Đã 13 năm trôi qua, và Bitcoin vẫn là cái gai trong mắt nhiều người

Đoạn quảng cáo trên TV của sàn giao dịch Crypto.com, với sự tham gia của ngôi sao Matt Damon (diễn viên chính trong series phim về sát thủ Jason Bourne), so sánh các nhà đầu tư crypto với các nhà thám hiểm đầu tiên trong lịch sử, các chuyên gia leo núi, anh em nhà Wright, hay các phi hành gia... Nó được lên sóng từ tháng 10/2021, nhưng đến tận tuần vừa qua, người ta mới bắt đầu để ý đến.
Và phản ứng của người xem dường như hoàn toàn đi ngược lại với kỳ vọng của nhà sản xuất.
Trên tờ Financial Times, chuyên gia phê bình crypto Jemima Kelly gọi đoạn quảng cáo bằng từ “lố bịch”. Tờ Daily Beast thẳng thừng tuyên bố đây là một “trò ******* đáng xấu hổ”. Cây bút Carole Cadwalladr của tờ The Guardian thì đăng tweet trước 600.000 người theo dõi rằng: “Không có từ ngữ nào trên thế giới này là đủ kinh tởm để miêu tả việc Matt Damon quảng cáo cho một mô hình Ponzi”
Matt Damon chẳng phải là người nổi tiếng đầu tiên đóng quảng cáo thương mại liên quan crypto. FTX đã và đang chạy nhiều quảng cáo với ngôi sao Tom Brady suốt nhiều tháng trời. Copper, một tổ chức cung cấp dịch vụ lưu giữ crypto, hồi tháng 11 vừa qua cũng tung ra đoạn quảng cáo trong đó nữ diễn viên Rebecca Ferguson (vai Jessica trong bom tấn Dune) lấy một khối vuông từ thác nước và nói rằng Copper có “lợi thế lớn đến mức bất công”. Snoop Dogg, Paris Hilton, và Kim Kardashian, tất cả đều từng nhận tiền để quảng bá cho crypto. Nhưng họ bằng cách nào đó đã tránh được sự đả kích cay độc mà Matt Damon đang vấp phải.

Công bằng mà nói, quảng cáo của Matt Damon quả thực khá đáng xấu hổ. Phần tệ nhất của nó là những lời sáo rỗng, như “Vận may ưu ái những người dũng cảm”. Và quảng cáo này cũng là chiến dịch marketing như vỗ vào mặt thứ hai đến từ Crypto.com, công ty từng chịu chơi bỏ ra 700 triệu USD để gắn tên mình lên sân vận động từng mang tên Staple Center ở Los Angeles (Mỹ).
Nhưng những người vùi dập quảng cáo của Damon mạnh mẽ nhất chính là những người vốn cực kỳ thù ghét crypto. Đoạn quảng cáo vô tình “xác nhận” với họ một niềm tin họ luôn giữ trong lòng: thị trường tiền mã hoá là một trò lừa đảo. Benjamin McKenzie, diễn viên thủ vai James Gordon trong series Gotham, đăng tweet phủ đầu những đồng nghiệp ủng hộ crypto: “Không cần nói nhiều vì đó là điều hiển nhiên rồi, nhưng đánh bạc bằng những loại tài sản chưa được chứng nhận, chưa được cấp phép, thông qua một ứng dụng trên điện thoại, không phải là hành động dũng cảm. Nó là đánh bạc đấy”
Ngay cả nhận quyên góp dưới dạng Bitcoin cũng đủ để khiến những người này sôi máu. Khi Mozilla, công ty đứng sau trình duyệt web Firefox, đăng tweet hôm 31/12 vừa qua với nội dung nhắc lại rằng họ chấp nhận tiền quyên góp bằng crypto (như vẫn làm từ năm 2014), gạch đá cũng ầm ầm bay đến - bao gồm cả từ một đồng sáng lập của công ty - đến nỗi họ phải ngay lập tức tạm dừng nhận quyên góp Bitcoin.
