Đất nước tỷ dân thiếu lao động, máy móc dần thay thế con người

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Năm ngoái, Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong xu hướng tự động hóa công nghiệp toàn cầu, với số lượng robot siêu công suất được lắp đặt trong các nhà máy nhiều bằng toàn bộ phần còn lại của thế giới cộng lại.
Tuy nhiên, những nỗ lực tự động hóa gần đây không phải nhằm giúp Trung Quốc mở lối tiên phong, mà thực ra là giải pháp để nước này bắt kịp các quốc gia khác. Trên thực tế, Trung Quốc đang tụt lại đằng sau những cường quốc như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Mỹ xét về ứng dụng robot trong các dây chuyền sản xuất.
Dữ liệu từ Hiệp hội Robot Quốc tế cho thấy số đơn hàng robot công nghiệp xuất xưởng tại Trung Quốc đã tăng 45% so với năm trước, lên hơn 243.000 con. Theo Tạp chí Wall Street, con số đó chỉ chiếm chưa đến một nửa trong tổng số robot công nghiệp được lắp đặt vào năm ngoái, và nó càng thể hiện rõ Trung Quốc là thị trường hàng đầu đối với các nhà sản xuất robot.
Chính sách tăng cường các hệ thống robot công nghiệp của chính phủ Trung Quốc còn là cách mà quốc gia này đối phó với tình trạng già hóa lực lượng lao động, sụt giảm tỷ lệ sinh, và áp lực tăng lương cho đội ngũ công nhân. Bởi Trung Quốc hiện nay không thể tiếp tục lệ thuộc vào lực lượng lao động giá rẻ để phát triển kinh tế, họ buộc phải tính toán việc ứng dụng công nghệ tự động hóa nhằm cải thiện năng suất lao động.
Đất nước tỷ dân thiếu lao động, máy móc dần thay thế con người
Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính Trung Quốc có 147 triệu người làm việc trong các dây chuyền sản xuất vào năm 2021, giảm từ mốc cao nhất là 169 triệu người vào năm 2012.
Năng suất của lực lượng lao động Trung Quốc cũng được xếp ở mức dưới trung bình so với toàn cầu. Theo dữ liệu từ Conference Board, trong năm ngoái, năng suất mỗi giờ của người lao động Trung Quốc chỉ bằng 1/4 so với mức trung bình của các quốc gia G7, bao gồm Đức, Nhật Bản, và Mỹ. Tỷ lệ tăng năng suất cũng chậm lại, từ trung bình 9% mỗi năm từ 2000 đến 2010, xuống còn 7,4% mỗi năm trong thập kỷ qua.
Andrew Harris, Phó Giám đốc Kinh tế tại công ty Fathom Consulting ở London, nói rằng Trung Quốc có lẽ đã quá chậm chân, bởi chẳng ai lại chờ đến khi đã cạn kiệt nguồn nhân lực mới bắt đầu tìm cách giải quyết vấn đề cả.
Dẫu vậy, Trung Quốc vẫn đáp ứng được phần lớn nhu cầu về sản xuất của thế giới - tức khoảng 29% theo dữ liệu từ Liên Hợp Quốc. Đưa thêm robot vào các dây chuyền sẽ cho phép hệ thống nhà máy của nước này thực hiện nhiều hơn nữa những công việc đòi hỏi sự chính xác mà hầu hết con người không thể đạt được. Ngoài ra, chi phí lắp đặt robot đang ngày một rẻ hơn cũng là một lợi thế đối với Trung Quốc trong tình hình hiện nay.
Tham khảo: TechSpot
Công ty Nhật Bản trở thành nhà tư vấn dây chuyền tự động hoá hàng đầu thế giới
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top