Chi phí người Việt đi xuất khẩu lao động sang Nhật sắp giảm một nửa

Theo hãng tin Nikkei, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ làm việc với chính phủ Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để giảm bớt gánh nặng tài chính cho lao động Việt Nam xuất khẩu sang Nhật.
1718808136841.png

JICA và các đối tác sẽ tạo cơ chế yêu cầu các công ty Nhật sử dụng lao động xuất khẩu từ Việt Nam phải trả hơn một nửa phí tuyển dụng mà các cơ quan của Việt Nam thu từ người lao động sang Nhật làm việc.

Chương trình đào tạo kỹ thuật cho những người đi xuất khẩu lao động hiện nay của Nhật Bản đã vấp phải sự chỉ trích của quốc tế khi lao động Việt Nam tham gia chương trình thường phải vay một số tiền lớn để làm việc tại nước này.

Theo tờ Nikkei, JICA, chính phủ Việt Nam, ILO và các tổ chức khác sẽ sớm ký thỏa thuận thành lập “Sáng kiến Tuyển dụng Công bằng và Đạo đức Việt Nam-Nhật Bản", viết tất là VJ-FERI. Sáng kiến này sẽ được quản lý bởi JP-Mirai, một tổ chức có trụ sở tại Tokyo ủng hộ quyền lợi của người lao động nước ngoài. VJ-FERI dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm nay. JICA sẽ xem xét triển khai các chương trình tương tự với các quốc gia khác.

Người Việt đáp ứng lời mời sang làm việc tại Nhật Bản thường phải trả trung bình 656.000 yên (khoảng 105 triệu đồng) cho các cơ quan tuyển dụng của Việt Nam để đào tạo các kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc, chẳng hạn như trình độ tiếng Nhật. Khoản tiền này cao gấp 1,4 lần thu nhập trung bình hàng năm của người Việt Nam và những người đi lao động ở Nhật thường vay những khoản tiền rất lớn để thực hiện chuyến đi. Trong nhiều trường hợp, những người đi xuất khẩu lao động ngại lên tiếng khiếu nại khi bị chủ lao động ở Nhật Bản quấy rối tình dục hoặc các hình thức lạm dụng khác vì sợ mất việc.

Tính đến cuối năm 2023, có khoảng 405.000 lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Người Việt Nam chiếm khoảng một nửa con số đó, khoảng 203.000 người, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung cấp lao động lớn nhất ở Nhật. Để tiếp tục thu hút lao động từ Việt Nam, Nhật Bản phải nhanh chóng cải thiện điều kiện làm việc.

JICA và các đơn vị tham gia sáng kiến VJ-FERI có kế hoạch kêu gọi người sử dụng lao động trả hơn một nửa phí tuyển dụng cho các cơ quan tuyển dụng lao động tại Việt Nam. Các đơn vị tham gia VJ-FERI sẽ thiết lập một mạng lưới tuyển dụng giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam để tuân thủ chính sách này.

Công ước về các Cơ quan Việc làm Tư nhân, một hiệp ước quốc tế được ILO thông qua tại hội nghị chung năm 1997 và được Nhật Bản phê chuẩn năm 1999, cấm thu phí tuyển dụng và các chi phí khác từ người lao động. Nhưng hầu hết các nước châu Á không tham gia hiệp ước. Việt Nam và một số nước khác cho phép thu lệ phí và các chi phí khác.

Cạnh tranh dành cho người lao động ở nước ngoài đang ngày càng gay gắt trên toàn cầu. Nhật Bản trước đây đưa ra mức lương cao hơn một số quốc gia cạnh tranh, nhưng mức lương trung bình của lao động nước ngoài không có tay nghề ở Hàn Quốc đã tăng lên 271.000 yên (43 triệu đồng) mỗi tháng, so với 212.000 yên (34 triệu đồng) mỗi tháng của lao động nước ngoài ở Nhật Bản. Ở Đài Loan, mức lương trung bình của công nhân sản xuất nước ngoài thấp hơn, ở mức 143.000 yên (23 triệu đồng) mỗi tháng, nhưng đang tăng lên.

Đối với người sử dụng lao động, chi phí tuyển dụng sẽ tăng hàng trăm nghìn yên cho mỗi lao động theo quy định của sáng kiến VJ-FERI. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng sáng kiến mới này sẽ trở thành một tiêu chuẩn quốc tế khi ngày càng có nhiều quốc gia hướng tới sự tôn trọng quyền lợi của người lao động nhiều hơn. Để duy trì sự hấp dẫn đối với người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động sẽ phải đáp ứng những chi phí cao hơn đó thông qua việc cải thiện năng suất

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, Nhật có 2 triệu lao động nước ngoài tính đến tháng 10 năm 2023. JICA ước tính Nhật Bản sẽ cần 6,74 triệu lao động nước ngoài vào năm 2040 để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 1,24%.

Nhật Bản sẽ thay thế chương trình đào tạo lao động kỹ thuật hiện tại bằng hệ thống “đào tạo và việc làm” sớm nhất là vào năm 2027, với mục tiêu giảm bớt gánh nặng tài chính cho những lao động nước ngoài đến làm việc tại Nhật.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top