Cuộc sống khốn khổ của người nhập cư trong các nhà máy thịt ở châu Âu

Từng centimet trên cơ thể Margot đều đau nhức do phải làm việc không ngừng. Tay của cô chảy máu do những vết rộp vỡ ra khi cô lặp đi lặp lại thao tác lóc thịt, nhưng cô sẽ phải đợi đến khi về nhà mới có thể khử trùng vết thương. “Nếu bạn không làm tốt việc của mình, bạn sẽ bị đào thải – họ không quan tâm dù tay bạn có đầy máu”, cô nói.
Cuộc sống khốn khổ của người nhập cư trong các nhà máy thịt ở châu Âu
Đây hoàn toàn không phải là công việc mà Margot tưởng tượng khi cô nghỉ việc tại nhà máy may gần quê nhà Romania để tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho gia đình trẻ của mình tại Tây Âu. Cô nghĩ rằng điều kiện lao động ở Hà Lan – nơi cô làm việc trong nhà máy thịt được 3 năm – sẽ tốt hơn nhiều so với công việc ở đất nước của cô. “Tôi không nghĩ nó sẽ tồi tệ đến vậy”.
Cuộc sống của một công nhân nhà máy thịt có thể tàn khốc một cách dã man. Nhưng Margot sớm nhận ra rằng có hai loại công nhân: lao động chính thức (theo cô thì phần lớn là người Hà Lan) và lao động thời vụ (hầu hết là người nhập cư như Margot), đây là nhóm công nhân phải làm việc vất vả hơn, nhanh hơn, nhưng thu nhập thấp hơn. “Những công nhân được công ty thuê trực tiếp có nhiều quyền lợi hơn, công việc nhẹ nhàng hơn, ổn định và có giờ giấc”, cô nói.
Ngành công nghiệp thịt của Châu Âu trị giá hàng tỷ bảng Anh và mang lại việc làm cho khoảng 1 triệu người. Nhưng các công đoàn ước tính có vài nghìn công nhân ở một vài nước đang làm việc thời vụ thông qua các công ty môi giới và nhà thầu phụ, những công nhân này có thu nhập thấp hơn 40% – 50% so với lao động chính thức trong cùng một nhà máy.
Tờ The Guardian đã có cuộc trao đổi với các quan chức, chuyên gia về người lao động và những người lao động, như Margot, về ngành công nghiệp thịt trên khắp Châu Âu (bao gồm cả Anh) đã trở nên phụ thuộc như thế nào vào nguồn lao động thuê ngoài với hệ thống lao động hai cấp.
“Toàn bộ hệ thống đã thối rữa!”, Nora Labo, một quan chức của công đoàn Ireland, phát biểu trước Quốc hội Ireland hồi năm ngoái khi nói về các nhà máy sản xuất thịt và những “hành vi vô đạo đức” của một số cơ quan liên quan. “Đó là cách để người sử dụng lao động trốn tránh mọi trách nhiệm đối với người lao động của họ”.

