Điện thoại Trung Quốc Honor sử dụng 40% linh kiện từ Mỹ

Quá trình mổ bụng chiếc smartphone mới nhất của Honor từ Nikkei Asia đã cho thấy, linh kiện do các công ty Mỹ sản xuất chiếm khoảng 40% chi phí sản xuất của sản phẩm. Một phần điều này đến từ việc Honor đã có thể hợp tác với những nhà cung cấp Mỹ, kể từ sau khi Huawei bị đưa vào danh sách đen. Nhờ tách khỏi công ty mẹ Huawei, Honor không còn chịu lệnh cấm vận thời tổng thống Trump.
Điện thoại Trung Quốc Honor sử dụng 40% linh kiện từ Mỹ
Nikkei mới đây đã tháo tung chiếc điện thoại này với sự giúp đỡ của Fomalhaut Techno Solutions – một chuyên gia nghiên cứu có trụ sở tại Tokyo. Họ đã ước tính chi phí của các thành phần bên trong, từ đó tính toán tỉ trọng tương đối về sự góp mặt của các quốc gia trong quá trình sản xuất thiết bị. Thị phần của các linh kiện Mỹ trong Honor X30 – chiếc smartphone 5G ra mắt hồi tháng 12/2021 – đã tăng lên 39%, cao hơn khá nhiều so với tỉ lệ 10% có trên mẫu 30S được phát hành hồi năm 2020 do Huawei sản xuất. Hầu hết các thành phần cốt lõi của X30, bao gồm bộ xử lý và chipset 5G, được cung cấp bởi những nhà sản xuất Mỹ như Qualcomm, thay vì các nhà cung cấp Trung Quốc như HiSilicon – bộ phận phát triển chip của Huawei. Phát hiện này chỉ ra rằng Trung Quốc đang rất chật vật trong việc phát triển các công nghệ điện tử hiện đại nhất dành cho smartphone. Honor đã bị tách khỏi Huawei hồi tháng 11/2020 như một cách để “lách” các lệnh trừng phat của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, vốn cấm công ty Huawei sử dụng các công nghệ quan trọng của Mỹ như vi mạch và hệ điều hành. Honor chủ yếu bán những sản phẩm của mình ở Trung Quốc và việc tách ra khỏi Huawei đã giúp thương hiệu này tránh được nhiều lệnh trừng phạt.
Điện thoại Trung Quốc Honor sử dụng 40% linh kiện từ Mỹ
Chi phí sản xuất ước tính đối với chiếc smartphone Honor X30 là 217 USD. Các linh kiện MỸ chiếm tỉ trọng lớn trong khoản chi phí này, khoảng 39% tổng chi phí. Con số này cao hơn 29% so với 10% của Honor 30S được Huawei tung ra vào hồi mùa xuân năm 2020. Các linh kiện Mỹ đã thay thế những thành phần Trung Quốc trong hầu hết các lĩnh vực cốt lõi, bao gồm bộ xử lý chính và chipset 5G. Trong khi đó, tỉ lệ của các linh kiện Trung Quốc giảm 27% xuống còn khoảng 10%. HiSilicon đã cung cấp SoC, chipset 5G và chip quản lý năng lượng cho phiên bản 2020. Các nhà sản xuất Trung Quốc khác và những nhà cung cấp Nhật Bản, bao gồm Murata Manufacturing, Taiyo Yuden và TDK, cũng tham gia sản xuất nhiều con chip giao tiếp cho Honor 30S. Nhưng HiSilicon không còn nằm trong danh sách các nhà cung cấp những linh kiện này cho Honor X30. Bên cạnh linh kiện của Nhật Bản, mọi chip giao tiếp cho phiên bản mới nhất đều được cung cấp bởi Qualcomm và Qorvo – một nhà sản xuất linh kiện lớn khác của Mỹ. Phần chip giao tiếp duy nhất của Trung Quốc được sử dụng là bộ khuếch đại tín hiệu, dùng để liên lạc dựa trên công nghệ cũ. Việc mở rộng sử dụng linh kiện Mỹ mạnh mẽ cũng đồng nghĩa rằng, Honor đã không thể đảm bảo đủ nguồn cung linh kiện smartphone sản xuất tại Trung Quốc. Hồi tháng 8/2020, Mỹ đã cắt quyền truy cập của Huawei vào các con chip máy tính tiên tiến quan trọng bằng cách áp đặt những biện pháp trừng phạt, vốn hạn chế bất kỳ công ty bán dẫn nước ngoài nào bán chip được phát triển hoặc sản xuất bằng phần mềm hay công nghệ Mỹ, cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc này mà không xin giấy phép.
