Đi muộn 8 lần bị công ty phạt 4,6 triệu đồng: Có vi phạm pháp luật?

Cộng đồng mạng đang chia sẻ vụ việc về chị C.H.P.T (ngụ tại Hà Nội) nhận bảng lương tháng 9 thì phát hiện bị phạt hơn 4,6 triệu đồng, trong khi tổng thu nhập chỉ hơn 6,5 triệu đồng.
Chị T. cho biết, công ty chị bắt đầu làm việc từ 8h đến 17h30. Số tiền phạt trên là hậu quả của 8 lần chị đi muộn trong tháng (tổng cộng 96 phút) và 2 lần xin về sớm đã có xét duyệt của trưởng nhóm (tổng 137 phút).
Vào thời điểm nhận việc, công ty này thông báo mức phạt cho lỗi đi muộn được tính theo công thức như sau: lương cơ bản chia cho số ngày công thực tế, chia cho 8 (giờ làm hành chính), tiếp tục chia cho 60 (số phút mỗi giờ) rồi nhân cho số phút đi muộn, nhân 100%.
Đi muộn 8 lần bị công ty phạt 4,6 triệu đồng: Có vi phạm pháp luật?
Phiếu lương tháng 9 của chị T., với mức phạt đi muộn về sớm hơn 4,6 triệu đồng
Tuy nhiên, chị T. cho biết những quy định này chỉ được thông báo bằng miệng. Ngoài ra, chị đã làm việc gần 6 tháng mà chưa có hợp đồng lao động, với lý do được đưa ra là "công ty mới thành lập".
Đến ngày 2/10, giám đốc thông báo chị T. đi muộn quá nhiều, cần chấn chỉnh lại. Đến ngày 3/10 thì chị bị sa thải, nhưng là từ cuộc gọi của giám đốc công ty chứ không có bất kỳ quyết định sa thải hay biên bản xử lý vi phạm nào.
Về việc đi muộn, chị T. lý giải rằng công ty nằm ở một tòa chung cư, không có thang máy riêng nên chị thường xuyên phải chờ thang máy rất lâu, dẫn đến đi muộn. Không chỉ chị T. mà nhiều đồng nghiệp khác cũng mắc lỗi tương tự và phải "cắn răng" chịu phạt.
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TPHCM), việc doanh nghiệp phạt tiền người lao động là không đúng với quy định pháp luật.
Cụ thể, Điều 127 Bộ luật Lao động 2019, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động, gồm: Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động; phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Ngoài ra, theo điểm b, khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, quy định về mức xử phạt khi công ty yêu cầu phạt tiền người lao động vi phạm, người sử dụng lao động có hành vi dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động, sẽ bị xử phạt hành chính 20-40 triệu đồng tùy vào mức độ hành vi.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top