Con người ngày càng lạm dụng chất làm ngọt trong thức ăn và đồ uống, nhất là các nước nghèo

Con người từ lâu đã tiến hóa theo hướng thích đồ ngọt. Thức ăn có vị ngọt, như trái cây và mật ong, từng là một nguồn năng lượng quan trọng đối với tổ tiên chúng ta.
Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, thức ăn ngọt là thứ cực kỳ phổ biến, giá cả lại rẻ không tưởng, lại còn được quảng cáo rầm rộ nữa. Chúng ta đang tiêu thụ quá nhiều đường trong thức ăn và đồ uống - loại đường được bổ sung vào thay vì hình thành một cách tự nhiên.
Tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung cực kỳ có hại cho sức khỏe. Nó góp phần dẫn đến bệnh béo phì, tiểu đường type 2, và sâu răng.
Bởi những quan ngại về sức khỏe đó, các nhà sản xuất đã bắt đầu sử dụng các loại chất thay thế đường để làm ngọt thức ăn. Những chất này chứa rất ít (hoặc không chứa) năng lượng, và bao gồm cả chất làm ngọt nhân tạo như aspartame, và chất làm ngọt có nguồn gốc tự nhiên, như stevia.
Nghiên cứu gần đây, được đăng tải trên trang ScienceAlert, cho thấy lượng đường bổ sung và chất thay thế đường trong thức ăn và đồ uống đóng hộp đã tăng lên đáng kể trong thập kỷ qua. Điều này đặc biệt đúng tại các quốc gia có thu nhập trung bình, như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Úc.
Con người ngày càng lạm dụng chất làm ngọt trong thức ăn và đồ uống, nhất là các nước nghèo

Từ kẹo que đến bánh quy và đồ uống

Sử dụng dữ liệu sale thị trường trên toàn cầu, các nhà nghiên cứu đã đánh giá số lượng đường bổ sung và chất thay thế đường bên trong các loại thức ăn và đồ uống đóng gói từ năm 2007 đến 2019.
Họ phát hiện ra rằng, khối lượng chất thay thế đường trên mỗi đầu người trong đồ uống hiện cao hơn so với trước đây đến 36%. Trong khi đó, khối lượng đường trong thức ăn đóng gói thì cao hơn 9%.
Chất thay thế đường được sử dụng phổ biến nhất trong ngành công nghiệp bánh kẹo. Kem và bánh ngọt là nhóm thức ăn có khối lượng chất làm ngọt tăng nhiều nhất. Việc đường bổ sung và các loại chất làm ngọt khác được sử dụng ngày một rộng rãi trong thập kỷ qua đồng nghĩa nguồn cung thức ăn đóng gói của chúng ta đang dần trở nên ngọt hơn.
Phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy lượng đường bổ sung được sử dụng để làm ngọt đồ uống đã tăng mạnh trên toàn cầu. Tuy nhiên, lý do của sự gia tăng đó phần lớn là do mức tăng 50% tại các quốc gia có thu nhập trung bình, như Trung Quốc và Ấn Độ. Tại các quốc gia thu nhập cao, như Úc và Mỹ, các chất làm ngọt được sử dụng ngày càng ít.
Theo khuyến cáo, nam giới nên tiêu thụ ít hơn 9 muỗng cà phê đường mỗi ngày, trong khi nữ giới là dưới 6. Tuy nhiên, bởi đường được bổ sung vào quá nhiều loại thức ăn và đồ uống, quá nửa số người Úc đã tiêu thụ vượt mức khuyến cáo, trung bình đến 14 muỗng cà phê mỗi ngày!
Sự chuyển đổi từ việc sử dụng đường bổ sung sang chất làm ngọt diễn ra phổ biến nhất với đồ uống có gas và nước đóng chai.
Con người ngày càng lạm dụng chất làm ngọt trong thức ăn và đồ uống, nhất là các nước nghèo
Một số chất làm ngọt thay thế đường phổ biến.

