Đánh giá “Avatar: Dòng chảy của nước”: vẫn là kiệt tác điện ảnh, kỹ xảo đứng trên đỉnh cao

Nan Đắc Hữu Tình Nhân

Quan Thục Di
Thành viên BQT
Với hơn 75 tỷ đồng thu về ngay tuần đầu mở màn, bom tấn điện ảnh Avatar: Dòng chảy của nước đang thống trị các rạp Việt. Rất nhiều người ra rạp là lần đầu được thưởng thức 1 tác phẩm điện ảnh hùng vĩ như thế này. Do đó, không ngạc nhiên khi các rạp kín chỗ ngồi đẹp, đặc biệt ở suất chiếu IMAX.
Song, liệu sự hào hứng đón nhận đó có xứng đáng? Avatar: Dòng chảy của nước có phải 1 bom tấn đáp ứng kì vọng sau hơn 10 năm chờ đợi? Đó là câu hỏi phụ thuộc rất lớn vào việc bạn kì vọng gì ở Avatar 2. Có người sẽ thấy phim không hơn gì phần 1, có người lại cảm nhận nó trọn vẹn cả về hình ảnh lẫn cảm xúc,...

*Cảnh báo: Bài viết có tiết lộ 1 số tình tiết nội dung của phim, những ai chưa xem cần cân nhắc trước khi đọc tiếp!


Đối với mình, Avatar 2 vẫn là 1 bộ phim xứng đáng xếp vào hàng kiệt tác điện ảnh, với phần kỹ xảo hình ảnh đứng trên đỉnh cao ngành công nghiệp. James Cameron từng gây tranh cãi khi tuyên bố kĩ xảo trong phim Marvel “không đủ tầm” để so với Avatar 2. Sau khi xem xong, mình phải thừa nhận không ai dám thách thức ông khi nói về khía cạnh kĩ xảo.
Song, ở 1 góc nhìn khác, Avatar 2 cũng giống như “bình mới rượu cũ” có thể khiến khán giả cảm thấy chưa thỏa mãn. Chủ yếu xuất phát từ ý tưởng kịch bản, nội dung cốt truyện khi được coi là hậu truyện của bom tấn năm 2009. Sau khi thưởng thức phần 1, khán giả đã trông mong nhiều hơn ở Avatar 2.

Kĩ xảo hình ảnh đỉnh cao

Khen kĩ xảo của James Cameron thì khen hết ngày cũng không đủ. Avatar phần đầu ra mắt năm 2009 đến nay vẫn được coi là chuẩn mực, và đến Avatar 2 thì phong độ vẫn không hề đi xuống. Những khung hình thiên nhiên hùng vĩ và tuyệt đẹp đến mức bốc đại cũng ra được tấm ảnh nền máy tính chất lượng cao.
Đánh giá “Avatar: Dòng chảy của nước”: vẫn là kiệt tác điện ảnh, kỹ xảo đứng trên đỉnh cao
Hình ảnh đồ họa khi xem ở rạp IMAX chân thực đến nỗi, cảm tưởng bạn có thể với tay ra để chạm vào các sinh vật biển đang lơ lưng trước mắt. Thậm chí, 1 số người lần đầu tiên xem phim 3D “chuẩn chỉ” như Avatar 2 còn giật bắn, hét lên ngay trong rạp mình, dù chỉ là 1 số cảnh jump scare bình thường.
Khán giả hoàn toàn nhập tâm vào bộ phim, như thể chính họ cũng đang đồng hành cùng nhân vật.
Tóm lại, mình cũng không biết đánh giá gì thêm ở phần kỹ xảo hình ảnh, vì nó khá là nhàm có thể tìm thấy ở hằng ha sa số các bài đánh giá khác. Chỗ nào cũng khen, ở đâu cũng khen. Nếu phần hình ảnh của Avatar 2 mà còn chưa khiến bạn thỏa mãn, liệu còn tác phẩm nào trong năm nay có thể làm được?



Xây dựng thế giới

Có thể ví Avatar là công trình để đời của James Cameron. Ông đã xây dựng nên 1 thế giới hùng vĩ và sáng tạo. Điều này đặt James và nhiều cộng sự trong quá trình hoàn thành Avatar vào vai trò của nhà kiến thiết. Thế giới của ông không dựa trên 1 tác phẩm có sẵn, thế nên nó có giá trị lớn lao hơn hẳn.
James Cameron tạo ra Pandora không khác gì J. R. R. Tolkien sáng tạo ra Trung Địa, họ đều là những nhà kiến thiết vĩ đại. Tạo ra 1 thế giới giả tưởng mới dựa trên thế giới thực tại của chúng ta, song vẫn đưa vào đó những điều mới lạ, quy tắc vận hành, bối cảnh, các sinh vật sống, người dân,...
Bước vào thế giới nước của Avatar 2, chúng ta tiếp tục nể phục trước sự sáng tạo của James Cameron khi giới thiệu hàng loạt sinh vật mới như IIu, Skimming, Akula,... Bộ tộc sống ở biển Metkayina cũng có những đặc trưng riêng phù hợp với môi trường sống của họ.

