Có chip Make in Vietnam, nhưng sao không sản xuất tại nước ta?

Ngày 28/9/2022, FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch thuộc FPT Software - bất ngờ công bố sản xuất thành công chip vi mạch-dòng chip bán dẫn tích hợp (IC) Make in Vietnam, ứng dụng trong lĩnh vực y tế. Vậy là giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn bởi trí tuệ Việt đã thành hiện thực. 1- Chip được ví như “bộ não” của tất cả các hệ thống tự động hóa, hệ thống máy móc, nhà cửa thông minh và là “linh hồn” của các cuộc cách mạng công nghiệp, nhất là công nghiệp 4.0 hiện nay. Giấc mơ làm được con chip của nước ta được hình thành và bắt đầu nghiên cứu từ những năm 1975, thời ông Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Cách đây hơn 10 năm, Bộ Khoa học và Công nghệ khi xây dựng Chương trình sản phẩm quốc gia đã lấy vi mạch là 1 trong 6 sản phẩm đầu tiên trình Chính phủ phê duyệt. Từ đó Bộ Khoa học và Công nghệ đã khởi động bằng Dự án thiết kế chip, giao cho Trung tâm vi mạch Đại học Quốc gia T.P Hồ Chí Minh thực hiện và cho kết quả: Đã thiết kế thành công chip 8 bit, sau đó là chip 32 bit. Đó là những con chip đầu tiên Make in Việtnam, nhưng nó vẫn chỉ nằm trong phòng thí nghiệm. Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) kiến nghị được tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. Trước đó, Vingroup và FPT đã tiến hành nghiên cứu sản xuất chip, nhưng chưa đạt kết quả. Quả là bất ngờ, khi giờ đây có thông tin, con chip do các kỹ sư của FPT “trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc” được chuyển tới một nhà máy tại Hàn Quốc để sản xuất, đóng gói, sau đó đưa sản phẩm đến thị trường một số nước. FPT Software định hướng sẽ tập trung triển khai, cung cấp chip Make in Vietnam đến các tập đoàn công nghiệp trong nước, nhằm góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2023- 2025; tiếp theo sẽ cung ứng ra thị trường toàn cầu khoảng 25 triệu đơn vị chip với 7 dòng chip khác vào các năm sau, phục vụ cho lĩnh vực công nghệ, viễn thông, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh, trở thành nhà cung cấp chip thương hiệu Việt cho chính các công ty, tập đoàn ở trong nước. Thành tựu của FPT Semiconductor đánh dấu cột mốc lớn trên chặng đường phát triển của FPT và đóng góp không nhỏ vào chương trình “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam” do Bộ Thông tin Truyền thông phát động. 2- Tuy nhiên, nhìn ở góc độ ngành công nghiệp bán dẫn nước ta thì đó mới chỉ là thành công bước đầu. Còn nhớ, khi chúng ta khởi động Dự án làm căn cước công dân có gắn chip, nhiều ý kiến đưa ra, chúng ta cần thiết kế và sản xuất loại chip này tại Việt Nam, vì chip loại này đơn giản nhất. Nhưng rồi điều đó cũng không thành hiện thực. Vì sao? Trả lời cho câu hỏi, ta hãy nhìn từ thuận lợi và khó khăn: Việt Nam đã thành lập các trung tâm vi mạch, có khoa đào tạo vi mạch ở trường đại học và sản sinh ra một đội ngũ thiết kế chip khá hùng hậu. Theo Gs-Ts Đặng Lương Mô, nhà khoa học về vi mạch làm việc tại Nhật, nguồn nhân lực thiết kế tại Việt Nam khá đông, có hàng ngàn kỹ sư giỏi. Quả thật, rất nhiều người Việt giỏi trong thiết kế vi mạch, đã và đang thiết kế vi mạch cho những công ty điện tử lớn tại Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Thụy Điển… Họ đã có đóng góp vào việc thiết kế những con chip “siêu đẳng” cao tần và chip 5G. Nhưng để sản xuất được con chip tại nước ta, từ khâu thiết kế đến thành phẩm có lẽ vẫn còn là giấc mơ, bởi nó cần rất nhiều yếu tố: vốn đầu tư xây dựng nhà máy; tiền mua vật liệu; công nghệ và sau đó là trình độ lao động. Ước tính, chi phí đầu tư một nhà máy sản xuất bán dẫn