Ngoài các chương trình quảng bá, các nhà phê bình crypto còn phát cáu trước thông tin các công ty ra mắt NFT. Hồi tháng trước, hãng GSC Game World phải huỷ bỏ kế hoạch tích hợp NFT vào game “S.T.A.L.K.E.R. 2: Heart of Chernobyl” sau vô số chỉ trích, và Discord thì tạm gác lại dự án tích hợp ví Ethereum MetaMask sau khi nhóm người dùng lõi, hầu hết là các game thủ, tuyên bố tẩy chay.
Cú trượt dốc chưa thấy đáy của Bitcoin ngay khi vừa bước sang năm mới 2022 cũng làm bùng nổ hàng loạt tít báo và những đoạn tweet đậm chất hả hê về sự biến động khôn lường của crypto, rằng tất cả chỉ là trò lừa đảo, vân vân và vân vân.
Đã 13 năm trôi qua, và Bitcoin vẫn là cái gai trong mắt nhiều người
Một quảng cáo khác của Crypto.com
Bitcoin vừa ăn mừng sinh nhật 13 tuổi. Sau 13 năm trời thăng trầm trên thị trường, tại sao những người hoài nghi kia vẫn không bớt thù ghét nó, nếu không muốn nói là càng ngày càng khó chịu hơn trước? Họ được rót vào tai rằng crypto đang tàn phá môi trường, hay nó là một mô hình Ponzi nhắm vào những nhà đầu tư khờ dại. Số khác đơn giản không có cảm tình với những điều họ cho rằng là hiện thân của văn hoá crypto: cộng đồng HODL ở Miami, hay vài kẻ vớ vẩn sở hữu bộ sưu tập NFT Bored Ape vốn chẳng biết nghệ thuật thực thụ là gì.
Bản thân người viết bài này không tán đồng với tư tưởng đó. Không có lời khuyên đầu tư nào được đưa ra, và cũng sở hữu rất ít crypto, điều người viết muốn nói ở đây là: ít nhất thì công nghệ đằng sau thế giới crypto thực sự tuyệt vời. Hầu hết những người khước từ crypto đơn giản là không hiểu về nó - và không muốn tìm hiểu về nó.
Vậy làm cách nào để thay đổi tư duy của họ? Giá tăng cao chẳng có nghĩa lý gì: Bitcoin đã tăng từ chưa đến 1 xu lên gần 70.000 USD và người ta vẫn dè bỉu nó. Sự chấp nhận từ phía các ngân hàng, các quỹ đầu tư, và các nhãn hiệu tiêu dùng cũng không lay chuyển được trái tim và khối óc của giới chỉ trích.
Sự xuất hiện của Ethereum 2.0, dự án nhằm chuyển đổi blockchain Ethereum sang cơ chế đồng thuận bằng chứng cổ phần vốn tiêu thụ ít năng lượng hơn nhiều so với hiện tại, có thể giúp giải quyết những phàn nàn về môi trường. Sự trỗi dậy của NFT với những ứng dụng thực tế - trong game, làm thẻ thành viên, làm giấy chứng nhận số... - có thể làm dịu bớt một số nghi hoặc.
Nhưng để buộc một số người thừa nhận crypto là một loại tài sản đúng nghĩa, nó phải chứng minh được ứng dụng thực tế trong cuộc sống thường ngày, chứ không chỉ là một loại hình đầu cơ. Có lẽ một cải tiến nào đó xuất phát từ cuộc cách mạng Web3 trong truyền thông phi tập trung, DAO (tổ chức tự trị phi tập trung), hay những công cụ làm việc trong môi trường số... sẽ là thứ gây ấn tượng cho họ.
Đối với những công ty đang đối mặt với búa rìu dư luận khi công bố những dự án liên quan crypto hay NFT, phóng viên Jason Nelson của trang Decrypt có một lời khuyên: “Hãy thôi kể với mọi người về những gì bạn đang làm”. Cứ mặc kệ họ và triển khai như dự kiến, không cần kèn trống, và để người dùng của bạn tự quyết định có nên thích nó hay không.
Tham khảo: DeCrypt
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top