Chiến lược bảo vệ nhãn hiệu của Apple: bắt nạt, lấy tiền đè người

Khi Genevieve St. John bắt đầu một blog về đời sống tình dục vào năm 2019, cô đã thiết kế một logo hình quả táo cắt đôi màu xanh lá và hồng neon, với ý nghĩa ám chỉ bộ phận sinh dục nữ.
Không lâu sau khi nộp đơn đăng ký logo với Văn phòng Thương hiệu và Bằng sáng chế Mỹ ngay trong năm đó, St. John bất ngờ nhận được một ngạc nhiên không mấy dễ chịu: đơn của cô đã bị Apple tìm cách khiếu nại.
Trong hồ sơ khiếu nại dài 246 trang, các luật sư của nhà sản xuất iPhone viết rằng logo của St. John “có thể gây tổn hại đến uy tín của Apple, thứ mà công ty đã dày công vun đắp một phần bằng cách cố gắng không dính líu đến những nội dung đồi trụy hoặc tình dục công khai”
Chiến lược bảo vệ nhãn hiệu của Apple: bắt nạt, lấy tiền đè người
St. John, 41 tuổi, một giáo sư về nguồn nhân lực tại Chandler (Arizona, Mỹ), vô cùng chán nản. Vì không có tiền thuê luật sư đấu lại gã khổng lồ công nghệ, cô quyết định không tranh cãi với khiếu nại từ Apple. Điều đó đã giúp công ty nghiễm nhiên giành chiến thắng trước tòa.
Tôi thậm chí còn không thèm kiếm tiền từ nó” - St. John nói trên blog mà sau đó cô đã phải tạm ngừng thực hiện. “Nhưng đó là Apple mà, và tôi sẽ không tranh cãi với họ bởi tôi làm gì có cả triệu đô”
St. John là một trong hàng tá doanh nhân, doanh nghiệp và tập đoàn nhỏ mà Apple đã truy đuổi trong vài năm trở lại đây vì sử dụng những tên thương hiệu với từ “apple” hoặc logo hình quả táo. Từ 2019 đến 2021, Apple, công ty đại chúng có giá trị bậc nhất thế giới (2,6 nghìn tỷ USD), đã nộp 215 đơn khiếu nại thương hiệu để bảo vệ logo, tên gọi, hoặc danh xưng sản phẩm của mình. Con số này nhiều hơn hẳn tổng số 136 đơn của cả Microsoft, Amazon, Facebook, và Google gộp lại trong cùng khoảng thời gian đó.
Trên thực tế, từ “apple” phổ biến hơn so với những cái tên như Microsoft hay Google, và đó có lẽ là nguyên nhân giải thích cho con số khá cao kia. Nhiều “chuyên gia sao chép”, đặc biệt ở Trung Quốc, cũng đã và đang tìm cách vay mượn tên hoặc logo của Apple trong ngành công nghệ và giải trí để kiếm chút lợi nhuận.
Nhưng Apple thường nhắm đến những thực thể không liên quan đến công nghệ, hoặc có quy mô rất nhỏ. Họ thậm chí còn để ý đến những logo có hình các loại trái cây khác, như cam hoặc lê chẳng hạn.
Danh sách “nạn nhân” của Apple bao gồm một blog thức ăn từ Ấn Độ, Bộ Năng lượng, một trường công ở Wisconsin, và Mattel, nhà phát triển tựa game thẻ bài nổi tiếng Apples to Apples. Apple còn ngăn chặn một startup nhỏ tên Citrus (tên một giống cam) sử dụng logo hình...quả cam nữa. Năm ngoái, họ dàn xếp một vụ lùm xùm với ứng dụng chuẩn bị bữa ăn tên Prepear sau khi nhà phát triển ứng dụng đồng ý thay đổi một chiếc lá trên logo hình quả lê để trông bớt giống logo của Apple hơn.
Theo Christine Farley, một giáo sư tại Trường Luật Washington (thuộc Đại học Hoa Kỳ), nói rằng các chiến dịch của công ty lạm dụng “chiến thuật chèn ép, và trong nhiều trường hợp, Apple chẳng thiết phải ra tay để giúp mọi người khỏi nhầm lẫn”
Josh Rosenstock, một phát ngôn viên của Apple, nói rằng luật pháp “yêu cầu” công ty phải bảo vệ thương hiệu bằng cách nộp đơn khiếu nại lên Văn phòng Thương hiệu và Bằng sáng chế nếu cảm thấy lo ngại với những đơn đăng ký thương hiệu mới.
Khi chúng tôi thấy những đơn đăng ký quá trắng trợn hoặc có thể gây hiểu nhầm cho khách hàng của mình, bước đầu tiên là luôn phải ra tay và tìm cách giải quyết nhanh chóng và thân thiện. Hành động pháp lý luôn là giải pháp sau cùng của chúng tôi” - ông nói.