Thịt rẻ và bóc lột lao động​

Ngành công nghiệp thịt tại Châu Âu đã trở thành một vấn đề chính trị nổi cộm vào năm 2020 khi các nhà máy trở thành ổ dịch COVID-19. Lao động thời vụ là nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, nhiều người lao động cho biết họ không được trả lương khi nghỉ ốm và họ sợ mất việc nếu không thể làm việc khi nghỉ ốm. Ngoài ra, chỗ ở không đảm bảo tiêu chuẩn – thường rất tồi tàn, ẩm thấp – khiến việc giãn cách hay cách ly là một thách thức cực kỳ khó khăn. Ngoài ra, nhiều công ty thiếu các dữ liệu cần thiết để truy vết khi xuất hiện dịch bệnh.
“Mô hình nhà thầu phụ ở Châu Âu là vấn đề cốt lõi của việc bóc lột và xâm phạm quyền lợi trong ngành công nghiệp thịt”, James Ritchie, trợ lý Công đoàn Lao động Ngành thực phẩm Quốc tế có trụ sở tại Geneva, cho biết. Việc sử dụng lao động thông qua các công ty môi giới trong ngành công nghiệp thịt ở Châu Âu phổ biến hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào trên thế giới, ông nói thêm.
Công đoàn hiện đang kêu gọi lệnh cấm ngay lập tức việc sử dụng lao động thời vụ trong ngành công nghiệp thịt trên khắp Châu Âu. “Bạn có những công nhân đứng san sát nhau làm cùng một công việc, nhưng quyền lợi lại khác nhau”, Enrico Somaglia, phó tổng thư ký Công đoàn Thương mại Thực phẩm, Nông nghiệp và Du lịch Châu Âu, cho biết. “Đó là [một hệ thống] dựa trên thịt giá rẻ và bóc lột lao động”.
Cuộc sống khốn khổ của người nhập cư trong các nhà máy thịt ở châu Âu
Các đơn vị trung gian – như nhà thầu phụ, đại lý độc quyền, công ty đa dịch vụ, công ty môi giới và hợp tác xã – đã mọc lên như nấm sau mưa để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp này về nguồn bổ sung lực lượng lao động linh hoạt, mức lương thấp. Những đơn vị này tuyển dụng, trả lương và quản lý ca làm của công nhân; họ cũng thường cung cấp và hỗ trợ chỗ ở, xe đưa đón đến nhà máy.
Mối quan hệ giữa công ty chế biến thịt và công nhân không phải là quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động; mà đơn vị trung gian mới là bên đóng vai trò người sử dụng lao động, hoặc công nhân được xác định là lao động tự do (thường không chính xác). Hệ thống này có thể xóa bỏ trách nhiệm của các công ty chế biến đối với công nhân làm việc tại nhà máy và cho phép họ trốn tránh trách nhiệm pháp lý đối với các vấn đề như lương bổng, thời gian làm việc, tai nạn và thương tích trong một môi trường lao động được xem là nguy hiểm và ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất.