Điện thoại Trung Quốc Honor sử dụng 40% linh kiện từ Mỹ
Bước đi này cũng khiến Huawei gặp khó khăn trong việc mua các sản phẩm của TSMC – nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu thế giới. Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã thúc đẩy Huawei tăng tốc tích trữ những thiết bị bán dẫn tiên tiến. Thành phần tương đối đắt tiền duy nhất của Trung Quốc được sử dụng trong X30 là màn hình. Giá của màn hình LCD được ước tính là 14 USD, thấp hơn 1/5 so với giá của tấm nền OLED vốn được sử dụng trong các mẫu flagship. Theo Yoshio Tamura, đồng sáng lập kiêm chủ tịch mảng Hoạt động Châu Á tại công ty nghiên cứu Hoa Kỳ DSCC, Trung Quốc có một quân đoàn các nhà sản xuất màn hình LCD, bao gồm BOE Technology Group – công ty hàng đầu trong lĩnh vực – và Tianma Microelectronics. Trong chiếc Honor X30, các linh kiện Nhật Bản chiếm khoảng 16% tổng chi phí sản xuất, chiểm tỉ lệ nhiều thứ 2. Cảm biến hình ảnh camera của Sony Group và những thành phần giao tiếp do Murata, Taiyo Yuden và TDK sản xuất đều đóng góp vào tỉ trọng linh kiện của Nhật Bản. Số lượng linh kiện Nhật Bản đã tăng lên do các tính năng giao tiếp và camera phức tạp hơn trong mẫu thiết bị mới nhất. Honor không phải là nhà sản xuất smartphone Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào những con chip đến từ Mỹ. Hai nhà sản xuất smartphone đang phát triển nhanh khác của Trung Quốc, Xiaomi và Oppo, cũng đã chuyển sang các nhà cung cấp Mỹ đối với những thành phần quan trọng. Theo Fomalhaut, tỉ lệ linh kiện Mỹ trong chiếc điện thoại gập Mi Mix Fold của Xiaomi là 26%, trong khi con số này tăng lên 31% đối với Oppo Reno 6 Pro+.
Điện thoại Trung Quốc Honor sử dụng 40% linh kiện từ Mỹ
Theo công ty nghiên cứu IDC (Mỹ), Honor xếp thứ 5 trong thị trường smartphone Trung Quốc hồi năm 2021 với thị phần 11,7%, không thay đổi mấy so với năm 2020. Dẫu thế, họ đã leo lên vị trí thứ 2, chỉ sau Apple trong quý 4/2021. Nhưng sự tăng trưởng của Honor chắc chắn làm tăng sự phụ thuộc của ngành công nghiệp smartphone Trung Quốc vào các linh kiện Mỹ lên cao hơn nữa. Honor sử dụng hệ điều hành Android của Google cho những chiếc smartphone của mình. Sự kết hợp mạnh mẽ của các thành phần cao cấp do Qualcomm và những nhà sản xuất Mỹ khác cung cấp cùng hệ điều hành di động Android tạo ra một hệ sinh thái toàn cầu không thể đánh bại đối với những công nghệ Mỹ dành cho smartphone. Hệ điều hành di động của Google chiếm 70% thị phần toàn cầu và iOS của Apple là đối thủ chính của Android. Để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei đã nỗ lực mở rộng phát triển nội bộ và sản xuất các thành phần cũng như chương trình cho những thiết bị của mình. Vì bị từ chối quyền truy cập vào các ứng dụng vào các ứng dụng Google, bao gồm hệ điều hành, App Store và Gmail, Huawei đã phát triển hệ điều hành của riêng mình có tên là HarmonyOS. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc có cung cấp một phiên bản HarmonyOS mã nguồn mở cho các nhà sản xuất khác nhưng Honor lại không sử dụng nó. Nói đúng hơn, chiếc smartphone X30 mới của Honor chạy trên hệ điều hành Android.
Điện thoại Trung Quốc Honor sử dụng 40% linh kiện từ Mỹ
Khả năng cạnh tranh của một hệ điều hành chủ yếu dựa vào số lượng người dùng của nó. Một hệ điều hành phổ biến sẽ thu hút các nhà phát triển phần mềm và tận hưởng một nhóm ứng dụng khổng lồ cũng như được phát triển nhanh chóng. Sự đóng góp của các nhà cung cấp và nhà phát triển phần mềm là rất quan trọng đối với chiến lược sản phẩm của nhà sản xuất smartphone vào thời điểm mà cả thiết bị lẫn ứng dụng đều đang phát triển nhanh chóng. Nếu một nhà sản xuất cố gắng thực hiện một hình, họ sẽ nhận thấy rằng bản thân họ không thể tung ra các sản phẩm mới với tốc độ và giá cả cạnh tranh. HarmonyOS là một thành viên mới trong lĩnh vực hệ điều hành di động và không thể sánh được với Android về khả năng nhận dạng tên hay độ tinh vi. Trong hơn 10 năm cạnh tranh khốc liệt với iOS của Apple, hệ điều hành Android của nhà Google đã phát triển vượt bậc. Bên cạnh Honor, 2 nhà sản xuất smartphone Trung Quốc khác là Xiaomi và Oppo cũng sử dụng Android. Minatake Kashio, giám đốc Fomalhaut, dự đoán rằng các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ ngày càng khó mua các linh kiện cần thiết trong những năm tới. Với việc cộng đồng quốc tế ngày càng lên tiếng chỉ trích luật nhân quyền của Trung Quốc, họ đang ngày càng tránh xa những sản phẩm, chip và bộ xử lý có xuất xứ ở quốc gia này. Điều đó chấc chắn sẽ gây ra những trở ngại lớn cho sự phát triển của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc. >>> OnePlus xuống dốc khiến tôi phải "quay xe" về đội Samsung. Nguồn: Nikkei
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top