Đánh giá “Avatar: Dòng chảy của nước”: vẫn là kiệt tác điện ảnh, kỹ xảo đứng trên đỉnh cao
Thông qua điểm nhìn của các thành viên gia đình Jake, ông đặt khán giả vào vị trí của hành khách tham gia 1 chuyến khám phá vùng đất mới trên hành tinh Pandora. Giống như ở phần 1, thông qua Jake lần đầu tiếp cận Pandora.

Phát triển nhân vật

Trong phần 2 này, James Cameron rất chú trọng xây dựng tâm lý nhân vật nhằm tạo bước đà cho phần 3. Điều này khiến 1 số khán giả cảm thấy chưa thỏa mãn bởi dài dòng, đi vào nhiều sự kiện mà lại không có giao tranh như những gì họ kì vọng.
Cụ thể, ở phần 1, Jake Sully ban đầu là 1 người lính nhận nhiệm vụ đi sâu vào lòng địch, tìm cách hòa nhập với cộng đồng người Na'vi để thuyết phục họ rời đi. Về sau anh dần chuyển biến trở thành 1 phần của tộc người này và quay lại phản đối những việc làm của phe phản diện. Bước sang phần 2, James Cameron lại tiếp tục vẽ ra 1 hành trình biến chuyển tâm lí nữa.

Đánh giá “Avatar: Dòng chảy của nước”: vẫn là kiệt tác điện ảnh, kỹ xảo đứng trên đỉnh cao
Jake lúc này đã là cha và tộc trưởng, anh phải làm sao cân bằng giữa nhiệm vụ bảo vệ người dân lẫn bảo vệ gia đình mình. Jake luôn lặp đi lặp lại về bổn phận của 1 người cha. Cuối cùng, anh cũng không thể bảo vệ trọn vẹn gia đình, dẫn tới bước chuyển tiếp theo khi anh sẵn sàng dùng vũ lực để chiến đấu, không còn trốn chạy.
Ở phần 2, James Cameron hướng nhiều ống kính vào gia đình Jake hơn, đặc biệt là những đứa con của anh. Nhân vật chính lúc này không còn mỗi Jake Sully nữa mà đã có thêm Kiri, Lo’ak, Spider hay Tuk,... Do vậy, đạo diễn cũng phải bỏ thời gian ra xây dựng tâm lý và khắc họa tính cách các nhân vật mới giới thiệu.
Đối với mình, thời lượng hơn 3 tiếng và dành nhiều thời gian xây dựng tâm lý nhân vật như vậy là phù hợp. Mình không thấy có vấn đề gì, trong khi nhiều người khác lại kêu nhàm chán và lê thê. Đặc biệt, đạo diễn tập trung vào 3 đứa con của Jake và cả 3 theo mình dự đoán, chính là những chìa khóa quan trọng cho phần 3.

Đánh giá “Avatar: Dòng chảy của nước”: vẫn là kiệt tác điện ảnh, kỹ xảo đứng trên đỉnh cao
Lo’ak được cộng đồng gọi bằng cái tên vui vẻ “báo thủ” vì liên tiếp gây rắc rối cho người cha. Ở cậu bé, ta có thể thấy sự sốc nổi và bồng bột của tuổi trẻ, cùng sự chân thành và bối rối khi làm quen với những người bạn mới. Đặc biệt, đạo diễn còn xây dựng cho Lo’ak sợi dây liên kết với 1 Tulkun, tạo tiền đề cho vai trò kế nhiệm Jake về sau.
Kiri là 1 cô bé tỏ ra khác biệt với những đứa còn lại. Cô bé có mặc cảm mình là 1 kẻ quái dị trong cộng đồng người Na'vi, song lại có những phân cảnh bộc lộ khả năng đặc biệt, có thể giao tiếp và tương tác với các sinh vật trên hành tinh Pandora như thể hiện thân của Erwa.
Và Spider, nhân vật mới bị nhiều người cho là thừa. Nhưng mình thì không, Spider ở đó để thực hiện 2 nhiệm vụ. Thứ nhất, thông qua điểm nhìn của Spider, James Cameron muốn khán giả được tận mắt chứng kiến những hành động tàn ác và lạm sát của Người Trời, giống như Jake Sully ở phần 1. Từ đó cậu bé đưa ra quyết định sẽ đứng về bên nào.

