Chương trình cá mập trên kênh Discovery lan truyền đầy những thông tin sai lệch

“Shark Week” của kênh Discovery là chương trình truyền hình cáp dài hơi nhất trong lịch sử, với nội dung xoay quanh đời sống của loài cá mập vào mỗi mùa hè kể từ năm 1988. Chương trình này, mỗi lần phát sóng, đều thu hút được sự chú ý đặc biệt của người xem tại Mỹ mà chưa có chủ đề nào về khoa học hay bảo tồn có được.
Đây cũng là “sân khấu” lớn nhất trên lĩnh vực sinh học hải dương, mang đến cho các nhà khoa học cơ hội xuất hiện trước hàng triệu khán giả trên toàn cầu. Nhờ đó, họ có thể thu hút thêm sự chú ý và kêu gọi được nguồn tài trợ cần thiết để hỗ trợ cho quá trình phát triển sự nghiệp nghiên cứu.
Không may là, “Shark Week” không hoàn toàn tốt đẹp. Đúng như các nhà khoa học và giới chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã từ lâu đã tranh cãi, chương trình này là một nguồn thông tin sai sự thật và đầy phi lý về loài cá mập, về các nhà khoa học nghiên cứu chúng, và cách con người có thể giúp bảo vệ các loài động vật đang gặp nguy hiểm thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng.
David Shiffman, một nhà sinh học hải dương, đã cùng 5 cộng sự phân tích tính khoa học trong nội dung của các tập “Shark Week”. Họ đã thu thập tổng cộng 202 tập, xem kỹ chúng, và phân loại nội dung dựa trên hơn 15 tiêu chí, bao gồm địa điểm, các chuyên gia được phỏng vấn, các loài cá mập được đề cập đến, các công cụ nghiên cứu khoa học được sử dụng, số lần vấn đề bảo tồn cá mập được nhắc đến, và cách chương trình miêu tả cá mập.
Dù từ lâu đã không đề cao “Shark Week”, nhóm nghiên cứu vẫn sốc nặng trước những phát hiện của mình. Các tập “Shark Week” mà họ tìm hiểu chứa đầy thông tin sai sự thật, mang đến cho người xem một bức tranh hoàn toàn lệch lạc về lĩnh vực nghiên cứu loài cá này. Một số tập thậm chí còn ủng hộ hành vi quấy rối động vật hoang dã, và nhiều tập khác dường như lờ đi vô số cơ hội để cung cấp cho khán giả đại chúng những thông tin căn bản về bảo tồn cá mập.
Chương trình cá mập trên kênh Discovery lan truyền đầy những thông tin sai lệch
Một con cá mập đang được gỡ khỏi lưới đánh cá
Đầu tiên, hãy nói về một vài sự thật liên quan loài cá mập.
Cá mập và họ hàng của chúng, như cá đuối chẳng hạn, là những loài động vật có xương sống đang bị đe dọa nghiêm trọng nhất hành tinh. Khoảng 1/3 tổng số các loài cá mập đã biết hiện đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, “nhờ ơn” con người đã đánh bắt chúng một cách man rợ và bừa bãi.
Nhiều giải pháp về mặt chính sách, như đặt ra hạn mức đánh bắt, lập danh sách các loài được bảo vệ, và vạch ra các vùng cấm đánh bắt, đã được triển khai trên toàn cầu. Nhưng vẫn có không ít giải pháp cần đến sự chú ý và hỗ trợ từ chính cộng đồng. Ví dụ, người tiêu dùng có thể tránh mua hải sản sản xuất bằng các phương thức đánh bắt phi ổn định, tiềm ẩn nguy cơ bắt nhầm cá mập.
Nếu tập trung vào sai vấn đề, thì không thể đưa ra những giải pháp hữu ích được. Ví dụ, ban hành lệnh cấm bán vây cá mập tại Mỹ gần như chẳng mang lại kết quả tích cực nào nhằm giảm thiểu số lượng cá mập bị giết chết trên toàn cầu, bởi Mỹ chỉ chiếm khoảng 1% thị trường vây cá mập thế giới, và có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt cá mập bền vững của Mỹ.
Kênh Discovery khẳng định rằng bằng cách thu hút sự chú ý của khán giả đại chúng, “Shark Week” có thể giúp cung cấp kiến thức liên quan bảo tồn cá mập cho công chúng. Nhưng hầu hết chương trình không hề đề cập đến hoạt động bảo tồn, ngoài những lời nói vu vơ mơ hồ về việc cá mập cần giúp đỡ, trong khi chẳng miêu tả chút nào về những mối đe dọa chúng phải đối mặt hoặc làm sao để chỉ ra chúng.
Trong số 202 tập được Shiffman và các cộng sự đánh giá, chỉ 6 tập có đề cập đến những lời khuyên khả thi. Quá nửa trong số đó đơn giản là khuyên người xem ngừng ăn súp vây cá mập, một món đặc sản truyền thống của châu Á. Nhu cầu đối với súp vây cá mập có thể là nguyên nhân thôi thúc con người thực hiện hành vi “cắt vây” đầy man rợ - cắt vây khi con cá mập còn đang sống và ném sinh vật vừa bị “tùng xẻo” đó lên boong tàu cho chết từ từ. Nhưng cắt vây chưa phải là mối đe dọa lớn nhất với cá mập, và hầu hết người xem “Shark Week” tại Mỹ cũng chẳng hề ăn súp vây cá mập!

