Cách dùng bình xịt hen cho trẻ em

Mr Bens
Mr Bens
Phản hồi: 0

Mr Bens

Intern Writer
Hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính đường hô hấp có sự tham gia của nhiều loại tế bào gây viêm cùng các kích thích khác làm tăng phản ứng phế quản, gây nên tình trạng co thắt phù nề, tăng xuất tiết phế quản, làm tắc nghẽn phế quản, hạn chế luồng khí thở làm xuất hiện các dấu hiệu: ho tái diễn nhiều lần, khò khè, nặng ngực, khó thở (chủ yếu là khó thở ra), những biểu hiện này thường xảy ra hay tăng lên vào ban đêm và sáng sớm.

1740386533449.png


Bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng ở nước ta và trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu của WHO (1995), thế giới có khoảng 160 triệu người mắc hen, con số này hiện nay là 300 triệu người. Đến năm 2025, dự báo số người mắc hen sẽ là 400 triệu, ở Việt Nam tỷ lệ mắc hen khoảng 3,9 % dân số. Bệnh gây tăng gánh nặng cho xã hội, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện nay bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán cơn hen kịp thời, điều trị cắt cơn tốt nhanh chóng đưa bệnh nhân về tình trạng ổn định và để duy trì được tình trạng ổn định bệnh nhân sẽ được tư vấn dùng thuốc dự phòng hen theo phác đồ. Các thuốc giãn phế quản kích thích b2 và corticoit đường hô hấp hiện nay được sử dụng phổ biến trong điều trị cắt cơn HPQ ở mọi mức độ, dự phòng hen phế quản. Ưu điểm của đường dùng này là thời gian tác dụng nhanh, tác dụng tối đa sớm, giảm nhiều tác dụng phụ toàn thân so với đường uống và tiêm truyền..

Bình xịt định liều (MDI) là một dụng cụ cung cấp thuốc dưới dạng khí dung, với liều được định sẵn là một nhát xịt. Bệnh nhân nhận thuốc trong bình xịt thông qua mỗi nhát xịt được hít từ miệng vào phổi. MDI được sử dụng trực tiếp hay qua buồng đệm có mặt nạ hoặc đầu ngậm. Cách sử dụng đúng bình xịt định liều để giúp bệnh nhân đặc biệt là trẻ em với nhiều độ tuổi khác nhau nhận đủ liều thuốc dự phòng hàng ngày là rất quan trọng đảm bảo thành công của phác đồ dự phòng hen phế quản. Phương pháp MDI lần đầu tiên được sử dụng năm 1956 và được dùng rất rộng rãi vì nhỏ gọn, rẻ tiền, thuận tiện. Nguyên lý hoạt động của phương pháp này là liều thuốc được đo chính xác và được giải phóng ra nhờ một van định liều khi thuốc được “nén ép” trong bình. Liều thuốc được giải phóng ra từ 25 - 100mcg tuỳ thuộc vào công thức định liều

1. Cách sử dụng bình xịt định liều trực tiếp

Sử dụng bình xịt định liều trực tiếp đòi hỏi phải có sự phối hợp kỹ thuật “tay - phổi” tốt, đồng thời tốc độ các hạt aerosol cao nên dễ gây phản xạ ngừng hít và kích thích ho. Để khắc phục những hạn chế này các nhà nghiên cứu đã lưu ý các bước cần thiết tiến hành trong kỹ thuật “tay - phổi” gồm có:

Trước khi xịt, cần kiểm tra hoạt động của bình xịt bằng cách tháo nắp bình xịt, lắc kỹ ống hít và ấn 1 – 2 nhát vào không khí để chắc chắn ống hít hoạt động.
1740386553490.png

Hình 1: Cách sử dụng bình xịt định liều trực tiếp
Bước 1: Tháo nắp ra khỏi đầu ngậm, giữ bình xịt ở vị trí thẳng đứng (đầu ngậm nằm phía dưới).

Bước 2: Lắc bình xịt kỹ vài giây để trộn đều thuốc

Bước 3: Hướng dẫn trẻ hơi nghiêng đầu ra sau, thở ra từ từ

Bước 4: Hướng dẫn trẻ đưa ống ngậm vào miệng, khép môi xung quanh miệng ống ngậm, không cắn

Bước 5: Ấn đỉnh bình xịt để giải phóng thuốc đồng thời cho trẻ hít sâu vào bằng miệng (từ 3 – 5 giây)

Bước 6: Dặn trẻ nín thở trong 5 đến 10 giây, lấy bình xịt ra, sau đó thở ra chậm.

Bước 7: Nếu sử dụng nhiều hơn 1 nhát xịt, đợi 1 phút sau đó lặp lại các bước từ bước 2 đến 6.