Công nhân cảm thấy bất lực​

Tờ The Guardian đã tìm hiểu điều kiện làm việc của những người lao động thời vụ, họ không có lịch làm việc cố định, không cam kết số giờ làm việc tối thiểu và không được nghỉ ốm có trả lương theo luật định. Những công nhân này mô tả cuộc sống của họ luôn trong tình trạng vô cùng bất an vì họ không nói được tiếng bản địa và phải chật vật để hiểu được các điều khoản thỏa thuận, cũng như quyền lợi hợp pháp của họ. Người lao động cho biết họ còn phải trả phí cho cơ quan quản lý do chỗ ở quá đông, và có thể phải làm việc nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần mà không được trả công. Đối với những người sử dụng nhà ở do đơn vị trung gian cung cấp, họ cảm thấy bất lực và lo sợ bị đuổi ra đường ngay khi nghỉ việc.
Hợp đồng lao động “theo giai đoạn” được một số công ty sử dụng để có thể giữ công nhân làm việc với mức lương thấp nhất trong thời gian dài. Ví dụ tại Hà Lan, người lao động cho biết họ thường được cho nghỉ trước khi đến hạn tăng lương hoặc đóng quỹ lương hưu theo quy định của pháp luật, sau đó lại họ được thuê lại với một hợp đồng giống như cũ. Hiệp hội Thịt Hà Lan cho biết họ chỉ có thể lên tiếng cho thành viên của hiệp hội, nhưng họ tin rằng tình trạng này đang rất phổ biến và nó nên bị cấm. Hiệp hội cho biết gần đây họ đã thảo luận về cái gọi là “xoay vòng lao động” với các công đoàn lao động, Bộ trưởng Bộ Xã hội và Việc làm và Bộ trưởng Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Lan, và họ nói rằng vào cuối năm 2021, điều đó nên trôi vào dĩ vãng.
Có khoảng 62% trong số 97.000 công nhân nhà máy thịt tại Anh có quốc tịch các nước EU. Hiệp hội các Công ty chế biến thịt của Anh cho biết hầu hết các nhà máy tại Anh sử dụng lao động từ các công ty môi giới, nhưng họ không thu thập dữ liệu chính xác tỷ lệ số lượng lao động theo diện này. Ngành công nghiệp này dựa vào các công ty môi giới và nhà thầu phụ để đáp ứng nhu cầu lao động mà họ cho là “theo thời vụ”. Theo đó, số lượng lao động tại nhà máy có thể tăng cao vào một số thời điểm trong năm.
Năm 2010, báo cáo của Ủy ban Nhân quyền và Bình đẳng cho thấy có hiện tượng ngược đãi và bóc lột trong lực lượng lao động của ngành công nghiệp chế biến thịt ở Vương quốc Anh. Các công nhân thời vụ cho biết họ bị đối xử tệ hơn so với lao động chính thức và họ cảm thấy bản thân như “một công dân hạng hai”.
Công đoàn ước tính công nhân làm việc qua công ty môi giới và nhà thầu phụ chiếm từ 10% đến 15% lực lượng lao động tại các nhà máy được công đoàn công nhận ở Anh, tuy nhiên họ không có số liệu tại các nhà máy không thuộc công đoàn. “Điều kiện làm việc giữa lao động chính thức và lao động thời vụ là giống nhau, nhưng lao động thời vụ làm những công việc có mức lương thấp hơn”, Bev Clarkson, thuộc công đoàn Unite, cho biết.
Tháng 6, ngành công nghiệp thịt ở Anh cảnh báo ngành này đã “đạt đến điểm tuyệt vọng” vì nguồn lao động bị thu hẹp do hậu quả từ Brexit. Việc sử dụng lao động nhập cư thông qua các công ty môi giới và nhà thầu phụ sẽ trở nên phổ biến hơn vì người dân địa phương không muốn làm việc trong nhà máy chế biến thịt.
Tại Ý, có hơn 21.000 công nhân làm việc trong ngành công nghiệp thịt. Hơn 50% công nhân giết mổ và 25% công nhân chế biến thịt là người nhập cư từ các nước Đông Âu, vùng Balkan, Bắc Phi, Trung Phi và Đông Á. Theo các công đoàn, số lượng công nhân làm việc qua các hợp tác xã ngày càng tăng vì điều này giúp các công ty chế biến thịt tiết kiệm chi phí nhân công lên đến 40% so với việc tuyển dụng trực tiếp.
Theo nghiên cứu về ngành công nghiệp thịt ở Ý do EU tài trợ, nhiều hợp tác xã bị phát hiện là công ty ma do chính các công ty chế biến thịt lập ra để tận dụng sự linh hoạt về nhân công và né thuế. Các nhà máy thịt thường ký hợp đồng phụ với các hợp tác xã thuộc lĩnh vực giao thông vận tải để tránh mức lương cao hơn theo thỏa thuận tập thể của ngành thực phẩm, chiến thuật tương tự cũng được ghi nhận tại Bỉ.
Cuộc sống khốn khổ của người nhập cư trong các nhà máy thịt ở châu Âu
Sự xuất hiện của hệ thống lao động trung gian phản ánh sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp thịt của Châu Âu trong những thập kỷ gần đây, trong đó có việc hợp nhất thị phần của một số công ty và số lượng lò mổ nhỏ lẻ suy giảm nhanh chóng. Hàng nghìn người đang làm việc trong các lò mổ công nghiệp khổng lồ, hoạt động liên tục 24/24 để đáp ứng đơn đặt hàng số lượng lớn với giá thành rẻ theo yêu cầu của hệ thống bán lẻ và các nhà cung cấp thực phẩm.
Hệ thống này được hình thành nhờ một lượng lớn công nhân từ Romania, Lithuania, Latvia, Ba Lan và Hungary sẵn sàng di cư để làm việc sau khi EU bắt đầu mở rộng vào năm 2004. Nhiều người đến từ những làng mạc, thị trấn nghèo nàn, có nền công nghiệp lạc hậu, chẳng hạn như các vùng khai thác mỏ trước đây ở Moldova và Romania, là những nơi có rất ít cơ hội việc làm cho những người trẻ tuổi. Con đường gia nhập vào thị trường lao động của nhóm này thường được thúc đẩy bởi các đơn vị trung gian, và thường xuyên được quảng cáo thông qua mạng xã hội. “Đó là một hệ thống bóc lột người nghèo”, Volker Brüggenjürgen, chủ tịch Hiệp hội Thiện nguyện Caritas tại quận Gütersloh (Đức), cho biết. “Người dân bị lừa bởi những lời hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