Nội dung câu view, không có tính nghiên cứu

Khi Shiffman và các cộng sự phân tích các tập “Shark Week” theo tiêu chí nghiên cứu khoa học, kết quả cho thấy chương trình này gần như “không dựa trên bất kỳ nghiên cứu khoa học nào”, ngoài những “kiến thức” không biết từ đâu ra mà họ xếp vào nhóm “khác”. Nhóm này bao gồm nhiều thứ phi lý như chế tạo một chiếc tàu ngầm trông như cá mập, hay một chiếc lồng cá mập công nghệ cao để quan sát hành vi loài cá này. Những tập đó tập trung vào khai thác rủi ro đối với các thợ lặn xuất hiện trước camera, đặc biệt khi các thiết bị nói trên bị hỏng, nhưng không đề cập đến bất kỳ câu hỏi mang tính nghiên cứu nào.
Những cảnh quay đó không cho thấy hoạt động nghiên cứu cá mập thực sự đang được thực hiện ngoài đời như thế nào. Trên thực tế, các nhà khoa học thường dùng đa dạng các phương pháp, từ theo dõi cá mập đã được gắn thẻ thông qua vệ tinh, đến các loại hình nghiên cứu tổng quát và khảo cổ được tiến hành hoàn toàn trong phòng thí nghiệm. Hiển nhiên những việc này lên phim sẽ chẳng gây hứng thú như những anh thợ lặn vây quanh bởi cả đàn cá mập, nhưng lại mang đến nhiều thông tin và dữ liệu hữu ích hơn hẳn.

