Đeo bám người dùng ngay cả khi họ đã tắt dịch vụ, Google bị Úc phạt 60 triệu đô

Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) thông báo rằng Google đã bị phạt 60 triệu đô la vì gây hiểu nhầm cho người dùng Android Úc về việc thu thập và sử dụng dữ liệu vị trí của họ trong gần hai năm, từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2018.
Cơ quan giám sát cạnh tranh của Úc cho biết Google vẫn tiếp tục theo dõi một số điện thoại Android mặc dù người dùng đã tắt "Lịch sử vị trí" trong cài đặt của thiết bị của họ.
Người dùng nhầm tưởng rằng việc tắt “Lịch sử vị trí” sẽ vô hiệu hóa việc theo dõi vị trí của thiết bị. Tuy nhiên “Hoạt động web và ứng dụng” lại được bật theo mặc định và nó cho phép Google thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu vị trí cá nhân của người dùng.

Đeo bám người dùng ngay cả khi họ đã tắt dịch vụ, Google bị Úc phạt 60 triệu đô
ACCC cho biết dựa trên dữ liệu có sẵn, ước tính hơn 1,3 triệu tài khoản Google của người Úc đã bị ảnh hưởng.
Chủ tịch ACCC Gina Cass-Gottlieb cho biết:
"Google có thể giữ dữ liệu vị trí được thu thập thông qua cài đặt “Hoạt động web và ứng dụng”. Những dữ liệu này có thể được Google sử dụng để nhắm mục tiêu quảng cáo đến một số người dùng, ngay cả khi họ đã tắt cài đặt Lịch sử vị trí".
Cơ quan giám sát cạnh tranh của Úc bắt đầu điều tra Google vào tháng 10/2019. Vào tháng 4/2021, Tòa án Liên bang Úc phát hiện “gã khổng lồ tìm kiếm” đã vi phạm Luật Người tiêu dùng Úc khi gây hiểu lầm cho khách hàng về việc thu thập và sử dụng dữ liệu vị trí của họ.
"Các công ty cần phải minh bạch về các loại dữ liệu mà họ đang thu thập và cách thu thập dữ liệu. Đây là cơ sở để người dùng quyết định lựa chọn công ty nào để chia sẻ dữ liệu", Cass-Gottlieb nói thêm.
Trong phiên tòa của Tòa án Liên bang Úc diễn ra hôm 12/8, các bên đã đạt được thỏa thuận, khi Google chấp nhận nộp phạt số tiền 60 triệu USD.
Trước đó, vào tháng 1/2022, Ủy ban Quốc gia về Tin học và Tự do của Pháp (CNIL) cũng đã phạt Google 170 triệu đô la vì đã gây khó khăn cho khách truy cập trang web từ chối cookie theo dõi bằng cách ẩn tùy chọn này sau nhiều lần nhấp chuột, vi phạm quyền tự do đồng ý của người dùng internet.
Google cũng đã bị phạt 11,3 triệu đô la vì thu thập dữ liệu quá khích; phạt 220 triệu euro vì ưu ái các dịch vụ của mình để gây bất lợi cho đối thủ cạnh tranh; phạt 1,7 tỷ đô la vì các hành vi chống cạnh tranh trong quảng cáo trực tuyến; phạt 2,72 tỷ đô la vì lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của mình để điều chỉnh kết quả tìm kiếm.

>> Nga phạt Google hơn 370 triệu USD vì "không xoá nội dung bất hợp pháp"

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top