Các quốc gia giàu và nghèo

Có một sự khác biệt trong việc sử dụng đường bổ sung và chất thay thế đường giữa các quốc gia giàu và nghèo. Thị trường thức ăn và đồ uống đóng gói ở các quốc gia thu nhập cao đã trở nên bão hòa. Để tiếp tục phát triển, các công ty thức ăn và đồ uống lớn đã và đang mở rộng sang các quốc gia thu nhập trung bình.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một tiêu chuẩn kép trong việc làm ngọt thức ăn: các nhà sản xuất thường cung cấp các sản phẩm ít ngọt hơn, khỏe mạnh hơn, tại các quốc gia giàu hơn!

Hậu quả khôn lường

Để giảm nguy cơ gây hại cho sức khỏe đến từ việc nạp đường bổ sung, nhiều chính phủ đã ra tay nhằm hạn chế sử dụng và tiêu thụ chúng. Thu thuế đường, các chiến dịch giáo dục, hạn chế quảng cáo, và dán nhãn cảnh báo chỉ là một vài giải pháp được đưa ra.
Nhưng những hành động đó có thể khuyến khích các nhà sản xuất thay thế một phần hoặc hoàn toàn đường bằng chất thay thế đường để tránh bị phạt hoặc đáp ứng sở thích của người tiêu dùng.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tại những khu vực ban hành nhiều chính sách để giảm mức tiêu thụ đường, lượng chất thay thế được được sử dụng trong đồ uống đã tăng lên đáng kể.

Tại sao đây là một vấn đề

Nhiều nghiên cứu gần đây cho biết tiêu thụ chất thay thế đường có thể góp phần dẫn đến tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch, thậm chí có thể phá hoại hệ vi sinh trong ruột.
Và bởi có vị ngọt, tiêu thụ những chất thay thế đường cũng ảnh hưởng đến vòm miệng của chúng ta và thôi thúc chúng ta muốn ăn nhiều thức ăn ngọt hơn. Điều này đặc biệt đáng quan ngại đối với trẻ em, nhóm đối tượng vẫn đang trong quá trình phát triển sở thích về hương vị cho cuộc sống sau này.
Bên cạnh đó, một số chất thay thế đường nhất định còn chứa các chất gây nhiễm độc môi trường và không thể loại bỏ hoàn toàn khỏi nước thải được.
Các chất thay thế đường chỉ xuất hiện trong các thức ăn siêu xử lý - những loại thức ăn công nghiệp, chứa các nguyên liệu mà bạn thường không thấy trong bếp các hộ gia đình, và được thiết kế để mang lại cảm giác “siêu thèm thuồng”. Ăn nhiều thức ăn siêu xử lý có thể dẫn đến bệnh tim mạch, tiểu đường type 2, ung thư, và thậm chí là tử vong.
Thức ăn siêu xử lý còn gây hại cho môi trường bởi chúng sử dụng một lượng tài nguyên đáng kể, như năng lượng, nước, vật liệu đóng gói, và chất thải nhựa.
Thức ăn có chứa chất làm ngọt có thể được dán nhãn an toàn nếu không chứa đường, làm cộng đồng hiểu nhầm, và khiến các loại thức ăn tự nhiên, giàu dinh dưỡng bị ngó lơ trong các bữa ăn.

Tập trung vào dinh dưỡng

Khi xây dựng các chính sách nhằm cải thiện dinh dưỡng cộng đồng, điều quan trọng là phải cân nhắc những hậu quả không lường trước được. Thay vì tập trung vào những dưỡng chất cụ thể, cần đánh giá những mặt rộng hơn, bao gồm tầm quan trọng về văn hóa, mức độ xử lý, và tác động lên môi trường. Những chính sách đó cần khuyến khích người dân chọn thức ăn dinh dưỡng thay vì thức ăn xử lý.
Chúng ta cũng cần phải giám sát chặt chẽ hơn việc sử dụng chất làm ngọt trong thức ăn và đồ uống, cũng như việc lạm dụng đường bổ sung và các chất thay thế đường. Điều đó sẽ góp phần hình thành nên sở thích về hương vị trong tương lai của chúng ta, những lựa chọn về thức ăn, và sức khỏe cho người dùng lẫn hành tinh.
Tham khảo: ScienceAlert
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top