Các “chuyên gia” trước ống kính

Các “chuyên gia” được phỏng vấn trong nhiều tập “Shark Week” cũng là vấn đề cần được bàn đến. Nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh dưới nước, Andy Casagrande, một nhà quay phim từng giành giải thưởng, là tác giả của khá nhiều cảnh phim trong “Shark Week”, và những tập do ông đảm nhận thường khá tuyệt vời. Nhưng khi có cơ hội lên tiếng, vị này luôn tự khoác lên mình tấm áo khoa học với những phát ngôn ngô nghê đầy huyễn hoặc - ví dụ, vừa chơi ma túy vừa lặn ngắm cá mập là một cách tuyệt vời để nghiên cứu về những sinh vật này (!?) - hay gọi những hành vi phổ biến của loài cá mập là những phát kiến mới của chính ông, tuy nhiên lại diễn giải sai ý nghĩa của chúng!
“Shark Week” còn không có sự tham gia của các chuyên gia thực thụ trên lĩnh vực nghiên cứu cá mập. Vấn đề ở đây là sắc tộc: 3 trong 5 địa điểm được quay nhiều nhất trong “Shark Week” là Mexico, Nam Phi, và Bahamas, nhưng số lượng các nhà khoa học da màu đại diện cho các quốc gia của chính họ thì chưa đến con số 5. Discovery nổi tiếng với việc thà đưa một nhà khoa học nam da trắng bay hơn nửa vòng trái đất đến địa điểm quay còn hơn là mời một nhà khoa học địa phương nào đó.
Chương trình cá mập trên kênh Discovery lan truyền đầy những thông tin sai lệch
Tiến sỹ Jayne Gardiner là một nhà khoa học nữ nổi tiếng chuyên nghiên cứu cá mập.
Chưa hết, dù hơn một nửa các nhà khoa học nghiên cứu cá mập ở Mỹ là nữ, bạn sẽ chẳng biết đến điều đó khi xem “Shark Week”. Trong số những người xuất hiện trong hơn một tập phim, thì những “chuyên gia” nửa vời là nam giới da trắng tên Mike thậm chí còn nhiều hơn các nhà khoa học nữ thuộc bất kỳ lĩnh vực hay mang bất kỳ cái tên nào.
Trong khi đó, đối thủ chính của kênh Discovery là National Geographic thì hợp tác với tổ chức “Minorities in Shark Sciences” (tạm dịch: “Giới thiểu số trong nghiên cứu cá mập”) để đa dạng hóa sự góp mặt của các chuyên gia trong các chương trình của mình.

Vậy làm cách nào để “Shark Week” có thể cải thiện được nội dung?

Shiffman đưa ra nhiều khuyến nghị. Đầu tiên, không phải mọi phim tài liệu đều cần phải khô khan, đi sâu vào các khái niệm khoa học nhàm chán, nhưng thông tin một khi được chia sẻ trên “sân khấu” lớn nhất của lĩnh vực sinh học hải dương cần phải chính xác và hữu ích. Những ý tưởng đậm màu phô trương như “Naked and Afraid of Sharks 2” của Discovery - một cuộc thi sức bền, trong đó người tham gia đeo mặt nạ, vây, và ống thở, nhưng không mặc quần áo - cho thấy khán giả sẽ xem bất kỳ thứ gì có sự góp mặt của cá mập. Vậy tại sao không thử làm một chương trình thật sự tốt?
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng có thể tập làm quen với việc xuất hiện trên truyền thông để tận dụng tốt hơn những cơ hội như “Shark Week” mà không khiến danh tiếng bị ảnh hưởng. Tương tự, sẽ thật tuyệt nếu có một dịch vụ tương tự “Yelp”, nơi các nhà khoa học có thể dùng để đánh giá trải nghiệm của họ với các công ty truyền thông. Các nhà sản xuất muốn hợp tác với các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực và sắc tộc có thể tìm đến các cơ sở dữ liệu như 500 Women Scientists và Diversify EEB.
Trong suốt thập kỷ qua, các nhà khoa học và các chuyên gia bảo tồn đã liên hệ với kênh Discovery để trình bày những quan ngại của họ về “Shark Week”. Discovery trước đây cũng từng cam kết sẽ tập trung hơn vào tính khoa học và giảm bớt tính giải trí của chương trình này, và quả thật một số tập đã có sự cải thiện.
Nhưng nhiều nội dung trong “Shark Week” vẫn đầy lỗi, phi khoa học, vô lý, hoặc không chút hữu ích. Do đó nếu là fan của chương trình này, có lẽ bạn nên cân nhắc trước khi tin tưởng bất kỳ nội dung nào mà nó đưa ra.
Tham khảo: SmithsonianMagazine
>> Tất tần tật về cá mập trắng khổng lồ - hung thần đại dương
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top