Điều gì đang khiến chỉ số VN-Index lao dốc thảm hại?

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Phiên giao dịch chứng khoán đầu tuần ngày 24.10.2022 thực sự là một ngày thảm hại nối tiếp những ngày thảm hại trước đó của VN-Index. Chỉ số không chỉ mất mốc 1.000 điểm, mà còn đánh dấu cuộc lao dốc của VN-Index hiện nay còn thảm hại hơn cả mùa dịch năm 2020. 1. Có thể đưa ra một vài con số so sánh tương đối. Mùa dịch năm 2020, VN-Index bắt đầu giảm mạnh từ tháng 1 và tạo đáy vào cuối tháng 3, kéo dài trong khoảng 3 tháng. Chỉ số VN-Index điều chỉnh trong khoảng thời gian này cùng chiều với thị trường chứng khoán thế giới và khu vực, tụt từ mốc 960 điểm vào thời điểm cuối năm 2019 xuống mức 659 điểm vào cuối tháng 3/2020. VN-Index mất tổng cộng khoảng 300 điểm trong giai đoạn này, tương ứng mức giảm 31,35%. Nhưng trong đợt lao dốc của VN-Index hiện nay, kéo dài từ tháng 4, đến nay đã hơn 6 tháng. Khoảng thời gian 6 tháng lao dốc dài gấp đôi đợt lao dốc trong mùa dịch năm 2020. Còn về điểm số, từ mức 1.524 điểm vào tháng 4/2022, VN-Index kết phiên ngày 24/10/2022 rơi xuống mức 986 điểm. Tổng cộng, VN-Index mất 538 điểm, tương ứng mức giảm 35,3%. Như vậy, cả về điểm số tuyệt đối và tỉ lệ của đợt lao dốc hiện tại đều đã vượt quá ngưỡng giảm vào năm 2020. Nhưng điều đáng nói là, các phiên giảm mạnh trong mùa dịch năm 2020 hầu hết có thể dự báo trước được xu hướng do ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình dịch bệnh COVID-19. Còn đợt lao dốc hiện nay, VN-Index mất điểm mạnh trong nhiều phiên một cách không ngờ. Đơn cử tình huống, chỉ số đầu phiên có lúc xanh, nhưng dần về cuối phiên hàng loạt mã giảm sàn kéo VN-Index tụt xuống vài chục điểm mà không vì nguyên nhân nội tại của nền kinh tế, và càng không phải do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán thế giới. Phiên giao dịch ngày 24/10/2022 là một trong những phiên điển hình như thế. Tình hình kinh tế vĩ mô vẫn khả quan cho dù có những khó khăn và thách thức, thị trường chứng khoán thế giới kết phiên trước đó tăng mạnh, còn chứng khoán khu vực Châu Á diễn ra cùng ngày thì sắc xanh áp đảo. Thế nhưng, VN-Index lại không chung lối với bất cứ ai, tự nhấn chìm mình do chính các tin đồn và yếu tố nội tại của thị trường chứng khoán. Chưa thời kỳ nào thị trường chứng khoán Việt Nam với chỉ số VN-Index liên tục phá đáy và tạo ra các “đáy giả” nhiều như từ tháng 4/2022 trở lại đây. Các đáy cứng cựa từ 1.300 điểm, 1.200 điểm, 1.100 điểm, rồi đến 1.000 điểm lần lượt bị khoan thủng một cách đầy bất ngờ và khá dễ dàng. Thậm chí, ngưỡng 1.000 điểm nhiều lần bị uy hiếp trong phiên giao dịch ngày 11/10/2022 trước khi chính thức bị xuyên thủng vào cuối phiên ngày 24/10. 2. Sự lao dốc thảm hại của VN-Index hiện nay đã đẩy các con số được xem là thành tựu của thị trường chứng khoán Việt Nam lùi về nơi xa lắc, cụ thể là con số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, hay mức thanh khoản từng gây bùng nổ thị trường và duy trì nhiều tuần trên mức 25.000 tỉ đồng/phiên trên sàn HSX, thậm chí trên mức 30.000 tỉ đồng/phiên trong đó có những phiên thanh khoản đạt trên 40.000 tỉ đồng. Năm 2020, sau 3 tháng lao dốc, VN-Index đã cho thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Song với đợt lao dốc hiện tại, đường hầm vẫn cứ mờ mịt. Đôi khi, ánh sáng có lóe lên nhưng chỉ nhằm dẫn dụ, như những cái bẫy, nhà đầu tư lao theo một cách thiếu tỉnh táo dễ dàng mắc bẫy. Khi cuộc chiến Nga - Ucraina còn chưa có tín hiệu sớm kết thúc, dẫn tới bao hệ lụy khiến thế giới lao đao. Trong khi lò lửa lạm phát vẫn chưa hết ngột ngạt, nền kinh tế lại đang dần chìm vào suy thoái. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam lại gặp thêm những vấn đề riêng, từ sóng gió đáo hạn trái phiếu nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc trả nợ, cho tới những phiên bán tháo gần đây khi nhiều tài khoản bị buộc bán giải chấp vì mất cân bằng tài khoản do vay margin, các tin đồn tràn lan trên mạng xã hội và diễn đàn... Trong tình thế như hiện nay, dự báo của các công ty chứng khoán về các phiên giao dịch thường xuyên bị rơi vào việt vị. Sự tư vấn từ các chuyên viên chỉ thuần dựa vào phân tích kỹ thuật, hoặc chung chung; kinh nghiệm thực chiến bỗng dưng trở thành điều phi thực tế, hoặc chẳng ai dám lấy nó ra để chia sẻ hay khuyên nhủ người khác. Bởi cơn lao dốc thảm hại hiện nay của VN-Index theo cách không thể dễ dàng hơn hoàn toàn có thể cuốn phăng các bí kíp đầu tư hay những kinh nghiệm nhiều năm trường chinh chiến trên chứng trường. Trong tình thế hiện nay, một câu hỏi bắt đầu cần được đặt ra, là nếu VN-Index tiếp tục lao dốc không phanh trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới và khu vực không diễn biến tới mức thảm họa như vậy, thì liệu cơ quan quản lý ngành có tính đến việc “rút phích cắm” hay không, hoặc áp dụng biên độ giảm mỗi phiên hẹp hơn biên độ tăng cho các sàn như đã từng áp dụng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008? Mọi phương án cần được tính đến khi tình hình kinh tế toàn cầu đang nguy khốn như hiện nay có thể tác động tiêu cực khó lường đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Cùng với đó, vấn đề trái phiếu đáo hạn cũng đang gây không ít căng thẳng cho nhiều doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt còn liên quan tới một số công ty chứng khoán và doanh nghiệp bất động sản khiến cho cổ phiếu của những doanh nghiệp này bị bán tháo trong những phiên vừa qua. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top