Đánh giá “Avatar: Dòng chảy của nước”: vẫn là kiệt tác điện ảnh, kỹ xảo đứng trên đỉnh cao
Spider cũng chính là nhân vật tạo sợi dây liên kết với đại tá Quaritch. Nếu như ở phần 1, ông là 1 nhân vật thuần ác, gây áp lực cho phe Jake và tộc Na'vi từ đầu đến cuối, nhưng sang phần 2 khi đối diện với đứa con của mình, ông dần bộc lộ sự thay đổi trong hành động. Để có thể biết được James Cameron toan tính gì khi giới thiệu nhân vật Spider và tại sao lại để cậu bé là con trai Quaritch, chúng ta bắt buộc phải chờ sang phần 3.

Kịch bản cũ kĩ

Song, vẫn có không ít người lại thất vọng với Avatar 2. Lí do đầu tiên nằm ở chính kịch bản của James Cameron. Vẫn là kết cấu 3 hồi kinh điển, có rất nhiều điểm tương đồng với kịch bản từ phần 1. Như ở trên mình cũng đã chỉ ra 1 số chỗ giống với phần 1 như thế nào. Về cơ bản, câu chuyện phần 2 cứ từ từ trôi, không có plot twist hay màn lật kèo nào. Với người khó tính, họ sẽ cảm thấy không có cao trào hoặc cao trào chưa tới.
Nhằm truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường (và cũng để khoe khoang về thế giới nước tuyệt đẹp), James Cameron không tiếc thời lượng mô tả rất kĩ chuyến săn Tulkun ở giữa phim, hay đưa vào nhiều cảnh phim thật đẹp chỉ để truyền tải thông điệp đại dương. Chính điều này khiến nhiều khán giả có thể cảm thấy lê thê, nhàm chán.

Đánh giá “Avatar: Dòng chảy của nước”: vẫn là kiệt tác điện ảnh, kỹ xảo đứng trên đỉnh cao
Trận chiến cuối phim không thể sánh bằng trận combat tổng lực ở cuối phần 1, cũng khiến nhiều khán giả hụt hẫng. Ở phần 1, chúng ta có 2 trận địa trên không và trong rừng, còn ở phần 2 chỉ diễn ra ở 1 vùng biển và trên tàu. Về lực lượng, cả phe Người Trời và tộc Na'vi đều thua kém so với phần 1, từ số lượng cho đến tính đa dạng. Đó là còn chưa kể đến 1 tình tiết khó hiểu khi các chiến binh thủy tộc Metkayina đột nhiên biến mất!?
Dẫu biết đây là sự cố ý sắp xếp của James Cameron, sử dụng phần 2 này để thiết lập tuyến nhân vật và tình tiết cho phần 3, nhưng sự thất vọng của khán giả là không thể phủ nhận.
Tuy vậy, đạo diễn đã đưa vào 1 điểm cộng giá trị cho phần kịch bản. Đó là 2 người phụ nữ Ronal và Neytiri. Giữa thời buổi nữ quyền bị lạm dụng 1 cách thô thiển ở Hollywood, thật may là chúng ta đã được xem những hình ảnh nữ quyền đúng nghĩa của James Cameron. Ronal chỉ cần nói 1 câu dứt khoát cũng đủ thể hiện sự lo lắng cho con gái. Còn Neytiri thì được đầu tư hẳn 1 trường đoạn chiến đấu bộc lộ sự tức giận phẫn uất của 1 bà mẹ vừa mất con.

Kết luận

Đối với mình, Avatar chưa bao giờ là phim đỉnh cao về nội dung, cho nên phần 2 này vẫn khiến mình rất thỏa mãn vì tính giải trí của nó, cùng thông điệp nhân văn và cốt truyện vừa đủ, dễ hiểu.
Đánh giá “Avatar: Dòng chảy của nước”: vẫn là kiệt tác điện ảnh, kỹ xảo đứng trên đỉnh cao
Nếu bạn muốn 1 câu chuyện thực sự có sức nặng, có thể tham khảo Tro tàn rực rỡ mà mình đã review. Chắc chắn câu chuyện những người phụ nữ Việt Nam sẽ ám ảnh và gây tiếc nuối nhiều hơn là Avatar 2.
Điều quan trọng là bạn kì vọng gì trước khi ra rạp, như đã nói ngay từ ban đầu. Avatar 2 vẫn là 1 đại tiệc kĩ xảo hoành tráng và mãn nhãn, với câu chuyện truyền tải thông điệp về tình cảm gia đình, bảo vệ môi trường và mối liên kết giữa con người và thiên nhiên. Mình hoàn toàn tận hưởng hơn 3 tiếng trong rạp và vẫn còn thấy ấn tượng cho đến khi bước ra.
Nội dung của Avatar không mang tầm vóc lớn lao mà rất dung dị bình thường, là những câu chuyện gần gũi và thời sự. Kết hợp cùng những khung hình mãn nhãn được chăm chút tỉ mỉ, vậy là đã quá đủ để Avatar: Dòng chảy của nước đáp ứng kì vọng của mình sau hơn 10 năm. Xứng tầm 1 siêu phẩm điện ảnh!


>>> "Avatar 2" mở màn nội địa kém phim Marvel.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top