Dạy thêm online: Bộ có kiểm tra được không?

Hoàng Nam

Writer
Dạy thêm online mới rộ lên từ thời điểm đại dịch covid bùng phát, giáo viên không dạy thêm trực tiếp được phải mời gọi phụ huynh cho học sinh học thêm online sau giờ học chính khóa. Đáng nói là không chỉ học sinh cuối cấp quay cuồng học thêm online, ngay cả học sinh lớp 1 cũng phải học thêm online vì phụ huynh sợ con không theo kịp các bạn. Chưa nói đến gánh nặng học phí, việc học thêm online tăng áp lực lên học sinh mà hiệu quả lại rất hạn chế (cạnh nhà mình có cậu bé học lớp 1, hầu như cả tuần học thêm online cô giáo chủ nhiệm và tiếng Anh nhưng đến giờ vẫn chưa thể đọc trôi chảy). Vấn đề dạy thêm online trong tuần này được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Kim Sơn cho biết việc dạy thêm là bị cấm. Khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn nên việc dạy thêm càng cần nghiêm cấm. Bộ trưởng cho biết sẽ tăng cường thanh kiểm tra để ngăn chặn việc này. Tuy nhiên, tôi e rằng việc này nêu ra rồi cũng sẽ để đấy thôi. Ngay cả dạy thêm trực tiếp cũng có thấy mấy trường hợp bị kỷ luật, cho thôi việc đâu dù dạy thêm học thêm diễn ra phổ biến. Nay dạy thêm online, có kiểm tra cũng khó phát hiện sai phạm – giáo viên dạy thêm có nhiều chiêu thức tinh vi để né tránh như tổ chức nhóm lớp dưới dạng “sinh hoạt câu lạc bộ”. Đó là chưa kể, có những gia đình thực sự có nhu cầu phụ đạo cho con họ.
Dạy thêm online: Bộ có kiểm tra được không?
Phụ huynh than thở bị mời cho con học thêm Vậy giải pháp là gì? Tôi cho rằng học thêm, dạy thêm là nhu cầu có thực, và nó trở thành tiêu cực khi học sinh, phụ huynh bị “ép” tự nguyện học thêm. Do đó, để dẹp tiêu cực mà cấm dạy thêm là bất hợp lý và thực tế cho thấy là bất khả thi. Ngay cả Trung Quốc gần đây đã cấm triệt để việc dạy thêm học thêm, cả trực tuyến lẫn trực tiếp nhưng vẫn xảy ra tình trạng lén lút dạy và học. Bởi vậy, đã đến lúc cơ quan quản lý phải có giải pháp phù hợp hơn với thực tế: đó chính là quản lý chặt chẽ chất lượng giáo dục tại trường và quản lý dạy thêm. Theo mình, nên cho phép giáo viên chủ nhiệm dạy thêm nhưng có điều kiện, chẳng hạn hạn chế số lượng học sinh, chỉ những học sinh yếu kém, trung bình mới cần phụ đạo. Chẳng có lý do gì mà hơn một nửa lớp đạt kết quả học tập xuất sắc mà phần lớn học sinh vẫn vẫn phải học thêm cô chủ nhiệm, đúng không? (Còn những học sinh có tố chất, muốn bồi dưỡng phụ huynh sẽ tìm đến với những giáo viên chuyên biệt, chứ không phải giáo viên đại trà). Chắc chắn, giáo viên chủ nhiệm cũng không nỡ/ dám buông lỏng để phần lớn cả lớp học lực trung bình để tăng chất cho lớp dạy thêm của mình. Tất nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Nhưng vấn nạn dạy thêm học thêm đã được đào xới bao nhiêu năm nay, hết thế hệ này qua thế hệ khác vẫn không thay đổi, chỉ càng tạo thêm áp lực cho học sinh, gánh nặng cho cha mẹ. Khi cấm chỉ có tác dụng trên giấy thì cần phải có biện pháp khác. Quan trọng nhất, các nhà giáo dục cần phải làm thế nào để chất lượng học do nhà trường quyết định, chứ không phải do học thêm quyết định.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top