Chán cảnh cô đơn, giới trẻ Trung Quốc tìm kiếm "đối tác tạm thời" để có người chia sẻ đam mê, sở thích

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Gần đây, có một trào lưu mới thịnh hành ở Trung Quốc khi giới trẻ tìm người bầu bạn. Đó là tiếp xúc với những "đối tác tạm thời", còn gọi là "da zi" trong tiếng Trung. Cách gọi này nhằm đề cập tới khái niệm "thứ gì cũng có thể gắn kết" - một hình thái mới lạ về tương tác xã hội xoay quanh các mối quan tâm chung, không liên quan tới giới tính, thậm chí cũng không cần phải quen biết từ trước. "Đối tác tạm thời" hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau và có thể tìm kiếm trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc Xiaohongshu (Tiểu Hồng Thư). Các mối quan tâm chung được phân ra nhiều loại như ẩm thực, trò chơi điện tử, thể dục thể thao, du lịch, âm nhạc, tán gẫu và thậm chí cả làm nông. Một đối tác tạm thời chuyên "chat" (tán gẫu trên mạng) thì sẽ trò chuyện ở mức độ thường nhật trên WeChat (một ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc). Trong khi đó, đối tác "làm nông" có thể là người thích các chương trình nông nghiệp trên truyền hình hoặc say mê chủ đề này nói chung. Một số mối quan hệ không cần gặp mặt trực tiếp, ví dụ như các đối tác "cùng tập thể dục" - những người này chỉ cần theo dõi tiến độ của nhau trên WeChat.
Chán cảnh cô đơn, giới trẻ Trung Quốc tìm kiếm đối tác tạm thời để có người chia sẻ đam mê, sở thích
Hiện tượng "đối tác tạm thời" nổi lên nhằm đáp ứng nhu cầu tình cảm của giới trẻ Trung Quốc. Ảnh: Xinhua "Có người lạ giám sát khiến chúng tôi nghiêm túc hơn. Nếu tôi nhờ bạn bè hay người thân hỗ trợ, tôi có thể sẽ không tập tành nghiêm túc, thậm chí còn tranh cãi với họ", một nhân vật của SCMP chia sẻ. Theo SCMP, hiện tượng này nổi lên nhằm đáp ứng nhu cầu tình cảm của giới trẻ Trung Quốc, giúp xoa dịu cảm giác cô đơn trong khi vẫn duy trì được không gian riêng và sự độc lập của mỗi cá nhân. "Tôi thực sự rất cô đơn nhưng tôi không muốn bắt đầu các mối tương tác xã hội. Tôi hy vọng có một người lạ mặt, không tiến sâu vào cuộc sống của mình nhưng vẫn có thể giúp tôi không phải đi xem phim hay ăn lẩu một mình", một người tham gia trào lưu cho biết. Sau khi chật vật với việc xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa, giới trẻ Trung Quốc lựa chọn phương án hạ thấp kỳ vọng của bản thân và tiếp xúc với những "đối tác" chỉ mang lại một mức độ bầu bạn nhất định. "Mỗi người là một mảnh ghép và rất khó để tìm được một mảnh ghép phù hợp ở mọi khía cạnh. Đó là lý do vì sao khái niệm đối tác tạm thời được ưa chuộng. Miễn là một mảnh ghép khớp thì nó vẫn có thể trở thành một tình bạn lâu dài", một người dùng mạng xã hội Trung Quốc nhấn mạnh. Trong các bài đăng tìm đối tác tạm thời, người dùng mạng xã hội thường thường sẽ nêu đủ các tiêu chuẩn cụ thể, ví dụ như khẩu vị chung, cách thức thanh toán chia sẻ hóa đơn cùng những mong muốn liên quan tới chi phí và tần suất gặp gỡ. Tuy nhiên, không phải lúc nào hình thức kết giao này cũng thuận lợi. Chia sẻ với tạp chí Renwu, một thanh niên 20 tuổi với biệt danh trực tuyến "Chimoku" từ Cát Lâm, Trung Quốc kể lại hai trải nghiệm không mấy vui vẻ của mình khi tìm kiếm "đối tác tạm thời" trên mạng. Một lần, Chimoku hẹn đi ăn với một đối tác nam cùng tuổi. Tuy nhiên, người này gọi tới 5 món ăn và liên tục huyên thuyên, khiến Chimoku không thể làm gì ngoài ngồi nghe chuyện. Còn ở trải nghiệm thứ hai, Chimoku gặp gỡ một đối tác tạm thời khác giới. Cuộc gặp này khiến Chimoku nảy sinh tình cảm nhưng cô gái vốn đã có bạn trai.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top