“Sự lạm dụng sẽ không được dung thứ”​

Theo bà Özlem Alev Demirel, thành viên Nghị viện Châu Âu thuộc đảng Die Linke (Đức), quyền đi lại tự do của người lao động đã bị lạm dụng ở khắp các nước Châu Âu. “Người sử dụng lao động đã giảm lương bằng cách sử dụng công nhân từ những quốc gia có mức lương thấp hơn, hệ thống an sinh xã hội yếu kém và điều này là không thể chấp nhận”. Bà Demirel cho rằng nguyên tắc “cùng công việc, cùng nơi làm, cùng mức lương” phải được áp dụng thống nhất trên toàn Châu Âu.
Khi nền kinh tế của các nước như Ba Lan được cải thiện và nhu cầu về nguồn lao động giá rẻ tăng lên, cuộc tìm kiếm lực lượng lao động đã mở rộng sang các nước như Ukraine, Belarus, Kazakhstan, Việt Nam, Philippines, Đông Timor, Georgia, Ấn Độ, Trung Quốc và Armenia.
Karsten Maier, tổng thư ký UECBV (tổ chức đại diện cho 20.000 công ty trong ngành chăn nuôi và buôn bán thịt từ khắp Châu Âu, cũng như Nhật Bản, Nga và Ukraine), cho biết điều kiện lao động không phải là một phần công việc, mà là trách nhiệm của các công ty, cũng như các cơ quan hữu quan. “Việc lạm dụng dưới bất kỳ hình thức nào đều không được dung thứ” và cần phải khởi tố những trường hợp này theo quy định, ông Maier cho biết.
Việc giám sát các nhà máy sản xuất thịt và công nhân làm việc tại đây dường như đang dần bị bỏ mặc. Trong thập kỷ qua, các cuộc thanh tra tình trạng lao động đã “biến mất” trên khắp Châu Âu do các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Trong khi đó, một báo cáo của EU năm 2019 về ngành công nghiệp thịt đã chỉ rõ việc thiếu hụt các tiêu chuẩn tối thiểu để thanh tra và cần phải tiêu chuẩn hóa định nghĩa về lao động tự do.
“Ở cấp quốc gia, nhiều nước không thật sự giám sát hoặc kiểm soát đối với các công ty tuyển dụng”, Lilana Keith, nhân viên cấp cao tại Diễn đàn Hợp tác quốc tế về Người di cư không giấy tờ, cho biết.
Năm 2019, Cơ quan Lao động Châu Âu (ELA) được thành lập để hỗ trợ các nước thành viên thực hiện thanh tra và giám sát việc thực thi luật lao động trên toàn Châu Âu. Nếu phát hiện có trường hợp vi phạm, ELA có thể tiến hành thanh tra xuyên biên giới.
“Người lao động nhập cư trong ngành công nghiệp này là một nhóm vô hình”, Martijn Huysmans, trợ lý giáo sư tại Khoa Kinh tế Đại học Utrecht, cho biết. “Trong các cửa hàng ở Hà Lan, bạn có thể nhìn thấy những con vật được sống trong điều kiện như thế nào – chúng ta có một hệ thống tiêu chuẩn dành cho phúc lợi động vật. Nhưng trớ trêu thay, bạn không thể nhìn thấy được những người làm việc trong lò mổ đang phải sống trong điều kiện ra sao”.
Sự vô hình này còn vượt ra ngoài nơi làm việc. Rào cản ngôn ngữ, không hòa nhập xã hội, thời gian làm việc dài và thiếu thông tin, tất cả đều dẫn đến việc những người lao động thời vụ nhập cư tiếp tục bị bóc lột, Paul-Octavian Idu, người tư vấn miễn phí cho công nhân nhà máy sản xuất thịt tại trung tâm hỗ trợ do tổ chức phi chính phủ Arbeit und Leben (Đức) điều hành, cho biết. “Họ vẫn đang sống trong một ‘xã hội tách biệt’”, anh nói.
Dù vậy, những công nhân như Margot vẫn tiếp tục tìm việc tại Tây Âu. Một vài tháng trước, cô đã tìm được một công việc mới tại nhà máy thịt ở Hà Lan thông qua công ty môi giới khác. Hợp đồng không quy định số giờ làm việc tối thiểu, mức lương 10,8 euro/giờ, mỗi ca 12 giờ và làm việc liên tục 7 ngày. Margot cho biết cô chưa được trả lương và đã nghỉ việc sau một tuần.
Theo The Guardian
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top