều video quay hoạt động riêng tư của con gái anh Hoàn trong phòng riêng cũng bị chia sẻ.

Anh Hoàn vô cùng hoang mang: "Không biết các camera an ninh trong nhà đã bị người ta xâm nhập bằng cách nào và từ khi nào. Không biết còn bao nhiêu video riêng tư nữa và chúng đang được chia sẻ, tàng trữ ở đâu. Vợ tôi có công việc đàng hoàng và con tôi đang trong độ tuổi mới lớn. Hậu quả sẽ thật khôn lường, ảnh hưởng đến uy tín, công việc".

1753667910358.png

Các dòng rao bán video trên mạng​

Trường hợp của anh Hoàn không còn là chuyện cá biệt. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, rất nhiều video được trích xuất từ những chiếc camera trong các gia đình ở Việt Nam đã, đang được chia sẻ, lan truyền tại rất nhiều hội, nhóm trên các nền tảng tin nhắn, mạng xã hội.

Nhiều video là những cảnh quay lại chuyện vợ chồng, những cảnh ăn mặc thoải mái hoặc thậm chí không mặc gì trong phòng ngủ.

Đặc biệt không ít đoạn video quay từ phòng ngủ của các bé gái hoặc trẻ vị thành niên. Nhiều video cho thấy camera đã bị kẻ xấu theo dõi và thu thập trong một thời gian rất dài nhưng nạn nhân không hề hay biết.

Có nhiều hội, nhóm, diễn đàn liên quan đến nội dung người lớn. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, các hội, nhóm về chủ đề hack camera hay video camera gia đình, quay lén... thu hút từ hàng chục đến hàng trăm nghìn thành viên tham gia.

Nhiều thành viên lấy video từ nơi này đem chia sẻ sang nhiều nơi khác, khiến mức độ lan truyền của các video riêng tư này lên cấp số nhân. Thậm chí, nhiều hội, nhóm còn lập ra những phòng VIP mà muốn tham gia, người dùng phải trả phí từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng.

Các phòng VIP này được quảng cáo là cung cấp đầy đủ những video từ camera gia đình "đặc sắc" nhất, có cả những người nổi tiếng. Có cá nhân còn rao bán cả quyền truy cập hệ thống camera của nhiều gia đình, cửa hàng, tiệm spa cho những người có nhu cầu bệnh hoạn...

Trong vai một người quan tâm đến tài khoản VIP, phóng viên Tuổi Trẻ đã trao đổi với một đại diện quản trị nhóm chuyên cung cấp các tài khoản camera đã bị hack tại Việt Nam (tức người dùng chỉ cần có tài khoản là có thể đăng nhập vào camera của những nạn nhân đã bị chiếm đoạt tài khoản nhưng không hay biết và theo dõi ngược lại chính họ).

Theo chia sẻ, thành viên nhóm VIP được chia thành 3 loại tài khoản gồm: loại chỉ được xem video trích xuất từ camera; loại dùng mã QR để xem trực tiếp camera qua app và loại Full-VIP với tất cả quyền lợi cao nhất cùng hạn sử dụng được quảng cáo là vĩnh viễn.

Ở cấp độ VIP thấp nhất, người dùng có thể chọn gói trải nghiệm với giá 150.000 đồng để xem các video có sẵn hoặc chọn gói chuyên nghiệp (được cập nhật liên tục video mới) có giá 500.000 đồng. Cấp độ VIP thứ hai có giá 400.000 đồng và cấp độ Full-VIP có giá 800.000 đồng. Các gói đều... vô thời hạn hoặc đến khi gia chủ biết và khóa lại. Hình thức thanh toán có thể qua chuyển khoản ngân hàng hoặc bằng tiền mã hóa.

Đừng chủ quan và ham rẻ khi dùng camera an ninh​


Theo một thống kê từ hệ thống giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông trước đây (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), hơn 800.000 camera giám sát của Việt Nam đang bị chia sẻ dữ liệu hình ảnh công khai trên mạng Internet, trong số đó có 360.000 camera (chiếm 45%) có nguy cơ, điểm yếu, lỗ hổng dễ bị khai thác tấn công, chiếm quyền điều khiển.

Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng nguyên nhân là do sự chủ quan, cũng có thể do thiếu hiểu biết khiến camera an ninh "phản chủ". Cụ thể, rất nhiều người dùng khi sử dụng camera an ninh hoàn toàn phó mặc cho người bán hoặc nhân viên kỹ thuật đến lắp thiết bị. Họ chỉ cần biết gắn thiết bị lên tường, mở app trên điện thoại và xem được hình trực tiếp mà không bận tâm đến tài khoản quản lý, mật khẩu đăng nhập. Đây là lỗ hổng lớn nhất, mở toang cửa cho kẻ xấu chia sẻ, hacker dễ tấn công camera có mật khẩu dễ đoán.

Đặc biệt, do ham rẻ, nhiều người dùng chọn mua những chiếc camera cũ, sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, thương hiệu lạ. Chỉ cần tìm kiếm nhanh trên các trang mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử, người dùng dễ dàng tìm thấy không ít người bán rao thanh lý camera dạng này, giá bán có khi chỉ vài chục nghìn đồng/chiếc.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, loại camera này có thể bị lỗi, đã được cài đặt sẵn tài khoản quản lý, không được hãng nâng cấp phần mềm hoặc vá lỗ hổng bảo mật... Người dùng mua về sử dụng cũng đồng nghĩa mở toang cửa đón hacker vào nhà.

Cẩn thận với tất cả thiết bị có camera​

Không chỉ qua camera an ninh trong gia đình, những đồ chơi công nghệ hiện đại, có khả năng giao tiếp với con người nhờ có gắn camera cũng đang bị tội phạm mạng tấn công, nhất là nhắm đến trẻ em. Năm 2024, các nhà nghiên cứu của Kaspersky đã phát hiện các lỗ hổng trong robot đồ chơi thông minh có thể biến trẻ em trở thành mục tiêu cho tội phạm mạng. Lỗ hổng này cho phép tin tặc kiểm soát hệ thống robot để trò chuyện video với trẻ em mà không cần thông qua sự đồng ý của cha mẹ.

Kaspersky không nêu cụ thể nhưng cho biết đây là một loại robot đồ chơi trẻ em chạy bằng hệ điều hành Android trang bị camera và micro. Thiết bị này cho phép cha mẹ theo dõi quá trình học tập của trẻ và thực hiện cuộc gọi video với trẻ thông qua robot.

Các chuyên cảnh báo cha mẹ cần cảnh giác trước các thiết bị có camera vì tội phạm mạng có thể can thiệp và đánh cắp hình ảnh, dữ liệu, kích hoạt cuộc gọi video trực tiếp với trẻ, từ đó thao túng, dụ dỗ trẻ.

20 triệu​

Đó là số camera giám sát được sử dụng trong năm 2025, theo ước tính của Tổng cục Hải quan. Trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 3,2 triệu chiếc camera, trong đó, các thương hiệu Trung Quốc chiếm 96,3%.

Chú ý gì khi lắp camera an ninh trong nhà?​


1753668064266.png

Camera gắn trong nhà người dân ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH​

Theo các chuyên gia an ninh mạng, ngay khi lắp đặt và thiết lập camera lần đầu tiên, người dùng nên thay đổi mật khẩu mặc định bằng một mật khẩu mạnh (có chữ hoa, chữ thường, số, ký tự đặc biệt...). Cần áp dụng xác thực hai yếu tố (2FA). Người dùng cũng phải chịu khó thường xuyên kiểm tra các bản vá bảo mật và nâng cấp phần mềm.

Người dùng nên hạn chế đặt camera ở những vị trí nhạy cảm như phòng ngủ, phòng tắm để đảm bảo cả an ninh lẫn quyền riêng tư cá nhân. Đồng thời nên thường xuyên kiểm tra nhật ký truy cập để phát hiện các hoạt động đáng ngờ, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.

Trường hợp sử dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên đám mây, người dùng nên lựa chọn dịch vụ từ các nhà cung cấp uy tín có cam kết về bảo mật và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.

Nhiều kênh "đen" có nội dung hack camera​

Ngày 16-7 vừa qua, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết Cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 cá nhân về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy vì đã lập 387 website để đăng tải hơn 22.000 video khiêu *** nhằm kiếm tiền quảng cáo.

Trước đó, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) công bố thống kê cho biết 68% kênh, nhóm trên nền tảng Telegram tại Việt Nam trong tổng số 9.600 kênh là xấu, độc. Trong đó có rất nhiều kênh nội dung video người lớn, hack camera, quay lén...
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
http://textlink.linktop.vn/?adslk=aHR0cHM6Ly92bnJldmlldy52bi90aHJlYWRzL2JpLXJhby1iYW4tY2xpcC1uaGF5LWNhbS10dS1jYW1lcmEtbmhhLW1pbmguNjU5MTUv
Top