VNR Content
Pearl
Tình trạng "lạm phát" các dự án điện mặt trời đã được đề cập đến rất nhiều trong 2-3 năm trở lại đây. Và điện gió, dường như cũng đang chạy đua về số lượng, nếu không được quản lý, điều tiết phù hợp có thể cũng sẽ lạm phát như điện mặt trời trước đây.
(Ảnh minh họa) Trên thực tế, việc phát triển các dự án điện gió ít được thấy truyền thông ầm ĩ như các dự án điện mặt trời trước đó. Ấy vậy mà, trong một thời gian chưa quá lâu, con số hơn 140 dự án đã được cấp phép và triển khai với tổng vốn đầu tư hàng chục tỉ USD không khỏi khiến chúng ta giật mình. Giá FIT khuyến khích đầu tư, nhưng kéo dài quá sẽ gây hệ lụy Ngay tại lúc này, từ phía các cơ quan quản lý, chính quyền tại các địa phương, ngành điện lực…, chưa thấy có bất kỳ sự cảnh báo chính thức nào về tình trạng lạm phát hoặc có thể lạm phát các dự án điện gió trên đất liền và ngoài khơi. Song những con số dự án điện gió đã lên đến hàng trăm đã và đang triển khai, đi vào vận hành, đang thực sự phát đi một cảnh báo không hề thừa (như tình trạng bùng phát điện mặt trời trước đây), và cho thấy việc quản lý, cấp phép cần được kiểm soát một cách chặt chẽ hơn. Bởi hàng chục tỉ USD đổ vào một lĩnh vực là điện gió chỉ trong một vài năm, rõ ràng về giá trị đầu tư rất lớn và cường độ đầu tư cũng dồn dập. Doanh nghiệp, nhà đầu tư nói chung cứ thấy có lợi thì làm. Tuy nhiên, từ tình trạng “đói góp, no dồn” điện mặt trời trước đây, càng cho thấy công tác quản lý, kiểm soát việc cấp phép và triển khai điện gió hiện nay không thể thiếu tập trung hoặc lơ là. Sự điều tiết quy hoạch về công suất điện gió có lẽ đã trở thành vấn đề khi nhu cầu đầu tư đang rất lớn, nguồn vốn cũng không thiếu, từ đó rất dễ xảy ra tình trạng lạm phát, tràn lan phá vỡ quy hoạch. Bài học về sự bùng phát tràn lan các dự án điện mặt trời lớn nhỏ trong những năm qua đã quá rõ. Và không quá nếu cho rằng, hãy coi chừng rồi điện gió cũng có thể sẽ đi vào “vết xe đổ” như điện mặt trời trước đây. Sự bùng phát các dự án điện mặt trời trong thời gian qua, cụ thể là từ năm 2017 đến nay, là nhờ vào cơ chế, chính sách giá mua điện ưu đãi (FIT) từ phía ngành điện. Và điện gió cũng vậy, từ cơ chế giá FIT, doanh nghiệp nhìn thấy có lợi mới đổ tiền vào đầu tư. Bài toán quản lý ở đây chính là sự điều tiết, cân đối tỉ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện theo mục tiêu phát triển của ngành và nhu cầu của quốc gia, để từ đó có sự “nắn chỉnh” về cơ chế, chính sách giá FIT. Thậm chí, khi mục tiêu đã được hoàn thành trước tiến độ, nguồn cung năng lượng tái tạo vượt cầu, chính sách giá FIT có thể phải tạm dừng và thay thế bằng cơ chế khác phù hợp hơn. Nhờ cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đến nay loại năng lượng này đã chiếm 25% cơ cấu nguồn điện, tương đương khoảng 22.000 MW. Đây là mức tăng trưởng khá nhanh chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây. Trong đó, hơn 16.000 MW là điện mặt trời và hơn 4.000 MW là điện gió. Tùy theo thời kỳ, giá FIT có lúc có tác dụng khuyến khích, thúc đẩy đầu tư theo mục tiêu của ngành, của quốc gia; nhưng nếu kéo dài quá lâu cũng có thể dẫn đến hệ lụy. Dạ Thảo