Apple thường nộp đơn khiếu nại thương hiệu đối với các thực thể đã nhận được phê chuẩn cho sử dụng logo hoặc tên gọi từ Văn phòng Thương hiệu và Bằng sáng chế. Trong những đơn khiếu nại đó, công ty tranh luận rằng “thương hiệu Apple quá nổi tiếng và dễ nhận diện” đến nỗi những thương hiệu khác sẽ làm suy yếu sức mạnh của nhãn hiệu của công ty, hoặc khiến “người tiêu dùng thông thường tin rằng người sở hữu thương hiệu có liên quan đến, liên kết với, hoặc được chứng thực bởi, Apple”
Một vài trong số những mục tiêu của Apple cho biết dù họ tin rằng thương hiệu mình sở hữu không xâm phạm tài sản của Apple, họ không thể chứng minh những đơn khiếu nại kia là vô căn cứ bởi không có đủ tài nguyên và nguồn lực để đấu lại công ty trước Hội đồng Kháng cáo và Phân xử Thương hiệu. Từ 2019 đến 2021, 37 thực thể, hoặc khoảng 17% những thực thể mà Apple hoặc công ty con Beats Electronics của họ khiếu nại, đã phải rút lại đơn đăng ký thương hiệu. 127 cá nhân hoặc tổ chức khác, tương đương 59%, không phản hồi lại khiếu nại và mặc định bị xử thua.
Chiến lược bảo vệ nhãn hiệu của Apple: bắt nạt, lấy tiền đè người
Stephanie Carlisi bị Apple khiếu nại vì đăng ký thương hiệu cho nghệ danh của mình là Franki Pineapple.
Stephanie Carlisi, một nhà soạn nhạc kiêm ca sỹ độc lập, cho biết cô đã bị sốc khi Apple nói nghệ danh của cô, Franki Pineapple, cũng gây ảnh hưởng đến thương hiệu của họ hồi năm 2020. Trong đơn khiếu nại, Apple thừa nhận biết rõ sự khác biệt giữa một quả táo và một quả dứa, nhưng nói rằng “cả hai đều là tên của các loại trái cây, và do đó tạo nên ấn tượng về mặt thương mại như nhau”. Công ty còn cân nhắc khiếu nại logo của Carlisi, vốn có hình một quả lựu đạn dứa đang phát nổ.
Đó thậm chí còn không phải một quả táo nữa” - Carlisi, 46 tuổi, cho biết. Cô mới chỉ bắt đầu tung nhạc lên Spotify gần đây sau 7 tháng sử dụng dịch vụ này. “Họ đang nói rằng mọi người không thể lấy những loại trái cây hay bất kỳ thứ gì có liên quan đến quả táo, là công ty của họ đấy”
Thành lập vào năm 1974, công ty ban đầu có tên gọi Apple Computer này không phải lúc nào cũng “hăng hái” kiện tụng như vậy. Trước năm 2000, họ chỉ nộp vài đơn khiếu nại thương hiệu mỗi năm, đỉnh điểm là 9 đơn vào năm 1989. Ít nhất một trong những đơn đó nhắm vào một nhà bán lẻ điện tử chuyên bán linh kiện máy tính dưới tên gọi “Pineapple”.
Trong những năm đó, Apple Computer thực ra lại là người bị khiếu nại thương hiệu. Năm 1978, Apple Corps, công ty sáng lập bởi nhóm nhạc The Beatles, từng kiện Apple Computer vì xâm phạm thương hiệu - đây là vụ kiện đầu tiên trong một loạt những tranh chấp pháp lý kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai công ty. Năm 2007, hai Apple cuối cùng cũng đồng ý trao cho công ty của Steve Jobs toàn bộ thương hiệu liên quan đến “Apple”.
Lúc này, Apple, không còn chữ “Computer” nữa, bắt đầu nộp hàng tá đơn khiếu nại thương hiệu mỗi năm.
Khi công ty càng mở rộng ra, đội ngũ pháp lý của họ càng cố gắng hạn chế tình trạng loãng thương hiệu - theo Barton Beebe, giáo sư tại Trường Luật Đại học New York. Theo lý thuyết về tài sản trí tuệ, lý lẽ đưa ra không phải là có người sẽ bị nhầm lẫn bởi hai thương hiệu khác nhau, mà là nếu cấp một thương hiệu mới sẽ khiến giá trị của logo hay thương hiệu đã nổi tiếng bị giảm đi - Beebe cho biết.
Loãng thương hiệu giống như chết vì bị hàng ngàn nhát cắt vậy, và bạn phải ngăn nhát cắt đầu tiên. Đó là lý lẽ phải cân nhắc” - Beebe nói.
