VNR Content
Pearl
Thế là kỳ nghỉ Quốc khánh 2-9 đã kết thúc. Chúng ta lại quay trở lại với nhịp sống thường nhật, trở lại đi học (hôm nay còn khai giảng năm học mới), đi làm. Trước đó là kỳ nghỉ 30/4 - 1/5, trước đó nữa là Tết Nguyên đán, bạn có nghĩ rằng, chúng có cảm giác trôi đi rất nhanh, khác hẳn những ngày đi làm?
Theo các chuyên gia, hiện tượng này được gọi là "nghịch lý ngày lễ", và nó cực kỳ phổ biến. Trước và trong kỳ nghỉ, mọi người sử dụng góc nhìn mong đợi (prospective vantage) để đánh giá từng ngày trôi qua. Sau kỳ nghỉ, họ sử dụng góc nhìn hồi tưởng (retrospective vantage). Hai quan điểm này khác nhau rất nhiều dưới góc độ thời gian. Theo các nghiên cứu, góc nhìn mong đợi có xu hướng diễn ra rất nhanh, nhất là với những kỷ niệm vui vẻ, khác biệt với cuộc sống thường ngày. Nhiều người có thói quen "nhồi nhét" nhiều hoạt động vào kỳ nghỉ lễ, những công việc vốn mất hàng tuần hoặc vài tháng trong vỏn vẹn vài ngày nghỉ, và điều đó khiến thời gian có cảm giác trôi đi nhanh hơn. Lý do thứ hai khiến kỳ nghỉ lễ trôi qua nhanh là áp lực tâm lý. Ví dụ, nhiều tháng trước đợt lễ, Tết, các nhà bán lẻ đã cố ý quảng bá, truyền thông về chủ đề này để xây dựng sự mong đợi trong khách hàng, với mục đích là kích cầu. Như ở Mỹ, điều này cực kỳ phổ biến trước dịp Giáng sinh, khi nhiều nhãn hàng bắt đầu đếm ngược trước cả vài tháng, tạo áp lực khiến mọi người nghĩ kỳ nghỉ lễ trôi qua nhanh chóng. Lý do cuối cùng, kỳ nghỉ lễ trôi qua nhanh cũng vì chúng ta thực sự nghỉ ngơi. Thay vì thức dậy từ 6h sáng để chuẩn bị đi làm, bạn "ngủ nướng" đến tận 12h trưa, chẳng hạn. Một tiếng ngồi làm việc nghe có vẻ lâu, nhưng một tiếng ngồi xem phim trên Netflix cũng chỉ được một, cùng lắm hai tập phim mà thôi.