Cách bảo vệ và phục hồi lớp phủ chống thấm dầu trên màn hình smartphone

Smartphone nói riêng và các thiết bị cảm ứng nói chung có một lớp phủ chống thấm dầu (oleophobic coating) trên màn hình. Bất kể bạn tìm cách bảo vệ nó cẩn thận đến mức nào, lớp phủ này cũng sẽ trôi dần theo thời gian. May thay, bạn có thể phục hồi nó và khiến màn hình cảm ứng có cảm giác như mới trở lại một cách dễ dàng.
Lớp phủ chống thấm dầu là gì?
Lần đầu "bóc hộp" smartphone mới, một trong những điều đáng chú ý nhất là màn hình cực kỳ sạch sẽ và bóng bẩy của nó. Lý do không phải do màn hình chưa có vết trầy xước nào, mà chủ yếu bởi lớp phủ chống thấm dầu phủ bên trên nó còn "tươi rói".
Tuy nhiên, ngay sau khi bạn bắt đầu sử dụng chiếc smartphone của mình, lớp phủ này cũng dần phai nhạt. Dán bảo vệ màn hình là cách duy nhất để hạn chế được tình trạng này. Và bạn có biết những miếng dán bảo vệ màn hình bằng kính nhiều khả năng cũng có một lớp phủ chống thấm dầu bên trên?
Lớp phủ chống thấm dầu không chỉ ảnh hưởng đến vẻ ngoài thiết bị mà còn cảm giác khi sử dụng chúng nữa. Ngón tay bạn khi trượt trên một màn hình mới toanh hiển nhiên sẽ trơn tru hơn, và việc lau chùi dấu vân tay hay vết bẩn trên màn hình cũng đơn giản hơn nhiều.
Cách bảo vệ và phục hồi lớp phủ chống thấm dầu trên màn hình smartphone
Khi lớp phủ dần trôi đi, dấu vân tay sẽ bám vào màn hình lâu hơn và đòi hỏi bạn phải lau chùi kỹ càng hơn. Dầu hay nước trước đây thường đọng lại thành từng giọt nhỏ, nay sẽ tràn ra khắp màn hình và để lại những vết loang khó chịu.
Để kiểm chứng, bạn chỉ cần nhỏ một giọt nước lên màn hình. Nếu nó đọng thành giọt, lớp phủ chống thấm dầu vẫn còn tốt. Tuy nhiên nếu nước loang ra và di chuyển quanh màn hình theo từng mảng lớn, lớp phủ chắc chắn đang hao mòn dần.
Lớp phủ này không gây ảnh hưởng đến hiệu năng thiết bị. Điện thoại của bạn vẫn sẽ hoạt động bình thường nếu không có nó, và màn hình cũng không dễ bị trầy xước hay dễ vỡ hơn. Nó đơn giản là không còn đẹp đẽ, bóng bẩy, hay có cảm giác mượt mà khi vuốt như trước.
Nếu thiết bị đã một hoặc hai năm tuổi, đừng ngạc nhiên khi lớp phủ chống thấm dầu hoàn toàn không còn nữa. Bạn càng sử dụng điện thoại nhiều, lớp phủ này càng nhanh trôi.
Bảo vệ lớp phủ chống thấm dầu
Dù lớp phủ chống bám dầu này sẽ hao mòn trong quá trình sử dụng, bạn có thể bảo vệ nó với một vài mẹo đơn giản. Đầu tiên, đừng bao giờ sử dụng khăn/giấy nhám hoặc chất tẩy rửa trên màn hình cảm ứng. Những chất tẩy rửa này bao gồm:
- Nước lau kính cửa sổ
- Chất tẩy trắng, hoặc những hóa chất lau chùi có chất tẩy
- Chất làm sạch, như bột giặt hay nước rửa chén bát
- Chất lau chùi dạng nước kem
- Các loại chất đánh bóng khác
Các loại khăn lau nhám sẽ đánh bay hoàn toàn lớp phủ chống thấm dầu trên màn hình. Một số thậm chí còn làm hư hại màn hình hoặc để lại những vết trầy xước, khiến màn hình mờ đi. May thay, có một số cách an toàn để bạn lau chùi smartphone hay các thiết bị màn hình cảm ứng khác.
Đầu tiên, luôn bắt đầu bằng cách lau thiết bị với một miếng vải mềm, không xơ. Nhúng nó vào nước và làm sạch mọi vết bẩn hay bụi đất bám trên vải. Bước này quan trọng bởi một số vi khuẩn hay vi trùng có thể sinh sôi trong bụi.
