Cảnh giác chiêu trò lừa đảo online mới, lợi dụng việc sáp nhập tỉnh, thành để chiếm đoạt tài sản

Khánh Vân
Khánh Vân
Phản hồi: 0

Khánh Vân

Writer
Ngay sau khi 34 đơn vị hành chính mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 7, các đối tượng lừa đảo đã nhanh chóng lợi dụng sự kiện này để tung ra những chiêu trò mới. Dưới danh nghĩa "cập nhật thông tin quê quán", "đồng bộ hóa giấy tờ", chúng đang nhắm vào sự hoang mang của người dân để chiếm đoạt thông tin cá nhân và tài sản.

1751431732129.jpeg

Mạo danh công an, yêu cầu cập nhật VNeID


Trong ngày 1 tháng 7, công an phường Phương Liệt, Hà Nội, đã ghi nhận nhiều trường hợp người dân nhận được các cuộc gọi tự xưng là công an địa phương. Các đối tượng này thông báo rằng do sáp nhập đơn vị hành chính, người dân cần phải tích hợp lại thông tin giấy tờ trên ứng dụng VNeID. Tuy nhiên, thay vì hướng dẫn trên ứng dụng chính thức, chúng lại yêu cầu người dân nhấp vào các đường link lạ hoặc cài đặt các phần mềm giả mạo.

Một người dân tại phường, kể lại: "Thường với những cuộc gọi như thế này tôi sẽ cúp máy, nhưng đúng là đang thời điểm sáp nhập nên tôi mới nửa tin nửa ngờ." May mắn là chị đã cảnh giác và kiểm tra lại thông tin với hàng xóm trước khi làm theo hướng dẫn của kẻ gian.

Công an phường Phương Liệt đã phải phát đi cảnh báo khẩn cấp trên các nhóm cư dân, khẳng định rằng: "Việc cập nhập thông tin theo địa giới hành chính mới trên app VNeID sẽ được Bộ Công an tự động cập nhật cho người dân. Tất cả các số điện thoại lạ gọi đến yêu cầu người dân cập nhật, gửi đường link lạ đều là do các đối tượng lừa đảo".

Những kịch bản lừa đảo tiềm ẩn và cảnh báo từ chuyên gia


Các chuyên gia an ninh mạng nhận định rằng sự kiện sáp nhập tỉnh, thành là một "môi trường lý tưởng" để các đối tượng lừa đảo tái diễn các chiêu trò cũ dưới một vỏ bọc mới. Chuyên gia cảnh báo, trong thời gian tới, các hình thức lừa đảo khác có khả năng xuất hiện, như lừa đăng ký lại quyền sở hữu đất đai (sổ đỏ, sổ hồng), hoặc giả danh cơ quan chức năng yêu cầu người dân nộp "lệ phí chuyển đổi" biển số xe, giấy phép lái xe. "Bọn lừa đảo có thể tạo ra các kịch bản rất hợp lý, ví dụ như 'sáp nhập tỉnh phải đổi mã vùng, từ đó phải đổi biển số xe' để lừa người dân nộp tiền," chuyên gia nhận định.

Nguy cơ tự lộ lọt dữ liệu từ việc "khoe" quê quán mới


Một vấn đề đáng báo động khác lại đến từ chính thói quen của người dùng. Sau khi thông tin trên VNeID được tự động cập nhật theo địa giới hành chính mới, nhiều người dân đã hào hứng chụp màn hình phần "Thông tin cư trú" để khoe "quê quán mới" lên mạng xã hội mà không che mờ các dữ liệu quan trọng.

Chuyên gia an ninh mạng cảnh báo rằng hành động vô tư này có thể tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân nghiêm trọng. "Với sự phát triển của công nghệ AI, các hệ thống có thể tự động phân tích và thu thập thông tin từ hình ảnh, từ đó có được địa chỉ, thậm chí cả số CCCD của người dùng nếu không che kỹ," ông Sơn cho biết. Những dữ liệu này sau đó có thể được sử dụng để xây dựng hồ sơ cá nhân, phục vụ cho các mục đích xấu như giả mạo, lừa đảo.

Chuyên gia khuyến nghị người dân tuyệt đối không đăng tải hình ảnh CCCD, bằng lái hay các giấy tờ tùy thân khác lên mạng. Khi chia sẻ, cần che kỹ các thông tin nhạy cảm như số CCCD, địa chỉ, mã QR và luôn cảnh giác với các liên hệ bất thường. Theo đánh giá của Bộ Công an, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người Nhân dân Việt Nam hiện còn rất hạn chế, tạo cơ hội cho tội phạm mạng hoạt động ngày càng tinh vi.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
http://textlink.linktop.vn/?adslk=aHR0cHM6Ly92bnJldmlldy52bi90aHJlYWRzL2NhbmgtZ2lhYy1jaGlldS10cm8tbHVhLWRhby1vbmxpbmUtbW9pLWxvaS1kdW5nLXZpZWMtc2FwLW5oYXAtdGluaC10aGFuaC1kZS1jaGllbS1kb2F0LXRhaS1zYW4uNjQxMTgv
Top