khoảng 15 - 20 tỷ USD và mất thời gian 3 - 4 năm, tùy thuộc quy mô, công nghệ mà mức đầu tư có thể còn lớn hơn rất nhiều. Việc đảm bảo vật liệu sản xuất: gồm đất hiếm và dược phẩm sinh học cũng là một vấn đề không nhỏ. Ngành vật liệu điện tử Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là con số 0. Samsung Electronics năm ngoái có kế hoạch chi 355 tỷ USD vào chất bán dẫn và dược phẩm sinh học trong vòng 5 năm để sản xuất chip. Còn nước ta kiếm đâu ra vốn lớn? Khi có nhà máy sản xuất chip thì nước ta vẫn phải nhập khẩu toàn bộ vật liệu điện tử. Ở các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản, nguyên liệu làm chip cũng là vấn đề làm “đau đầu” các nhà sản xuất; Việc mua máy móc sản xuất, đúc chip cũng không hề dễ, vì “bí kíp” này chỉ nằm trong tay rất ít công ty trên thế giới, có tiền cũng chưa chắc đã mua được. Giả thử, khi ta sản xuất được chip với quy mô lớn thì sản phẩm phải đạt “đẳng cấp” công nghệ tương đương một số hãng sản xuất chip lớn nhất hiện có trên thế giới và giá không được cao hơn thì mới hy vọng bán được. Chỉ riêng số vốn xây dựng thôi đã không nên đặt vấn đề xây dựng nhà máy sản xuất chip của nước ta ở thời điểm này. Thời điểm này nước ta chỉ có cơ hội trở thành “cứ điểm” sản xuất chip của thế giới-nơi đặt nhà máy, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của các tập đoàn điện tử tên tuổi như Samsung, LG, Intel, Apple, Compal, Xiaomi. Cuối tháng 8 vừa qua, Công ty Synopsys Mỹ thông báo, sẽ đào tạo kỹ sư điện tại Việt Nam và hỗ trợ Khu công nghệ cao T.P.Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm thiết kế chíp thông qua chương trình tài trợ phần mềm.
Có chip Make in Vietnam, nhưng sao không sản xuất tại nước ta?
Nhà máy của Intel tại Việt Nam Những năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử, vi mạch nước ta phát triển mạnh, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Việt Nam hiện đứng thứ 9 trên thế giới ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Trong 8 tháng của năm 2022, điện thoại và linh kiện điện tử có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 39,6 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo đến năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD. Hiện nay Công ty Intel Products Vietnam, thuộc Tập đoàn Intel của Mỹ và Tập đoàn Samsung là 2 trong 3 nhà sản xuất chíp lớn nhất thế giới đã đầu tư sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Samsung dự kiến khánh thành Trung tâm R&D tại Hà Nội vào đầu năm 2023. Đây cũng là trung tâm R&D không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á. Đó là bước tiến lớn trong thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao ở nước ta.
Có chip Make in Vietnam, nhưng sao không sản xuất tại nước ta?
Nhà máy của Samsung tại Việt Nam Nếu Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất chip lớn trong khu vực, thì các ngành công nghiệp khác sẽ có nguồn chip sản xuất nội địa, qua đó giúp giảm chi phí logistics, và còn là cơ hội để chúng ta tự phát triển các công nghệ tiên tiến, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển. Hiện tại nước ta chỉ là nước sử dụng chip ở quy mô lớn, nhưng để trở thành một quốc gia gọi là “có nền công nghiệp bán dẫn” thực sự còn phải trải qua nhiều gian khó. Chúng ta không từ bỏ giấc mơ “con đường bán dẫn Việt Nam”, nhưng bắt đầu bằng việc thu hút các tập đoàn công nghệ mở rộng đầu tư trong ngành công nghệ cao này, từ đó sản xuất các sản phẩm phụ trợ, dịch vụ gia tăng của sản phẩm chip để nuôi dưỡng “con đường bán dẫn” của Việt Nam cũng là một cách đi đúng hướng. ĐĂNG NGỌC
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top