Diễn biến mới vụ Quốc ca bị tắt tiếng trên YouTube: Con trai nhạc sĩ Văn Cao, Bộ VHTTDL nói gì?

Christine May

Editor
Thành viên BQT
Bộ VHTTDL khẳng định ca khúc "Tiến quân ca" là "Quốc ca" của Việt Nam, nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này.
Diễn biến mới vụ Quốc ca bị tắt tiếng trên YouTube: Con trai nhạc sĩ Văn Cao, Bộ VHTTDL nói gì?
Trong trận đấu giữa tuyển quốc gia Việt Nam và Lào tối qua, Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng khi phát trên YouTube
Trước sự bức xúc của dư luận, sáng nay 7/12, lãnh đạo Bộ VHTT&DL đã có ý kiến chính thức như sau: Ca khúc "Tiến quân ca" là "Quốc ca" của Việt Nam. Bộ VHTTDL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.
Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật. Bộ VHTTDL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
Chưa rõ bước tiếp theo Bộ VHTTDL sẽ có động thái gì để xử lý hành vi ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca.
Trong khi đó, con trai của cố nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Văn Thao cũng lên tiếng bày tỏ nỗi bức xúc của gia đình. Ông nói, theo nguyện vọng của cha nên gia đình đã hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho nhân dân, nhà nước Việt Nam. Như vậy, bản quyền của tác phẩm thuộc về quốc gia, về nhân dân chứ không còn thuộc về gia đình nữa.
Do đó, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao thấy rất buồn, lạ và vô lý trước sự việc Quốc ca bị "đánh gậy bản quyền". “Gia đình tôi rất bức xúc. Họ đã xâm phạm bản quyền của quốc gia”, họa sĩ Văn Thao nói.
Họa sĩ Văn Thao bộc bạch: "Từ khi ca khúc này ra đời, cố nhạc sĩ Văn Cao và gia đình chúng tôi chưa nhận bất cứ một đồng nào tiền bản quyền của tác phẩm này. Khi cha tôi mất đi, ông bảo: "Các con đừng bao giờ lấy tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca và sau này, đến lúc nào đó, thay mặt bố, bàn giao ca khúc này cho Nhà nước và Nhân dân".
Chúng tôi đã làm đúng nguyện vọng của nhạc sĩ Văn Cao. Tiến quân ca hoàn toàn là tài sản của Nhà nước, của Nhân dân. Tôi tin là các cơ quan chức năng sẽ làm rõ vấn đề này".
Xoay quanh nghi vấn bản quyền bản ghi âm Quốc ca lần này, họa sĩ Văn Thao cũng chia sẻ thêm: "Tôi từng có cuộc nói chuyện với chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, ông Đỗ Hồng Quân. Trước đây, Nhà nước từng làm một bản Quốc ca rất cẩn thận, phối khí dàn dựng đàng hoàng, sau đó in tem, Bộ ngoại giao thống nhất chuyển giao bài đó cho đại sứ quán các nước có liên hệ với mình. Để khi các nước sử dụng, cử hành các nghi lễ ngoại giao sẽ sử dụng thống nhất một bản Quốc ca.
Sau khi Việt Nam thống nhất, Bài Quốc ca đó bản thân trong nước cũng sử dụng chưa thống nhất. Lẽ ra, Quốc ca chỉ sử dụng thống nhất một bản thôi nhưng mỗi Đài phát một bản phối khí khác nhau. Theo tôi, hiện tại Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao và Hội nhạc sĩ chưa làm được một bản Quốc ca để sử dụng thống nhất trong nước cũng như Quốc tế. Bản thân, cố nhạc sĩ Văn Cao có bản phối khí rồi, tại sao không dùng luôn bản của nhạc sĩ? Giờ mỗi người phối khí bản nhạc một kiểu, không thống nhất.
Theo tôi đây là một sơ suất!".
Tổng hợp từ VOV, Dân trí
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top