Các hãng điện thoại Trung Quốc đang muốn thoát khỏi Android?

Huawei tạo ra HarmonyOS như là một kế hoạch khẩn cấp sau lệnh cấm từ chính phủ Mỹ. Xiaomi muốn sử dụng HyperOS - một hệ điều hành của riêng họ dựa trên Android nhưng được Xiaomi viết lại phần lớn mã trong đó. Mới đây, Vivo cũng đã hé lộ BlueOS - một giải pháp thay thế được phát triển hoàn toàn bằng Rust do chính công ty phát triển và thậm chí không có khả năng tương thích với các ứng dụng Android. Có phải các hãng điện thoại Trung Quốc đang muốn "thoát ly" khỏi hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay?
Các hãng điện thoại Trung Quốc đang muốn thoát khỏi Android?
HarmonyOS - sinh ra vì lệnh cấm
Dưới tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Huawei đã phải ngừng hợp tác với Google, điện thoại Huawei cũng không được phép sử dụng các dịch vụ của Google nữa. Ngay lập tức, Huawei tung ra HarmonyOS, phiên bản hệ điều hành nhằm thay thế Android.
Hiện tại, HarmonyOS đã được mở rộng ra thêm nhiều thiết bị thuộc hệ sinh thái của Huawei. Dù vậy, việc thiếu Google Mobile Services - nền tảng dịch vụ cần thiết để chạy các ứng dụng phổ biến - Huawei dần mất đi khả năng cạnh tranh trên thị trường smartphone, với thị phần ngày càng giảm.
HyperOS - tham vọng của Xiaomi
Tại sự kiện ra mắt Xiaomi 14 Series, Xiaomi cũng giới thiệu HyperOS, hệ điều hành thay thế MIUI với hiệu suất tốt hơn và khả năng tải mã riêng để hỗ trợ các mô hình AI tổng quát trong tương lai.
Các hãng điện thoại Trung Quốc đang muốn thoát khỏi Android?
HyperOS được Xiaomi xây dựng dựa trên Linux và hệ thống Xiaomi Vela do hãng tự phát triển, cho phép nó hoạt động với nhiều thiết bị khác nhau bất kể kích thước RAM (64 KB đến 24 GB).
HyperOS có dung lượng nhẹ (firmware hệ thống trên smartphone chỉ chiếm 8,75 GB) và sử dụng tài nguyên tối thiểu so với các đối thủ, từ đó mang lại hiệu suất tối ưu. Hệ điều hành này vượt trội trong việc lên lịch tác vụ và quản lý tài nguyên, đảm bảo hiệu suất ổn định ngay cả trong các tình huống sử dụng nhiều tài nguyên. Các mô-đun kỹ thuật, chẳng hạn như hệ thống tệp và quản lý bộ nhớ, được tối ưu hóa để khai thác các khả năng phần cứng khác nhau.
Nhưng chúng ta vẫn phải chờ xem, liệu các nỗ lực của Xiaomi có giúp công ty thoát khỏi sự phụ thuộc vào Google hay không.
Vivo và một kế hoạch mạo hiểm
Khác với Xiaomi, Vivo muốn dừng luôn việc phụ thuộc vào Android bằng cách phát triển hệ điều hành riêng được lập trình bằng Rust. Nó thậm chí còn không tương thích với các ứng dụng Android, một nước đi đầy táo bạo mà Vivo có thể sẽ áp dụng với các smartphone bán tại Trung Quốc.
Hiện tại, không có nhà sản xuất nào ngoài Apple và Google có thể tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Ngay cả Samsung, công ty dẫn đầu về doanh số smartphone, cũng đã phải chùn bước trước kế hoạch tạo hệ điều hành của riêng mình. Họ đã tạo ra phần mềm riêng như Tizen cho một số thiết bị (chẳng hạn như TV) cũng như nền tảng WearOS cho thiết bị đeo. Cuối cùng, họ cũng phải đầu hàng.
Vì vậy, cam kết đầy tham vọng của Xiaomi hay Vivo là điều đáng chú ý, đặc biệt khi họ có những cách tiếp cận khá khác nhau. Các nhà sản xuất Trung Quốc rõ ràng muốn tránh xa Android và không ai biết những kế hoạch này sẽ kết thúc như thế nào.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top