Bước 8: Đậy nắp bình xịt sau khi sử dụng

2. Cách sử dụng bình xịt định liều với buồng đệm có mặt nạ

Trẻ dưới 6 tuổi được sử dụng phương pháp MDI gắn thêm thiết bị buồng đệm (Specer - divice) nên còn gọi là phương pháp MDIs

Trước khi sử dụng buồng đệm, cần phải kiểm tra các van của thiết bị có hoạt động tốt hay không. Áp mặt nạ của thiết bị vào miệng, hít vào và thở ra nhẹ nhàng qua mặt nạ. Khi thở ra thì van ngoài ở phía trên thiết bị sẽ mở ra. Trường hợp van nay không mở được thì có thể do van không được đặt đúng vị trí, hoặc van bị hỏng cần phải thay.

Bước 1: Tháo nắp ống hít và lắc ống hít.

Bước 2: Lắp ống hít vào buồng đệm.

Bước 3: Nhẹ nhàng đặt mặt nạ của buồng đệm lên mặt của trẻ, đảm bảo che kín mũi và miệng trẻ.

Bước 4: Dùng ngón tay cái ấn vào bình xịt định liều để 1 nhát thuốc được bơm vào buồng đệm.

Bước 5: Giữ mặt nạ của buồng đệm trên mũi và miệng của trẻ cho đến khi trẻ hít thở được 10 lần (khoảng 10 - 15 giây). Có thể đếm số lần hít thở của bé bằng cách quan sát số lần đóng/mở của van ngoài của buồng đệm. Sau đó gỡ mặt nạ của buồng đệm khỏi mặt của trẻ.

Nếu trẻ cần hít 2 nhát thuốc, lập lại bước 4 và bước 5.

Bước 6: Tháo ống hít ra khỏi buồng đệm, đóng nắp ống hít. Cất buồng đệm vào túi nylon bảo vệ.
1740386581688.png

Hình 2: Cách sử dụng bình xịt định liều qua buồng đệm có mặt nạ
3. Vệ sinh bình xịt định liều và buồng đệm

Với bình xịt định liều: cần được làm sạch thường xuyên ít nhất 1 lần/tuần để tránh tắc nghẽn. Mở nắp đậy ống ngậm, lau sạch mặt trong và ngoài của ống ngậm và vỏ nhựa bên ngoài bằng vải mềm hoặc giấy lụa.

Với buồng đệm: có thể tháo rời, vệ sinh bằng nước ấm và xà bông nhẹ như nước rửa chén mỗi tháng 1 lần, để cho buồng đệm tự khô, không được lau chùi mặt trong của buồng đệm. Mặt nạ thì vệ sinh thường xuyên hơn (1 lần/tuần).

4. Chú ý khi sử dụng bình xịt định liều

Kiểm tra bình xịt trước khi sử dụng lần đầu hoặc sau hơn 1 tuần không sử dụng. Đầu tiên tháo nắp đậy ống ngậm, lắc kỹ bình xịt trong vài giây, phun vào không khí đảm bảo bình xịt hoạt động, số lần phun để chuẩn bị cho bình xịt định liều sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng loại thuốc và được ghi rõ trong tờ hướng dẫn của nhà sản xuất.

Đối với các thuốc hít có chứa corticoid, súc miệng sau khi dùng thuốc để tránh nuốt thuốc và tác dụng phụ bị nấm miệng.

Kiểm tra bình xịt còn hay hết thuốc: kiểm tra số hiển thị trên cửa số báo liều trên bình xịt định liều (nếu có). Một số loại bình xịt không có cửa sổ báo liều, bệnh nhân cần theo dõi và ghi nhận số nhát sử dụng mỗi lần sử dụng để trừ đi so với tổng số nhát của bình xịt từ đó tính được số liều còn lại. Một cách khác để kiểm tra là tháo bình xịt kim loại bên trong ra khỏi ống thuốc. Sau đó, thả bình kim loại vào trong thau nước và dựa vào vị trí của bình xịt so với mặt nước để biết lượng thuốc còn trong bình. Nếu bình kim loại nổi lềnh bềnh nằm ngang trên mặt nước thì đã hết thuốc, chìm xuống sâu thì thuốc còn đầy.

5. Một số sai lầm thường gặp khi sử dụng bình xịt định liều

Để việc sử dụng bình xịt định liều đạt hiệu quả tối đa và tránh các tác dụng phụ, cần tránh những điều sau đây:

  • Quên kiểm tra bình xịt lần đầu tiên hoặc sau hơn 1 tuần không sử dụng.
  • Quên kiểm tra bình xịt còn thuốc hay hết thuốc.
  • Quên tháo nắp bình ra khỏi ống ngậm và lắc bình xịt trước khi sử dụng.
  • Hít bằng đường mũi.
  • Hít vào quá nhanh khi thao tác ấn bình xịt, không nín thở sau khi hít vào.
  • Xịt nhiều hơn hai liều liên tục mà không lặp lại các bước.
  • Không súc miệng khi sử dụng các thuốc hít có chứa corticoid.


Ths. Nguyễn Trần Ngọc Hiếu

TS. Lê Thị Thúy Hằng

Bộ môn – Khoa Nhi – Bệnh viện Quân y 103

Đọc chi tiết tại đây: https://benhvien103.vn/cach-su-dung-binh-xit-dinh-lieu-dieu-tri-hen-phe-quan-tre-em/
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top