Cách bảo vệ và phục hồi lớp phủ chống thấm dầu trên màn hình smartphone
Để khử khuẩn smartphone, sử dụng một hỗn hợp lau chùi gốc cồn có chứa tối thiểu 60% ethanol hoặc 70% isopropanol. Apple khuyến nghị sử dụng cồn isopropyl 70% để lau chùi iPhone, iPad, và các thiết bị khác trong thời kỳ dịch bệnh như hiện nay. Bạn có thể làm tương tự với bất kỳ điện thoại Android nào được sản xuất bằng chất liệu tương tự.
Lưu ý là lau chùi màn hình theo cách này có thể đẩy nhanh tốc độ hao mòn của lớp phủ chống thấm dầu. Tuy nhiên, đây là điều cần thiết phải làm bởi bạn có lẽ đã và đang chạm vào màn hình hàng trăm lần mỗi ngày. Ngoài ra, đừng quên bạn luôn áp mặt vào điện thoại mỗi khi nghe gọi đấy nhé!
Nếu muốn khôi phục màn hình cảm ứng về trạng thái như mới, bạn có thể sử dụng một số sản phẩm được bán đại trà được đề cập dưới đây.
Khôi phục lớp phủ chống thấm dầu
Nếu đã dán kính bảo vệ màn hình, bạn có thể thay lớp dán này để làm thiết bị như mới trở lại. Đây là cách cực kỳ tiết kiệm nếu muốn khôi phục vẻ ngoài của máy. Nó cũng giúp máy của bạn giữ giá hơn khi bán lại sau này.
Nếu chưa từng dán bảo vệ màn hình, bạn có thể mua bộ kit phủ chống thấm dầu thay thế và tự dán vào màn hình. Những bộ kit này được bán trực tuyến với giá từ 250.000 - 500.000 đồng/kit.
Cách sử dụng sản phẩm này tùy thuộc vào từng hãng. Nhưng nhìn chung quy trình khá đơn giản:
Cách bảo vệ và phục hồi lớp phủ chống thấm dầu trên màn hình smartphone
- Lau màn hình bằng cồn isopropyl cho đến khi nó sạch hoàn toàn các vết bẩn
- Đợi dung dịch bay hơi hoàn toàn, màn hình phải thật khô
Cách bảo vệ và phục hồi lớp phủ chống thấm dầu trên màn hình smartphone
- Lấy một túi zip nhỏ để bọc đầu ngón trỏ của bạn - bạn sẽ sử dụng ngón tay này sớm thôi!
Cách bảo vệ và phục hồi lớp phủ chống thấm dầu trên màn hình smartphone
- Nhỏ 10 - 15 giọt phủ chống thấm dầu dạng lỏng lên màn hình
- Nhanh tay dùng ngón tay đã bọc túi zip ở trên để trét chất lỏng kia ra toàn màn hình (chất lỏng này khô khá nhanh, nên đừng chần chừ)
Cách bảo vệ và phục hồi lớp phủ chống thấm dầu trên màn hình smartphone
- Đợi lớp phủ hồi phục trong khoảng từ 8 - 12 giờ (tốt nhất nên thực hiện trước khi đi ngủ). Sau đó, dùng vải mềm lau sạch những gì còn sót lại trên màn hình.
- Lặp lại quy trình này nếu cần, theo hướng dẫn trên sản phẩm.
Bạn càng làm nhiều lần, lớp phủ sẽ càng dày, và do đó sẽ càng bền hơn. Dù lớp phủ khô khá nhanh, bạn phải nhớ rằng đừng động vào màn hình trong một khoảng thời gian để có kết quả tốt nhất.
Nếu làm đúng hướng dẫn, thiết bị của bạn sẽ trông sáng bóng và cho cảm giác mượt mà khi chạm như mới mang từ cửa hàng về! Lớp phủ mới có thể lấp kín một vài vết xước bề mặt, khiến chúng ít bị thấy hơn.
Tạm kết
Một lần nữa, hãy nhớ rằng lớp phủ chống thấm dầu vừa được khôi phục sẽ không tồn tại mãi. Lớp phủ bên thứ ba nhiều khả năng cũng không bền như lớp phủ của nhà sản xuất thiết bị. Tuy nhiên, xét về vẻ ngoài và cảm nhận thì cả hai đều tương đồng.
Bạn cũng có thể sử dụng phương pháp khôi phục lớp phủ chống thấm dầu lên mọi màn hình cảm ứng bằng kính, bao gồm smartwatch, tablet, và một số thiết bị đeo theo dõi thể chất.
Tham khảo: HowToGeek
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top