Công ty nào buộc nhân viên phải nghỉ phép có lương một năm?

N
Nguyễn Văn Sơn
Phản hồi: 0
Bạn nghỉ làm cả năm nhưng vẫn nhận đủ lương – với một điều kiện duy nhất: không được làm cho đối thủ của công ty. Nghe tưởng chuyện đùa, nhưng điều này đang thật sự xảy ra trong ngành AI.

Mới đây, theo Business Insider, để giữ chân các nhân tài AI cốt lõi và ngăn họ nhảy việc sang các công ty đối thủ như OpenAI hay Microsoft, Google DeepMind đã triển khai một chiến lược khá cực đoan: buộc một số nhân viên phải nghỉ việc có hưởng lương trong 12 tháng – kèm theo cam kết không được đầu quân cho đối thủ. Đây là một hình thức “về vườn” (garden leave) kết hợp với thỏa thuận không cạnh tranh kéo dài cả năm.

Hiểu nôm na, DeepMind thà trả lương để bạn ở nhà một năm còn hơn để bạn làm việc cho công ty khác.
1744170197340.png

“Garden leave” là gì?​


Khái niệm này có nguồn gốc từ Anh, được hiểu là giai đoạn nhân viên nghỉ làm sau khi thông báo nghỉ việc nhưng vẫn được công ty giữ lương, nhằm hạn chế rò rỉ thông tin nhạy cảm hoặc lôi kéo đồng nghiệp. Tại DeepMind, hình thức này được đẩy lên mức tối đa: kéo dài tới 12 tháng.

Là một trong những trung tâm nghiên cứu AI quan trọng nhất của Google, DeepMind đã phát triển nhiều công nghệ tiên tiến như AlphaFold và Gemini. Các kỹ sư và nhà nghiên cứu ở đây được xem là “huyết mạch” của công ty. Trong bối cảnh OpenAI, Anthropic, Mistral hay xAI không ngừng “săn đầu người”, Google rõ ràng lo sợ tình trạng “người đi, công nghệ đi theo”.

Để đối phó, DeepMind chọn cách dùng tiền để “mua thời gian” – giữ người cũ trong trạng thái không thể làm việc cho đối thủ, từ đó làm chậm lại tốc độ phát triển của các công ty khác.

Cam kết bị giấu trong hợp đồng​


Một số cựu nhân viên DeepMind chia sẻ rằng các điều khoản không cạnh tranh thường được lồng ghép sẵn trong hợp đồng lao động mà không được nhấn mạnh rõ ràng lúc ký. Chỉ khi nhân viên muốn rời công ty để đầu quân cho những cái tên như OpenAI, Microsoft, Meta hay Anthropic, họ mới “ngã ngửa” vì bị ràng buộc bởi điều khoản này.
Thời hạn không cạnh tranh tùy thuộc vào vai trò: kỹ sư phát triển các dự án như Gemini thường bị ràng buộc 6 tháng; trong khi các nhà nghiên cứu cao cấp có thể bị “đóng băng” cả năm. Trong thời gian này, họ không được phép làm việc, tư vấn, đầu tư hoặc công bố bất kỳ kết quả nghiên cứu nào liên quan tới AI cho công ty đối thủ.

Về phía DeepMind, công ty chỉ đưa ra phản hồi ngắn gọn: “Chúng tôi tuân thủ các tiêu chuẩn ngành. Vì tính chất nhạy cảm của công việc, chúng tôi áp dụng các điều khoản không cạnh tranh trong giới hạn hợp lý để bảo vệ lợi ích kinh doanh”.

Cản trở đổi mới, chặn đứng cơ hội​


Thế nhưng, trong một lĩnh vực thay đổi gần như từng tháng như AI, bị cấm làm việc 6 đến 12 tháng không khác gì tự tước đi tương lai.

Một cựu nhân viên bình luận: “Trong AI, ai chờ bạn được 6 tháng? Khi bạn trở lại, mọi thứ có thể đã thay đổi hoàn toàn”. Một người khác nói: “Chỉ cần đi trước nửa năm, bạn đã có thể chiếm lĩnh thị trường. Đi sau nửa năm, thậm chí có thể không còn cửa ra mắt sản phẩm”.

Nhiều người định rời DeepMind để khởi nghiệp hoặc tham gia startup đã buộc phải dừng lại vì không còn kịp nắm bắt các cơ hội gọi vốn hoặc hợp tác ban đầu. Trong khi đó, luật pháp California – nơi đặt trụ sở Google – lại cấm triệt để các thỏa thuận không cạnh tranh. Thậm chí từ năm 2023, bang này còn làm rõ rằng dù ký ở nơi khác, những điều khoản kiểu này vẫn không có hiệu lực nếu nhân viên làm việc tại California.

Tuy nhiên, trụ sở chính của DeepMind lại đặt tại London, nơi luật pháp cho phép áp dụng các thỏa thuận không cạnh tranh “hợp lý”, miễn là công ty chứng minh được sự cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình.


Điều này đã khiến một số nhân viên DeepMind cân nhắc việc chuyển tới California để thoát khỏi những ràng buộc đó hoàn toàn.

Giữ bí mật hay ngăn chặn tiến bộ?​


Tranh cãi đang ngày càng lớn. Nando de Freitas – cựu giám đốc AI của DeepMind, hiện là Phó Chủ tịch tại Microsoft – công khai lên tiếng trên mạng xã hội rằng mỗi tuần ông đều nhận được tin nhắn từ nhân viên DeepMind hỏi cách thoát khỏi thỏa thuận không cạnh tranh. Ông thậm chí khuyên mọi người: “Đừng ký vào những hợp đồng như vậy. Không một công ty Mỹ nào nên có quyền lực như vậy ở châu Âu.”

Ông còn chỉ đích danh hai lãnh đạo hiện tại của DeepMind – Giám đốc công nghệ Koray Kavukcuoglu và Giám đốc nghiên cứu Douglas Eck – rằng họ cũng không đồng tình với các điều khoản đó, ít nhất là trong các cuộc trao đổi riêng tư.

Nhiều nhà nghiên cứu AI khác cũng bày tỏ sự bức xúc. Một người viết: “AI được xem là công nghệ dân chủ hóa toàn cầu, nhưng Google lại dùng một tờ giấy để ngăn chặn tri thức.”

Điều này dẫn đến câu hỏi lớn hơn: Khi công nghệ tiến bộ theo tuần, theo tháng, liệu các công ty còn nên có quyền giữ nhân tài “bất động” suốt cả năm không?

Giờ đây, AI không chỉ là công cụ mà đã trở thành hạ tầng. Và những thỏa thuận như của DeepMind đang trở thành “vũ khí hạt nhân” trong cuộc chiến giữa các gã khổng lồ công nghệ. Nhưng trong cuộc chiến không có bom đạn ấy, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là các kỹ sư – những người bị buộc phải im lặng và đứng ngoài cuộc chơi.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top