Căng thẳng có thật sự khiến tóc bạc?

Căng thẳng quá mức có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, bao gồm bệnh tim, đau đầu, các vấn đề về dạ dày, rối loạn giấc ngủ và hệ thống miễn dịch bị tổn hại. Căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến ngoại hình của chúng ta. Nó có thể khiến da chúng ta nổi mụn trứng cá hoặc bệnh vẩy nến và gây ra các tình trạng như rụng tóc Telogen (telogen effluvium) hoặc rụng tóc từng (alopecia areata).
Căng thẳng có thật sự khiến tóc bạc?
Nhưng liệu căng thẳng có thể khiến tóc chúng ta bạc đi không? Có lẽ không có công việc nào căng thẳng hơn làm tổng thống Hoa Kỳ. Đã có những hình ảnh so sánh trước và sau của các vị tổng thống Hoa Kỳ (từ Bill Clinton đến Barack Obama) cho thấy công việc căng thẳng nhất thế giới có thể gây hại như thế nào.
Clinton có mái tóc muối tiêu khi ông đắc cử ở tuổi 46, nhưng nó bạc đi khá nhiều sau khi ông rời Nhà Trắng ở tuổi 54. Khi mới nhậm chức, tóc ông George W. Bush chỉ mới điểm bạc. Kết thúc nhiệm kỳ nhìn ông hom hem hẳn với mái tóc muối tiêu. Và Obama cũng không ngoại lệ.
Nhưng với hầu hết mọi người, căng thẳng không phải là nguyên nhân gây ra tóc bạc. Tóc của chúng ta bắt đầu bạc đi một cách tự nhiên trong độ tuổi từ 30 đến 35, và di truyền cũng có ảnh hưởng đến quá trình này.

Nhưng tại sao tóc của chúng ta lại bạc đi?

Trong nang lông, một số tế bào gốc hoạt động như một “kho chứa” các tế bào sản xuất sắc tố. Khi tóc tái tạo, một số tế bào gốc chuyển đổi thành tế bào sản xuất sắc tố và tạo màu cho tóc. Thực tế, màu tóc của con người được quyết định bởi các hắc sắc tố melanin có dạng sợi. Càng ít melanin, càng có nhiều tóc bạc. Nếu người nào đó có mái tóc hoàn toàn bạc trắng, nghĩa là không có chút melanin nào trong keratin. Đó là một phần do chúng ta mất đi lượng tế bào gốc có thể trở thành tế bào sản xuất melanin. Nhưng tại sao lại như vậy?
Các nhà khoa học cũng không biết chắc chắn. Có thể do những tế bào gốc bị hao mòn hoặc hư hỏng. Các hệ thống hỗ trợ giúp duy trì hoạt động cũng có thể bị lỗi. Hoặc đơn giản là do các nang tóc của chúng ta tạo ra ít màu hơn khi chúng ta già đi. Vì vậy, khi tóc rụng đi và tái tạo thì màu sắc của chúng sẽ nhạt hơn theo thời gian.

Di truyền

Yếu tố di truyền cũng được xem là một trong những nhân tố chính dẫn đến tình trạng tóc bạc. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã cố gắng xác định điều gì đang xảy ra với gen và tế bào của chúng ta khi tóc bạc đi. Họ không đơn thuần chỉ muốn giải đáp những bí ẩn về tóc bạc mà còn vì tóc của chúng ta có thể tiết lộ thông tin hữu ích trong việc điều trị các tình trạng khác liên quan đến lão hóa.
Ví dụ, vào năm 2004, các nhà nghiên cứu từ Viện Ung thư Dana-Farber ở Boston đã tiến hành nghiên cứu khối u ác tính, liên quan đến việc sản xuất quá mức các tế bào hắc tố melanocyte trong da có thể dẫn đến ung thư da. Trong khi cố gắng tìm hiểu thêm về bản chất của tế bào này, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tóc có thể bạc đi do nguồn cung cấp tế bào hắc tố bị cạn kiệt.
Kết quả của một nghiên cứu Nhật Bản năm 2009 được công bố trên tạp chí Cell chỉ ra rằng tia cực tím và hóa chất có khả năng làm hỏng DNA của chúng ta và gây ra sự suy giảm của các tế bào gốc melanocyte.

Xóa bỏ căng thẳng, ngăn tóc bạc màu?

Một nghiên cứu nhỏ vào năm 2021 tại Columbia University Vagelos College of Physicians and Surgeons đã tìm ra bằng chứng cho thấy sự liên kết của căng thẳng hàng ngày với tóc bạc - và thậm chí chúng ta còn có thể đảo ngược nó. Các nhà nghiên cứu đã phân tích từng sợi tóc của 14 tình nguyện viên. Họ so sánh kết quả với "nhật ký căng thẳng" của tình nguyện viên, trong đó họ theo dõi và ghi chép đánh giá mức độ căng thẳng hàng tuần của mình. Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng màu tóc của một số tình nguyện viên đã được phục hồi khi loại bỏ được các tác nhân gây căng *****.
"Hiểu được cơ chế khiến những sợi tóc bạc 'già' quay trở lại trạng thái sắc tố 'trẻ' có thể mang lại những manh mối mới về quá trình lão hóa ở con người và sự ảnh hưởng của căng thẳng đến quá trình này", tác giả của nghiên cứu, phó giáo sư y học hành vi Martin Picard, cho biết. “Dữ liệu của chúng tôi bổ sung vào lượng bằng chứng chứng minh rằng quá trình lão hóa của con người không phải là một quá trình sinh học tuyến tính, cố định mà ít nhất một phần của nó có thể bị dừng lại hoặc thậm chí là tạm thời đảo ngược”.
Nguồn: HowStuffWorks
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top