Apple cũng lập ra một khuôn mẫu cho các đơn khiếu nại thương hiệu - theo Ashley Dobbs, giáo sư luật tại Đại học Richmond. Điều đó thể hiện qua những phản hồi của họ đối với hai đơn đăng ký thương hiệu khác nhau, trong đó công ty đã sử dụng câu cú không khác nhau là bao.
Chiến lược bảo vệ nhãn hiệu của Apple: bắt nạt, lấy tiền đè người
Một phản hồi như vậy nhằm vào Trường Appleton, một hệ thống giáo dục công tại Appleton, Wisconsin, có logo giống như ba quả táo lồng vào nhau. Phản hồi còn lại nhằm vào Big Apple Curry, một blog nấu ăn Ấn Độ ở New York, vì chính cái tên của blog. Trong các đơn khiếu nại của Apple đối với hai trường hợp này, nhiều phần đã được sao chép từng từ một nhằm nêu bật giá trị nhãn hiệu của công ty - “giá trị ước tính 206 tỷ USD” bởi Forbes vào năm 2019 - và “danh tiếng cũng như mức độ nhận dạng của người tiêu dùng ở một đẳng cấp đặc biệt”.
Đó là cách tiết kiệm chi phí khi theo đuổi nhiều người với cùng một lý lẽ” - Dobbs nói. Cô nói thêm rằng Apple thậm chí gay gắt hơn các công ty khác - như Disney và Warner Bros - vốn cũng rất hay đâm đơn kiện về tài sản trí tuệ.
Đôi lúc, Apple sẽ đề nghị Hội đồng Kháng cáo và Phân xử Thương hiệu được gia hạn thời gian khiếu nại một đơn đăng ký thương hiệu mới, rồi liên hệ với doanh nhân hoặc danh nghiệp liên quan để họ chỉnh sửa lại đơn của mình. Lacye Brown, 38 tuổi, một họa sỹ ở Atlanta chuyên vẽ hoạt hình về một nhân vật tưởng tượng tên Dr. Apples, cho biết mọi chuyện thật “quá quắt” khi mà Apple nộp giấy tờ đề nghị cho thêm thời gian để khiếu nại đơn đăng ký thương hiệu của cô vào năm 2020. Sau khi thảo luận với các luật sư của Apple, cô đã xem xét và chỉnh sửa lại đơn đăng ký cho phù hợp - điều đáng nói là Apple chưa bao giờ nộp đơn khiếu nại chính thức nhằm vào cô này!
Nhưng đến năm ngoái, Apple bỗng “nổi xung” khi Brown tìm cách đăng ký thương hiệu series podcast “Talk About Apples” - vốn dựa trên nhân vật Dr. Apples của cô. Trong đơn khiếu nại lần này, công ty khẳng định mọi người có thể nhầm lẫn podcast của Brown với dịch vụ podcast của công ty (Apple Podcast).
Đó là một vị bác sỹ phép thuật người Mỹ gốc Phi, nói về những chuyện tưởng tượng và quái vật, và ma cà rồng. Làm gì có chuyện người ta nhầm tôi với Apple được” - Brown nói. Dẫu vậy, cô vẫn rút đơn đăng ký thương hiệu cho series podcast của mình.
Chiến lược bảo vệ nhãn hiệu của Apple: bắt nạt, lấy tiền đè người
Lacye Brown và nhân vật Dr. Apples của cô
Năm 2019, Dr. Surya Reddy nộp đơn đăng ký thương hiệu logo và tên gọi của Apple Urgent Care, công ty điều hành chuỗi phòng khám ở Hạt Riverside của California. Apple can thiệp, nói rằng logo của ông, giống như của họ, đều bao gồm một quả táo khuyết một miếng và một “cái lá gắn nghiêng”.
Dr. Reddy nói rằng ông nghĩ Apple thật kỳ quặc, bởi họ nào phải một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y khoa. Nhưng ông không có tiền để tranh cãi và đã rút đơn.
Tôi là một công ty nhỏ thôi. Đứng trước họ, bạn cảm thấy thật nhỏ bé” - ông nói.
Về phía Carlisi, cô đã phản pháo lại Apple trước tòa và đạt được sự nhượng bộ. Apple đồng ý ngừng khiếu nại nếu cô đưa thêm một câu vào đơn đăng ký thương hiệu, rằng nghệ danh Franki Pineapple - ghép từ tên người cha sau của cô, Franki, và quả dứa, một biểu tượng của nữ quyền, nổi loạn - không phải tên thật của cô.
Dù theo đuổi vụ việc khiến cô thiệt hại khoảng 10.000 USD, Carlisi cũng được truyền một ít cảm hứng từ đó. Cô cho biết đĩa đơn đầu tiên của mình được sáng tác dựa trên nguồn cảm hứng mà cô có được sau trận chiến với Apple.
Tham khảo: NYTimes
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top